Môn thể thao đề cao sự điềm tĩnh và khéo léo

08:04, 01/04/2020

Trong suy nghĩ của nhiều người, bi sắt là môn thể thao mới, dễ chơi, phù hợp với mọi lứa tuổi. Ít ai biết rằng, bi sắt có lịch sử phát triển lâu đời, đòi hỏi người chơi tư duy không gian, chiến thuật và mang lại niềm vui, sức khỏe ngoài mong đợi.

d
Môn bi sắt đòi hỏi người chơi phải khéo léo, biết tư duy không gian và chiến thuật.

Bi sắt (tên gọi quốc tế là petanque) được ghi nhận có nguồn gốc từ trò bi đá của người Ai Cập cổ đại. Đến thế kỷ 17, giới thượng lưu Pháp phổ biến môn thể thao này và đưa ra luật chơi cụ thể. Bi sắt hiện đại ra đời vào năm 1907 tại La Ciotat, miền Nam nước Pháp trước khi lan rộng đến các nước Tây Âu và trên thế giới. Bi sắt du nhập Việt Nam vào thập niên 40 của thế kỷ 20 và xuất hiện trong chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2001 (SEA Games 21). Hiện nay, Liên đoàn Bi sắt châu Á đang vận động để đưa môn bi sắt vào trong chương trình thi đấu của Đại hội thể thao châu Á 2020.

Bi sắt thường được tổ chức trên 3 loại sân khác nhau, gồm: Sân đất nện, sân đất nện có rải đá dăm và sân đất nện rải đá dăm, đá 1x2cm. Trọng lượng viên bi từ 650g đến 750g, có đường kính từ 7,05cm đến 7,50cm. Môn bi sắt có nhiều nội dung khác nhau, như: Đơn nam, đôi nam, đồng đội nam, kỹ thuật nam, đơn nữ, đôi nữ, đồng đội nữ, kỹ thuật nữ và đôi nam nữ. Sau khi bốc thăm, VĐV sẽ được cầm viên bi điểm nhỏ ném trước và đứng trong một vòng tròn có đường kính từ 35cm đến 50cm. Vòng tròn này nằm cách đường biên cuối sân và biên ngang 1m. Bi điểm được xem là ném hợp lệ khi nằm cách xa vòng tròn từ 6 đến 10m và cách hai biên dọc 1m. Sau khi bi điểm được ném, vận động viên (VĐV) đối phương có nhiệm vụ đầu tiên là bo (hay còn gọi là lăn) viên bi của mình (trong tư thế ngồi) sao cho gần viên bi điểm. Khi bo viên bi gần bi điểm nhất, người đó được xem là tạm dẫn đối phương. VĐV đối thủ có nhiệm vụ là bắn viên bi (tư thế đứng) của đối phương đi nơi khác. Mỗi VĐV được phát 3 viên bi để bo hoặc bắn. Nếu đã ném đi hết cả 3 viên bi thì ai có viên bi gần với bi điểm nhất được công nhận thắng điểm. Mỗi trận thi đấu đến 13 điểm.

Thoạt nhìn, môn bi sắt khá dễ chơi, dễ hiểu. Tuy nhiên, trong thi đấu các VĐV phải vận dụng tối đa khả năng tư duy, tính toán chiến thuật, so kè với đối thủ. Ông Đặng Xuân Vui, Trưởng bộ môn Bi sắt (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) cho biết: “Tiêu chí để chọn VĐV năng khiếu môn bi sắt là dựa trên sự khéo léo, có cổ tay dẻo và khả năng tư duy không gian. Ngoài ra, môn bi sắt đề cao tính chiến thuật, sự điềm đạm và kiên trì. Môn này giúp người chơi phải biết suy ngẫm, tinh tế và sống nội tâm hơn. Đây là một môn thể thao dễ chơi nhưng khó giỏi. Dễ ở chỗ mọi người chỉ cần nhìn, học thuộc luật là có thể chơi được ngay. Nhưng để có thể chơi tốt, trở thành một VĐV chuyên nghiệp đi thi đấu thì thông thường phải trải qua quy trình đào tạo từ 4 đến 5 năm”.

Trong những năm gần đây, phong trào bi sắt phát triển mạnh ở nhiều địa phương, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu... Mỗi một trận đấu bi sắt là một cuộc đấu về chiến thuật, tư duy và mang lại niềm vui nên ngày càng có nhiều người dân lựa chọn môn thể thao này để rèn luyện thân thể, giảm sự căng thẳng. Trung bình mỗi trận đấu, một VĐV phải đi lại với tổng quãng đường khoảng 8km, thậm chí có thể lên tới 15km nếu ván đấu kéo dài. Ông Đặng Xuân Vui khuyến cáo: “Người mới chơi nên bắt đầu từ khoảng cách 3 đến 6m, sau đó tăng dần lên 6 đến 10m. Trước khi thi đấu, người chơi cần khởi động kỹ, đặc biệt là các khớp tay, chân vì sau khoảng thời gian khá dài đứng, bạn dễ dàng bị mỏi cơ và khớp”./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com