Số phận Xi-ri trong bàn cờ Mỹ - Nga tại Thượng đỉnh Trăm - Pu-chin

08:07, 13/07/2018

Cuộc chiến khốc liệt tại Xi-ri có thể đang dần đi tới một kết thúc ngoại giao, trong bối cảnh Mỹ, Nga và Ít-xra-en được cho là đang dàn xếp một thỏa thuận duy trì quyền lực của Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát để đổi lấy những cam kết của Nga về kiềm chế ảnh hưởng của I-ran.

Xi-ri sự kiến là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Nga sắp tới. Ảnh: Roi-tơ
Xi-ri dự kiến là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Nga sắp tới. Ảnh: Roi-tơ

Nhân tố I-ran

Theo tờ Washington Post, kiểm soát quyền lực của I-ran đã trở thành một mục tiêu quan trọng của chính quyền Tổng thống Trăm tại Xi-ri, nơi khủng bố IS đã gần như bị quét sạch. Ông Trăm nhiều lần phát đi những tín hiệu về một chính sách “chấp nhận Át-xát”, đồng nghĩa với việc “bỏ rơi” một phe đối lập từng được Mỹ đào tạo và hậu thuẫn.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Giôn Bôn-tơn mới đây cũng khẳng định, việc Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát tiếp tục nắm giữ quyền lực không còn là vấn đề chiến lược với Mỹ và Tổng thống Đô-nan Trăm hy vọng sẽ đảm bảo sự hỗ trợ của Nga trong việc đưa các lực lượng I-ran ra khỏi Xi-ri. Điều này nằm trong chính sách cứng rắn với Tê-hê-ran của chính quyền Tổng thống Trăm, mà trọng tâm là việc Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết giữa nhóm P5+1 với I-ran vào năm 2015, bất chấp sự phản đối của chính các đồng minh châu Âu.

Thỏa thuận khung về Xi-ri

Chính sách về Xi-ri của Tổng thống Trăm lâu nay bị phe đối lập trong nước chỉ trích là “bật tới bật lui như quả bóng bàn”. Đặc điểm dễ thấy nhất là ông đi ngược lại những cam kết quân sự tại Trung Đông được đưa ra từ thời những người tiền nhiệm Gioóc-giơ W. Bút (Tổng thống Bút con) và Ba-rắc Ô-ba-ma. 

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 16-7 tại Hen-xinh-ki (Phần Lan) giữa nhà lãnh đạo Mỹ với Tổng thống Nga, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Giôn Bôn-tơn đã bay tới Mát-xcơ-va để thảo luận các công tác chuẩn bị. Tờ Al Monitor cho hay, Mát-xcơ-va đã trao cho phía Oa-sinh-tơn một văn bản dài 2 trang, có thể là thành phần chính của bản dự thảo cho tuyên bố chung dự kiến được hai nhà lãnh đạo đưa ra vào cuối cuộc gặp.

Trong khi đó, theo tờ Washington Post, các chuyên gia phân tích Ít-xra-en, châu Âu và Mỹ đã vạch ra một số thành tố của thỏa thuận khung về Xi-ri. Theo đó, về cơ bản, để đổi lấy việc Mỹ rút những yêu sách về chuyển giao chính trị tại Xi-ri, Nga sẽ ủng hộ một loạt biện pháp kiểm chế ảnh hưởng I-ran, bao gồm:

Lực lượng do I-ran hậu thuẫn sẽ ở lại cách xa biên giới Ít-xra-en trên Cao nguyên Gô-lan ít nhất 80km; Ít-xra-en sẽ có sự cho phép ngầm của Nga tấn công các mục tiêu có nguy cơ đe dọa của I-ran tại Xi-ri, miễn là không ảnh hưởng tới lực lượng Nga. Trên thực tế, những tuần gần đây, Ít-xra-en đã thể hiện quyền “tự do hành động” này khi tấn công những cơ sở mật của I-ran và ngăn cản Tê-hê-ran mở “mặt trận thứ hai” tại Xi-ri chống Ít-xra-en, hỗ trợ Héc-bô-la tại Li-băng; 

Quân đội chính phủ Át-xát, với sự hậu thuẫn của không quân Nga, sẽ thống nhất kiểm soát ở khu vực tây nam Xi-ri, giành lại các vị trí tiền đồn trên biên giới với Gioóc-đa-ni. Về phần mình, Gioóc-đa-ni cũng ủng hộ quyền kiểm soát của chính phủ Tổng thống Át-xát ở biên giới, bởi điều này cho phép nối lại hoạt động của các đoàn xe tải, thúc đẩy giao thương kinh tế với Gioóc-đa-ni. Lực lượng đối lập ở tây nam Xi-ri sẽ bị bỏ rơi, phải tự kháng cự.

