Nhật Bản siết chặt tàu thuyền chở hàng đến Triều Tiên

08:06, 28/06/2017

Ngày 27-6, nội các Nhật Bản đã thông qua quy định siết chặt hoạt động kiểm tra các tàu của nước thứ ba chở hàng hóa vào Triều Tiên nhằm ngăn chặn nguy cơ Bình Nhưỡng chuyển đổi những mặt hàng này để phục vụ cho các chương trình phát triển vũ khí của mình.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa nhấn mạnh cần hạn chế dòng nguyên liệu, công nghệ và ngoại tệ chảy vào Triều Tiên nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí và tên lửa trong bối cảnh Bình Nhưỡng gần đây thực hiện nhiều vụ thử tên lửa. Quy định mới trên dự kiến có hiệu lực vào giữa tháng 7 tới. 

Theo đó, nếu nghi các mặt hàng nào có thể được Triều Tiên dùng cho mục đích quân sự, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẽ được phép kiểm tra các tàu thuyền và thu giữ những hàng hóa khả nghi, bao gồm cả những mặt hàng không nằm trong danh mục kiểm tra của chính phủ. 

Biện pháp trên phù hợp với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi tháng 3-2016. Nghị quyết này cũng bao gồm cả một điều khoản cấm các nước cung cấp các mặt hàng có khả năng gia tăng năng lực quân sự của Bình Nhưỡng, trong đó có các mặt hàng đa dụng có thể được chuyển sang mục đích quân sự. Triều Tiên được cho là đã chuyển đổi một số đồ điện gia dụng sang mục đích phát triển vũ khí.

Hình ảnh nước Mỹ trong đánh giá của người dân các nước

Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) ngày 27-6 công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy hình ảnh nước Mỹ đang suy giảm trên toàn cầu và đa số người dân tại nhiều quốc gia hoài nghi về khả năng lãnh đạo đất nước của Tổng thống Đô-nan Trăm.

Cuộc thăm dò được thực hiện tại 37 quốc gia trên thế giới, thu hút 40.447 người tham gia từ ngày 16-2 đến 8-5 năm nay, cho thấy 5 tháng sau khi tỷ phú Trăm đắc cử Tổng thống Mỹ, tỷ lệ ủng hộ nước Mỹ của dư luận quốc tế đã giảm xuống chỉ còn 49%, giảm so với mức 64% ở thời điểm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. 

Thăm dò của Pew nhấn mạnh hiện tượng suy giảm lòng tin và cái nhìn thiện cảm đối với nước Mỹ xuất hiện ở các nước Mỹ La-tinh, Bắc Mỹ cho tới châu Âu, châu Á và cả châu Phi. 

Đáng lưu ý, tỷ lệ này đặc biệt cao tại một số quốc gia đồng minh gần gũi nhất của Mỹ, trong đó có nước láng giềng Mê-hi-cô và Ca-na-đa, cùng các đối tác châu Âu như Đức và Tây Ban Nha. Chỉ có 30% số người dân Mê-hi-cô được hỏi bày tỏ quan điểm ủng hộ Mỹ, giảm từ mức 66% so với giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Ô-ba-ma. Tại Ca-na-đa và Đức, tỷ lệ ủng hộ đồng loạt giảm 22% xuống mức tương ứng là 43% và 35%. 

Tại nhiều quốc gia châu Âu, tỷ lệ này xuống thấp chỉ ngang với mức ghi nhận được vào cuối thời kỳ cầm quyền của cựu Tổng thống Ghê-oóc-ghi W. Bút, người đã phát động chiến dịch quân sự tại I-rắc năm 2003. 

Trung Quốc: Lại sạt lở đất tại huyện Mậu

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, vào lúc 11 giờ 2 phút (giờ địa phương, tức 10 giờ 2 phút giờ Việt Nam) ngày 27-6, ngọn núi tại thôn Tân Ma, Thị trấn Điệp Khê, thuộc huyện Mậu, tỉnh Tứ Xuyên tiếp tục xảy ra vụ sạt lở lần thứ hai.

Vụ sạt lở lần này không gây ra tổn thất về người, do trước đó một ngày nhà chức trách Trung Quốc đã dự báo về nguy cơ tiếp tục sạt lở và tiến hành sơ tán lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người bị chôn vùi trong vụ sạt lở núi nghiêm trọng lần thứ nhất. 

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 26-6, khoảng 100 gia đình nạn nhân trong vụ lở núi trên đã khiếu nại với các quan chức chính phủ rằng họ thiếu thông tin liên quan đến thảm họa, đồng thời nhấn mạnh sẽ không rời khỏi khu vực nguy hiểm này. 

Vụ sạt lở khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 93 người vẫn mất tích mà theo đánh giá của chuyên gia là hy vọng sống sót vô cùng mong manh; gây tắc nghẽn 2km đường sông và chôn vùi 1,6km đường bộ tại khu vực này. Chính phủ Trung Quốc đã điều khoảng 3.000 nhân viên cứu hộ, cùng nhiều trang thiết bị tới hiện trường nhằm khắc phục hậu quả cũng như tìm kiếm những người mất tích./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com