V-League nhìn từ sự cố trọng tài

08:05, 13/05/2016
Vòng 9 V-League đã để lại nhiều dấu ấn, như việc Hải Phòng dứt mạch bất bại, HAGL thua đậm đến 5 bàn trắng, Đồng Tháp không tìm nổi trận hòa sau khi thay huấn luyện viên… Tuy nhiên, trọng tài Hà Anh Chiến để lại “dấu ấn” đậm nhất khi cho Thanh Hóa được hưởng quả phạt đền đầy tranh cãi trước SLNA khiến cho kết cục trận đấu thay đổi hẳn.
 
Xem đi xem lại các góc quay truyền hình, việc cho Thanh Hóa hưởng quả phạt đền là sai bởi pha phạm lỗi của cầu thủ SLNA còn nằm ngoài xa vòng 16,50m. Có thể tình tiết trên sân diễn biến nhanh, không bàn đến vấn đề tiêu cực có hay không, thì ở pha bóng này trọng tài chính vẫn có thể tham khảo ý kiến của trọng tài biên để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng trọng tài Chiến đã không làm như vậy, ông cương quyết phạt đền khiến cho trận đấu sắp vỡ khi cầu thủ SLNA kéo ra khỏi sân không chịu thi đấu, HLV Ngô Quang Trường lao vào sân tranh luận với trọng tài…
 
Hiệu ứng sau trận đấu là quá lớn, khi không ít báo giật tít đây là “thảm họa trọng tài”, “còi méo”… Riêng trên mạng xã hội đã chứng kiến cảnh trọng tài Hà Anh Chiến bị “ném đá” tơi tả với nhiều từ ngữ khó nghe. Các cổ động viên SLNA cũng add vào facebook của Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng và đề nghị phải có quyết định xử lý thích đáng những sai sót của trọng tài. Người ta còn nhắc lại lịch sử cầm còi của trọng tài Chiến, trong đó có việc ông khá có “duyên” với Thanh Hóa. Năm 2015, trọng tài Chiến cũng bị HAGL phản ứng gay gắt khi công nhận bàn thắng của Đình Tùng vào lưới HAGL trong tình thế mà nhiều người cho là bóng đã chạm tay cầu thủ này. Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh của HAGL sau đó đã bị xử phạt vì phản ứng quá mức ở tình huống trên.
 
Vấn đề là từ “sự cố” trọng tài trên đã gần như phô bày những “thói xấu” đang vẫn còn tồn tại ở V-League hiện nay. Bóng đá thế giới từng chứng kiến những sai lầm ngớ ngẩn của trọng tài, làm ảnh hưởng đến cục diện trận đấu. Nhưng gần như các đội bóng đều chấp nhận một thực tế, trọng tài đã quyết là không thay đổi, mọi sai sót sẽ do Ban tổ chức xem xét xử lý. Ít khi thấy cả dàn cầu thủ chạy theo phản ứng, huấn luyện viên lao vào sân gây gổ với trọng tài, khán giả đón ngoài sân toan ăn thua đủ với cầu thủ đội bạn… Những hình ảnh đó đã và đang tiếp tục xuất hiện ở V-League khiến những người đam mê bóng đá cảm thấy chán ngán. Có cảm giác như các đội bóng xem những trận bóng ở V-League là những cuộc tỷ thí. Cay cú ăn thua lên tới mức mà mọi sự kềm chế đều không còn tác dụng.
 
Nhiều người cho rằng đã bỏ tiền tỷ làm bóng đá nên phải “tự bảo vệ”, thua một trận có thể ảnh hưởng đến việc trụ hạng hay xuống hạng. Điều này đúng, nhưng thử nghĩ bóng đá thế giới người ta còn đầu tư số tiền lớn gấp nhiều lần nhưng mọi hành xử trên sân bóng cũng đều cho thấy đây là một sân chơi thể thao và văn hóa. Trở lại vụ việc, trọng tài Hà Anh Chiến sai mức độ nào thì Ban tổ chức xử lý, nhưng qua đây mong V-League sẽ có những bước tiến tới chuyên nghiệp hơn trong cách hành xử của từng thành viên tham gia. Đừng để mọi người nhìn vào mà thấy xót xa vì V-League đã hơn chục năm qua vẫn không “lớn” lên được./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com