Quân cảnh Nga sẽ tuần tiễu khu vực tây nam Xi-ri và có thể cả các khu vực khác trong nỗ lực ổn định hóa tình hình. Trong khi đó, Mỹ sẽ giữ lại căn cứ ở An Ta-phơ, miền nam Xi-ri nhằm ngăn cản bất cứ bước tiến nào của I-ran tại đây.

Nga và chính quyền Đa-mát sẽ mở rộng ảnh hưởng với các lực lượng người Cuốc ở vùng đông bắc Xi-ri, nơi người Cuốc đã hợp tác thành công với các chiến dịch đặc biệt của Mỹ nhằm đánh bại khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khôi phục ổn định. Các chỉ huy Mỹ hy vọng lực lượng của họ có thể ở lại đây thêm 18 tháng, tuy nhiên Tổng thống Trăm đã tỏ ra mất kiên nhẫn với sứ mạng này.

Những “quân cờ” khác

Trong khi đó, phe đối lập tại Xi-ri hiện đang “cay đắng” thất vọng trước thông tin về việc thỏa thuận trên đang thành hình. Phe này đã cảnh báo “sự phản bội” của Mỹ sẽ dẫn đến những phong trào thánh chiến trong tương lai. Một số nước châu Âu cũng nghi ngờ sự thành công của kế hoạch Xi-ri. 

Việc Tổng thống Trăm sẵn sàng nhường lại quyền lực cho Nga tại Xi-ri, từ bỏ những “thành quả” Mỹ đã đạt được cũng gây tâm lý bất bình với nhiều quan chức Lầu Năm góc và CIA. Tuy nhiên họ dường như đang yếu thế trong cuộc tranh luận. Khi Tổng thống Trăm rút khỏi “cuộc chơi” tại Xi-ri, bỏ rơi mục tiêu “Át-xát must go” (Tổng thống Át-xát phải ra đi), giới chức Lầu Năm góc cho rằng Mỹ không còn gì để “mặc cả” bởi Nga hiện đã là người chơi chủ chốt, quyết định diễn biến tại Xi-ri, không chỉ về quân sự, mà còn trên mặt trận ngoại giao, với những tiến triển đạt được qua hội nghị Át-ta-na với I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Với Ít-xra-en, một số nhà phân tích cho rằng, lúc này Ten A-víp đang ngả theo hướng Tổng thống Xi-ri Át-xát duy trì quyền lực. Dưới thời ông Át-xát, khu vực cao nguyên Gô-lan mà Ít-xra-en chiếm đóng của Xi-ri được duy trì yên ổn, trong khi một sự trỗi dậy cầm quyền của phe đối lập Xi-ri có thể gây ra mối đe dọa với Ten A-víp.  “Xuất hiện một xu hướng với Ít-xra-en - có thể là nhờ kết quả cuộc tham vấn Ít-xra-en - Nga - Mỹ gần đây - là đảm bảo sự chấp nhận của Ít-xra-en với chính quyền Át-xát”, E-li Pô-đê, giáo sư về Trung Đông tại Đại học He-brêu ở Giê-ru-sa-lem phát biểu với tờ Al Jazeera. “Ít-xra-en muốn đảm bảo ổn định và yên tĩnh ở biên giới Ít-xra-en - Xi-ri và nếu chính quyền Át-xát làm đúng trách nhiệm của mình - như đã làm - thì Ít-xra-en sẽ hài lòng”, ông Pô-đê bổ sung.

Tuy vậy, cũng có những tranh cãi rằng, mối quan hệ thân thiết của chính phủ Tổng thống Át-xát với I-ran có thể giúp Tê-hê-ran mở rộng ảnh hưởng tới sát biên giới Ít-xra-en, gây ra mối đe dọa còn lớn hơn. 

Chỉ 5 ngày trước Thượng đỉnh Mỹ - Nga, ngày 11-7, đồng minh thân thiết nhất của Tổng thống Trăm, Thủ tướng Ít-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu đã có cuộc gặp với Tổng thống Pu-chin và đây là cuộc gặp thứ ba giữa họ chỉ trong năm nay. Có vẻ như nhân tố Ít-xra-en trong vấn đề Xi-ri đã được Mát-xcơ-va giải quyết ổn thỏa./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com