Đa dạng các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời

08:05, 20/05/2017
Từ lâu, hoạt động TDTT ngoài trời với cường độ vận động vừa phải, thoải mái luôn thu hút đông người dân tập luyện nâng cao sức khỏe, giải tỏa những căng thẳng, tìm lại cảm giác thư thái trong cuộc sống. Tuy nhiên, để hoạt động thể thao ngoài trời phát triển mạnh cần có sự định hướng, quan tâm của các cấp, các ngành. 
 
Từ 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Tâm, 74 tuổi ở đường Chu Văn An (TP Nam Định) đã hình thành thói quen ra Vườn hoa CX-25 ở ngã tư đường Đông A và đường Nguyễn Công Trứ (Khu đô thị Hòa Vượng) tập TDTT. Nơi đây, cách đây 3 năm, người dân đã góp tiền xây dựng 3 thiết bị vận động: đi bộ, gập người và lắc hông phục vụ người tập miễn phí. Bà Tâm cho biết, số người tập nơi đây khá đông chủ yếu là người cao tuổi. Ngoài những ngày mưa gió, buổi sáng từ 5 giờ đến 6 giờ 30, buổi chiều từ 17 giờ đến hơn 19 giờ luôn có đông người tập. Bà Trần Thị Thơ, 73 tuổi ở đường Trương Hán Siêu cho biết thêm: “Những máy tập này đều hiện đại, dễ sử dụng, an toàn, khoa học và hiệu quả. Nếu trước đây người dân đến công viên chỉ tập vài động tác đơn giản như hít thở, vận động chân tay thì nay đã có máy trợ giúp đắc lực cho việc vận động cơ thể mà không phải bỏ chi phí nên ai cũng hăng say tập luyện. Ngoài địa điểm trên, ở các địa điểm ngoài trời có không gian rộng rãi, thoáng mát, có bóng cây xanh, nhất là các vùng ven hồ, ven sông luôn là nơi hoạt động TDTT lý tưởng cho các tầng lớp nhân dân với các môn thể thao không phải đầu tư cơ sở vật chất nhiều. Từ nhiều năm nay, Công viên Vị Xuyên (TP Nam Định) luôn là điểm tập thể dục lý tưởng của hàng trăm người dân. Thanh niên thì chọn hình thức tập nhanh, mạnh như chạy bộ, đá cầu, cầu lông; người già thì ưu tiên cách vận động nhẹ nhàng như đi bộ, cờ tướng, dưỡng sinh. Anh Trần Văn Sơn, thợ cắt tóc trên phố Lê Hồng Phong cho biết: Nhà tôi gần hồ nên gần chục năm nay, cứ khoảng 4 giờ 30 sáng tôi đều đi bộ nhanh gần 10 vòng bờ hồ với chiều dài tương đương 17km. Nhờ đi bộ, tôi quen với nhiều người có cùng sở thích và lập thành một nhóm khoảng 10 người, đủ thành phần xã hội, tuổi tác, gắn kết với nhau trong công việc, cuộc sống. Cũng ở khu vực Công viên Vị Xuyên, nhiều người đam mê thể thao còn mua đài, loa mang đến để dạy người khác tập dưỡng sinh, khiêu vũ thể thao không lấy tiền nên luôn thu hút hàng trăm người tập vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Bà Trần Thị Mỵ, 69 tuổi ở đường Vị Xuyên cho biết: “Lúc đầu bạn rủ đi tập, tôi cũng ngại lắm vì bị bệnh đau khớp chân tay dai dẳng, có thời điểm phải dùng thuốc giảm đau liên tục để giảm các cơn đau khớp nên sức khỏe bị giảm sút. Được chồng và con động viên, tôi mạnh dạn đi tập. Đến đây, được hòa chung không khí tập luyện với mọi người, tập những bài dưỡng sinh kinh lạc thao, dịch chân kinh, rồi nhảy các vũ điệu nhẹ nhàng, sức khỏe tôi ngày càng cải thiện, ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn, tinh thần lạc quan vui vẻ”. Cách hồ Vị Xuyên không xa, khu vực đường đê sông Đào với không gian thoáng mát, ít xe cộ đi lại luôn có hàng trăm người dân chạy thể dục, đi bộ vào các buổi sáng, buổi chiều.
Người dân tập luyện thể thao với các thiết bị vận động tại vườn hoa Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định).  Bài và ảnh: Thanh Ngọc
Người dân tập luyện thể thao với các thiết bị vận động tại vườn hoa Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định). 
Ở trung tâm các huyện trong tỉnh, việc tập luyện TDTT của người dân cũng diễn ra sôi động. Nhiều năm nay, khu vực công viên, tượng đài Trường Chinh luôn là điểm yêu thích tập luyện các môn đi bộ, chạy thể dục dưỡng sinh của nhiều người dân Thị trấn Xuân Trường và các xã lân cận. Khu vực Trung tâm VH-TT huyện Hải Hậu ở Thị trấn Yên Định luôn có đông thanh, thiếu niên tập luyện đá bóng trên các sân cỏ nhân tạo, người trung tuổi tập luyện quần vợt, đi bộ. Trên tuyến đê biển của các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, hằng ngày có đông người dân các xã chạy bền, đi bộ. Trong SVĐ trung tâm huyện Ý Yên luôn diễn ra sôi động các hoạt động giao lưu bóng đá trên 2 sân đất nện ngoài trời, CLB Teakwonđo với 50 võ sinh nhí tập luyện. Ở khắp 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, số lượng sân chơi TDTT ngoài trời ngày càng nhiều. Các địa phương đã san lấp mặt bằng, xây dựng khu thể thao thôn, xã với diện tích hàng trăm mét vuông để nhân dân tập luyện. Một số nơi còn khó khăn về cơ sở vật chất, người dân tận dụng sân của HTX nông nghiệp, sân trụ sở Đảng ủy, UBND xã, sân của gia đình để tập luyện. Theo số liệu thống kê của Sở VH, TT và DL, hiện toàn tỉnh có 2.296 công trình thể thao (có 11 công trình có khán đài, 2.285 công trình không có khán đài), trong đó có khoảng 80% là sân tập thể thao ngoài trời. Các sân thể thao ngoài trời là nơi hình thành trên 1.000 CLB thể thao đa môn, đơn môn ngoài trời và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, tết... của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
Mặc dù phát triển mạnh nhưng hoạt động thể thao ngoài trời vẫn thiếu so với nhu cầu tập luyện của người dân, nhất là ở các khu vực đô thị do quỹ đất không nhiều. Ở khu vực nông thôn, việc huy động đầu tư trang thiết bị tập luyện còn hạn chế. Nhiều sân thể thao ngoài trời còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu hệ thống điện chiếu sáng... gây khó khăn cho người tập. Hoạt động thể thao ngoài trời hầu hết là tự phát nên còn lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ATGT. Để đưa phong trào tập luyện TDTT ngoài trời phát triển, thời gian tới, các cấp, các ngành cần đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể thao cho người dân ở các điểm công cộng. Ở vùng nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng, vai trò của TDTT, vận động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí hoàn thiện các sân chơi thể thao ngoài trời; tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu TDTT, tạo động lực để người dân tập luyện…, góp phần vào sự phát triển của phong trào TDTT cơ sở./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com