Các môn thể thao dân gian trong lễ hội mùa xuân

07:03, 01/03/2019

Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội xuân kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Bên cạnh phần lễ mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng, phần hội luôn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân bởi sự phong phú của các môn thể thao gắn với lịch sử văn hóa ở mỗi địa phương như cờ tướng, bơi chải, đấu vật, biểu diễn võ thuật…

Bơi chải truyền thống tại huyện Giao Thủy.  Bài và ảnh: Trần Huy
Bơi chải truyền thống tại huyện Giao Thủy. 

Huyện Xuân Trường có nhiều lễ hội đầu xuân gắn với tổ chức các trò chơi dân gian như: Lễ hội Đền làng An Cư, xã Xuân Vinh; lễ hội làng Xuân Bảng, Thị trấn Xuân Trường; lễ hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp; lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng… Các lễ hội đều có nhiều môn thể thao dân gian, đặc sắc nhất là các cuộc thi bơi chải. Bơi chải trong lễ hội Đền làng An Cư, xã Xuân Vinh diễn ra vào các ngày mùng 6 và 7 tháng Giêng thu hút sự tham gia của 10 xóm; mỗi chải có 11 người gồm 10 tay chải và 1 lái trưởng. Từ chiều mùng 2 Tết, các xóm làm lễ hạ chải và tổ chức tập luyện đến sáng mùng 6 làm lễ dâng hương Đền làng An Cư, sau đó khiêng chải ra sông cầu Đình hạ chải. Cự ly đua của đội chải nam bắt đầu từ cầu Đình, xóm 5, đến vị trí giao tại điểm sông Mã rồi quay về điểm xuất phát với tổng chiều dài 7.705m. Cự ly của đội nữ cũng xuất phát từ cầu Đình xóm 5 đến vị trí giao tại cầu Đá rồi quay về điểm xuất phát với tổng chiều dài 5.205m. Theo quy định, các chải xuất phát cách nhau 5 phút, thi đấu theo hình thức tính giờ. Ngoài lễ hội Đền làng An Cư, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, lễ hội truyền thống làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp cũng tổ chức thi đấu bơi chải gồm 4 đội nam và 4 đội nữ thuộc 4 giáp: Nam Thành, Trung Thành, Tây Thành và Bắc Thành. Cùng với đua chải, hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Thông tin huyện phối hợp với UBND xã Xuân Hồng duy trì và tổ chức thi kéo co tại lễ hội truyền thống làng Ngọc Tiên. Giải được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng có sự tham gia tranh tài của 6 giáp, gồm: giáp Cựu, giáp Đông Đoài, giáp Ninh Thọ, giáp Phố, giáp Phú Yên 1 và giáp Phú Yên 2. Mỗi giáp tham gia kéo co với số lượng 15 người gồm 13 người kéo, đội trưởng, đội phó (những người giữ nhịp trong thi đấu). Trước khi thi đấu, các đội đều tiến hành tập luyện trong khoảng 1 tháng để làm quen với những nhịp giữ, giằng, tiếng hò lấy sức… Các đội thi đấu liên tục trong 3 ngày theo thể thức vòng tròn, đội cao điểm nhất sẽ giành chức vô địch. Mỗi trận sẽ thi đấu 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút (hoặc kết thúc ngay khi vạch giữa dây được kéo qua mốc phía đối thủ), mỗi trận thắng sẽ được tính 3 điểm.

Vào đầu xuân từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, xã Giao Hải (Giao Thuỷ) tổ chức lễ hội Đình - Đền Kiên Hành với các môn thể thao dân gian như vật tự do, cờ tướng, tổ tôm, bóng chuyền và một số trò chơi dân gian khác. Lễ hội Đình - Đền Kiên Hành là dịp để các đô vật trong xã ôn lại các miếng đánh, các bài xe đài, cuốn chỉ nhằm tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân với quê hương. Cũng trong dịp đầu xuân, các địa phương của huyện Giao Thuỷ tổ chức nhiều lễ hội với đa dạng các môn thể thao dân gian. Lễ hội làng Hòe Nhai, xã Giao Tiến diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng Giêng với nhiều trò chơi dân gian. Trong ngày 14 diễn ra cuộc thi bơi chải với các tay chèo trong trang phục truyền thống, đầu chít khăn hăng say đua chải trên dòng sông quê. Lễ hội Đền - Chùa Diêm Điền, xã Bình Hòa diễn ra vào ngày 19 tháng Ba âm lịch tưởng nhớ các ông tổ đã có công khẩn hoang lấn biển. Trong những ngày diễn ra lễ hội có tổ chức các môn thể thao dân gian như: đấu vật, đấu võ, các trò chơi chọi gà, tổ tôm điếm, thi đấu cờ người…

Huyện Nam Trực cũng tổ chức nhiều giải thể thao dân gian gắn với lễ hội mùa xuân. Lễ hội Chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang tổ chức vào các ngày 20 và 21 tháng Giêng hấp dẫn mọi người bởi nhiều hoạt động thể thao dân gian như: đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm. Môn vật chầu Thánh nơi đây không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, dũng cảm mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ ghi nhớ công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm, dời non, lấp biển của các thế hệ cha ông với nhiều truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian. Lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh, lễ hội Đền An Lá, xã Nghĩa An luôn tổ chức các cuộc thi đấu: cờ bỏi, cờ tướng, múa gậy, kéo co… Huyện Vụ Bản có hàng chục lễ hội mùa xuân với đa dạng các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống. Trong đó lễ hội ở các xã Trung Thành, Quang Trung, Đại Thắng, Thành Lợi… có nhiều môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như múa rồng, lân, sư tử, thi đấu cờ người, đấu vật, tổ tôm điếm. Đặc biệt, trong lễ hội Phủ Dầy, huyện đã khôi phục được một số môn thể thao truyền thống như đấu vật, múa rồng, hoa trượng hội ở Phủ Tiên Hương, chơi cờ người ở Phủ Vân Cát…

Việc tổ chức khôi phục, phát triển các trò chơi, các môn thể thao dân gian vào dịp đầu xuân mới đáp ứng và nâng cao nhu cầu vui chơi của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của cha ông; qua đó thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tỉnh ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Trần Huy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com