Hỗ trợ học nghề cho các vận động viên sau "giải nghệ"

08:04, 03/04/2020

Nam Định là địa phương có nhiều vận động viên (VĐV) giành thành tích cao tại các giải thi đấu quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới mỗi năm. Nhiều VĐV đã đóng góp đáng kể trong thành công chung của thể thao nước nhà và của tỉnh; khẳng định vị thế ở đấu trường quốc gia, châu lục, quốc tế. Việc quan tâm đến đời sống, tương lai ổn định của các VĐV sau giải nghệ luôn là vấn đề mà tỉnh và ngành Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh quan tâm song việc hỗ trợ về nghề nghiệp, việc làm còn nhiều khó khăn.

Vận động viên thể thao giành thành tích cao được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Vận động viên thể thao giành thành tích cao được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho các VĐV sau khi giải nghệ. Dù gặp khó khăn về cơ chế, kinh phí nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) cùng các ngành chức năng đã vận dụng linh hoạt cho các VĐV được tham gia dự tuyển, thi tuyển vào các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp; tạo điều kiện cho các VĐV vừa đi học văn hóa, học nghề vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tại các cấp đội tuyển. Sau khi giải nghệ, các VĐV giành huy chương, thành tích cao, có nhiều đóng góp được bình xét trình UBND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Các VĐV giành huy chương quốc tế, quốc gia được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng TDTT, chuyên ngành thể thao, giữ vai trò HLV tại các đội tuyển thể thao của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng VĐV được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm không nhiều. Những trường hợp đặc biệt đã được tỉnh tạo điều kiện biên chế, giữ lại làm công tác huấn luyện còn hạn chế để phù hợp điều kiện của ngành. Số còn lại, chủ yếu là làm công tác huấn luyện các đội trẻ, trợ lý huấn luyện cho các bộ môn... Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách khá eo hẹp, cơ chế còn bất cập, chưa phù hợp thực tế, công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ còn khó khăn. Các trường hợp được đi học, đào tạo nghề có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là rất ít, các VĐV đi học đại học, cao đẳng TDTT hay các ngành nghề khác phần lớn là tự túc. Do đó, ngay ở thời điểm đang ở đỉnh cao phong độ, đang có thành tích tốt cả ở trong nước và quốc tế, bận rộn với lịch tập luyện, đi tập huấn, tham gia các giải đấu trong nước, quốc tế nhưng nhiều VĐV vẫn phải đau đáu lo tìm định hướng nghề nghiệp, sinh kế cho bản thân sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Điển hình như một số VĐV: Nguyễn Thị Huyền, Dương Văn Thái, Vũ Thị Mến... là những VĐV tiêu biểu của tỉnh giành nhiều thành tích xuất sắc ở cả trong nước, quốc tế đều đã tốt nghiệp hoặc hiện là sinh viên của các trường: Đại học TDTT Bắc Ninh, Đại học TDTT Đà Nẵng. Trước đó, nhiều bậc “tiền bối”, những huấn luyện viên cũng phải sớm tìm công việc ổn định tại các đội tuyển thể thao của tỉnh. Nhiều VĐV còn chọn cho bản thân những công việc liên quan tại các CLB, trung tâm TDTT sau khi giải nghệ để tiếp tục mưu sinh. Nỗi lo lớn nhất đối với các VĐV chính là học gì, làm gì sau khi từ giã sự nghiệp bởi tuổi nghề của các VĐV thường khá ngắn, nhất là thời kỳ thi đấu đỉnh cao chỉ kéo dài khoảng 10 năm. Khi giải nghệ, sẽ chỉ có số ít VĐV được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến TDTT. Vì nỗi lo tương lai “hậu” thi đấu mà nhiều VĐV đã đành từ bỏ đam mê thể thao.

Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT được xem là sự bổ sung rất cần thiết, kịp thời đối với các VĐV hiện nay. Nghị định quy định rõ, VĐV đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi thôi làm VĐV nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của pháp luật. VĐV đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm. Các chế độ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên (HLV), VĐV thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thực hiện theo quy định của pháp luật... Nghị định 36/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 14-6-2019 chính là cơ sở quan trọng để các VĐV, HLV các bộ môn thể thao yên tâm tập luyện, thi đấu, cống hiến cho thể thao tỉnh nhà. Thời gian tới, căn cứ văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định của các bộ, ngành liên quan, Sở VH, TT và DL sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho các VĐV ngay từ khi đang thi đấu và sau khi giải nghệ phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh để các VĐV yên tâm tập luyện và cống hiến. Ngoài ra, công tác thi đua khen thưởng tiếp tục nâng cao để xứng đáng với sự cống hiến và những thành tích mà các HLV, VĐV đã giành được./.

Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com