Kịch tính đến phút chót ở vòng 1/8

09:01, 24/01/2019

Giải bóng đá vô địch châu Á- Asian Cup 2019 đi được hai phần ba chặng đường. Sau vòng 1/8, đã xác định tám gương mặt xuất sắc so tài ở vòng tứ kết. Qua những gì đã thể hiện ở vòng đấu loại trực tiếp vừa qua, cho thấy tính đua tranh quyết liệt, sức hấp dẫn của giải đấu.

Ðội tuyển Việt Nam tập luyện với tâm lý thoải mái trước trận tứ kết với Nhật Bản.
Ðội tuyển Việt Nam tập luyện với tâm lý thoải mái trước trận tứ kết với Nhật Bản.

Tại vòng 1/8 Asian Cup 2019, đã có bốn trong tám trận đấu phải phân định thắng - thua ở hiệp phụ, hoặc bằng loạt đá luân lưu 11m, chứng tỏ những cuộc đối đầu giữa các đội hết sức quyết liệt, kịch tính đến phút chót. Với 17 bàn thắng được ghi trong tám trận, bình quân 2,1 bàn/trận, thấp hơn tỷ lệ ở vòng bảng 2,63 bàn/trận, cho thấy tính thực dụng, đặt mục tiêu chiến thắng là yêu cầu đầu tiên của mỗi đội.

Từ đầu giải đến nay, đại diện đến từ "đất nước mặt trời mọc" thắng cả bốn trận, trong đó đánh bại hai đối thủ mạnh U-dơ-bê-ki-xtan và A-rập Xê-út. Các học trò của HLV H.Mo-ri-a-su chơi bóng khoa học, chủ động và biến ảo, hiệu quả cả trong tiến công và phòng ngự nhờ đội hình có lối đá hiện đại, tư duy chiến thuật sắc bén và kinh nghiệm phong phú. Các cầu thủ Nhật Bản đã chứng tỏ những phẩm chất của một đội tuyển hàng đầu châu Á, trong lịch sử từng bốn lần đăng quang ở đấu trường này và dự nhiều kỳ World Cup. Sức mạnh đáng sợ của "Sa-mu-rai" là sở hữu nguồn nội lực tiềm tàng, vào tứ kết theo nhiều cách thức khác nhau mà chưa cần bung hết "bài". Ðó chính là đẳng cấp của đội Nhật Bản. Có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục giữ được phong độ ổn định, đội bóng "xứ Phù tang" sẽ là ứng viên sáng giá nhiều khả năng bước lên bục vinh quang ở giải năm nay, đồng thời là "rào cản" khó chịu đối với bất cứ đối thủ nào. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến thầy trò HLV P.Ben-tô khi đội tuyển Hàn Quốc cũng đang sở hữu hàng phòng ngự chắc chắn, chỉ mới thua một bàn sau bốn trận. Bốn năm trước, đội bóng của "xứ sở kim chi" giành ngôi á quân, lần này họ đang ấp ủ tham vọng đạt thành tích cao hơn.

Ðội tuyển giành nhiều sự khen ngợi của giới chuyên môn và người xem ở vòng "nốc-ao" là những "chiến binh ngôi sao vàng" Việt Nam. Họ lách qua "khe cửa hẹp" để vào vòng 1/8. Tiếp đó đá trên cơ, thắng đội Gioóc -đa-ni bằng thực lực, bản lĩnh, ý chí, tinh thần "thép" của nhà vô địch AFF Cup 2018. Về mặt chuyên môn, đội tuyển Việt Nam đã chứng tỏ sự tiến bộ rõ rệt, đủ sức cạnh tranh với các đội bóng mạnh của châu lục bằng niềm đam mê, khát vọng bùng cháy của những tài năng tuổi mới ngoài đôi mươi tràn đầy thanh xuân. Họ là đại diện duy nhất của khu vực Ðông - Nam Á có tên trong danh sách tám đội bóng hay nhất châu lục. Thành quả hôm nay là minh chứng cho việc bóng đá nước nhà đang đi đúng hướng: xây dựng "ngôi nhà" của mình từ "nền móng" cơ bản: chú trọng đầu tư, đào tạo bóng đá trẻ. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ sau hơn 10 năm, giờ đây chúng ta bắt đầu hái "trái ngọt". Tuyển thủ Nhật Bản M.Y-ô-si-đa (đang khoác áo CLB Xâu-tham-tơn ở Giải ngoại hạng Anh) đã phải công nhận: "Việt Nam mạnh về phòng ngự, tiến công khá đa dạng, kiểm soát không gian rất tốt. Chúng tôi phải thận trọng và sẵn sàng chuẩn bị các phương án đối phó khi đương đầu với họ".

Bốn trận tứ kết diễn ra trong hai ngày 24 và 25-1 được cổ động viên mong chờ: Hàn Quốc đá với Ca-ta, Ô-xtrây-li-a so giày cùng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, I-ran đọ sức với Trung Quốc và Việt Nam gặp Nhật Bản. Hy vọng các tuyển thủ của chúng ta tiếp tục thể hiện được tất cả khả năng, cống hiến cho người hâm mộ nhiều pha phối hợp hay, đẹp mắt. Nếu đội Việt Nam đánh bại "Sa-mu-rai" thì đó sẽ là một trong những chiến tích đáng nhớ nhất của lịch sử bóng đá Ðông- Nam Á. Và dù cuộc đọ sức này ngã ngũ với kết quả thế nào thì đây vẫn là giải đấu thành công đối với đội bóng của "phù thủy" tài ba Pắc Hang-xo.

* Việt Nam đã thắng Nhật Bản tại ASIAD 2018 và đánh bại cả đối thủ Gioóc-đa-ni vốn từng thắng cả đương kim vô địch Ô-xtrây-li-a, bởi thế các tuyển thủ của chúng ta tập luyện với tâm lý thoải mái, bước vào trận tứ kết đầy tự tin. Tại ASIAD 2018, đội tuyển Ô-lim-pích Nhật Bản đã từng thua Việt Nam và sớm bị loại, trong khi các cầu thủ của chúng ta vào tới bán kết và có trận tranh Huy chương đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cầu thủ Việt Nam đang là đội hình trẻ nhất vòng chung kết Asian Cup 2019, hạn chế nhiều về thể lực và tốc độ so với Nhật Bản, bởi thế trận tứ kết vẫn được xem là cơ hội để họ học tập kinh nghiệm nhằm vươn lên tầm cao mới. Việt Nam có Quang Hải, một ngôi sao trẻ của châu Á và Công Phượng tràn đầy nhiệt huyết. Nhưng trước sức ép liên tục của các đội bóng mạnh hơn như Nhật Bản, dàn cầu thủ của chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội triển khai tiến công như khi đấu với đối thủ Gioóc-đa-ni.

Ở vòng đấu bảng, Nhật Bản thắng cả ba trận, song họ thắng chật vật trước Tuốc-mê-ni-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, thậm chí vượt qua A-rập Xê-út theo kiểu thực dụng khi có lợi thế dẫn trước. Nhưng ở trận tứ kết, Nhật Bản vẫn được đánh giá cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ðội tuyển Nhật Bản có chiều cao trung bình 1m79, họ có hàng tiền vệ vượt trội đội tuyển Việt Nam cả về kỹ thuật và thể lực. Chính vì thế, trận đấu tối nay, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ dồn ép, đẩy đội hình Việt Nam phòng ngự với số đông bên phần sân nhà. Ðội tuyển Việt Nam sẽ vừa phải bảo vệ cầu môn, sau đó chờ cơ hội phản công. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang bị đánh giá là một đội bóng thực dụng. Họ chấp nhận chơi đơn giản, lùi sâu về phần sân nhà, hạn chế phạm lỗi và chờ cơ hội ghi bàn. Có vẻ HLV H.Mo-ri-a-su sử dụng chiến thuật an toàn hơn, chú trọng hiệu quả hơn là lối chơi hoa mỹ. Nhằm chuẩn bị cho World Cup 2020, Nhật Bản cũng trẻ hóa đội hình, không gọi nhiều cầu thủ kỳ cựu mà tìm cơ hội rèn giũa các ngôi sao mới. Với đội hình này, Nhật Bản chơi chưa ấn tượng trước các đối thủ mạnh, song họ có thể thi đấu hiệu quả hơn nhiều khi gặp đội tuyển Việt Nam. Ðể chuẩn bị cho trận đấu này, đại diện Ban trọng tài của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã tới khách sạn mà đội tuyển Việt Nam đang lưu trú để phổ biến kiến thức về công nghệ VAR (Trợ lý trọng tài vi-đê-ô). Quyết định đưa công nghệ VAR vào vòng đấu cân não này của AFC không nhằm mục đích nào khác, ngoài việc hỗ trợ các trọng tài có thể đưa ra quyết định chính xác hơn trong tình huống gây tranh cãi. Tuy nhiên, AFC cũng quy định rất rõ ràng về những trường hợp sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ VAR. Ðó là các tình huống liên quan tới bàn thắng hay không bàn thắng, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và lỗi nhận diện sai (của trọng tài). AFC nhấn mạnh, chỉ duy nhất trọng tài chính mới là người được quyền ra dấu hiệu sử dụng công nghệ VAR (sau khi nhận được thông tin phát ra từ trợ lý vi-đê-ô). Các đội bóng không được quyền khiếu nại hay gây áp lực với trọng tài để yêu cầu xem lại tình huống gây tranh cãi.

HLV Pắc Hang-xo rất quan tâm tới việc công nghệ VAR được áp dụng trong trận gặp Nhật Bản. Ông nhấn mạnh: "Tuyệt đối tôn trọng quyết định của trọng tài, không áp đặt nhận định của cá nhân mình lên quyết định của trọng tài, chỉ được phép dừng chơi bóng khi tiếng còi của trọng tài cất lên".

* Trong trận tứ kết thứ hai vào 23 giờ ngày 23-1 (theo giờ Việt Nam), đội tuyển I-ran tràn đầy hưng phấn và được kỳ vọng sẽ là đội bóng sớm vào vòng bán kết sau khi có một chiến thắng trước đội tuyển Trung Quốc. Ðiều này cũng dễ hiểu, bởi I-ran đang có đầy đủ các yếu tố để hy vọng khi họ là đội tuyển thi đấu thuyết phục nhất ở vòng bảng, chỉ duy nhất bị I-rắc cầm hòa và thắng Ô-man 2-0 ở vòng 1/8. Ðây cũng là đội bóng duy nhất chưa bị thủng lưới tại Asian Cup 2019. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đứng thứ hai ở vòng bảng và phải rất chật vật mới "ngược dòng" thắng nổi đội tuyển Thái-lan ở vòng 1/8. Trong lần gặp nhau gần đây nhất, I-ran đã thắng Trung Quốc 3-1. Mọi nhận định đều nghiêng về một chiến thắng cho I-ran ở vòng tứ kết lần này.

Theo Nhân Dân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com