Giao Thủy đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng

05:11, 26/11/2021

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng ngày càng cao, cần những không gian sinh hoạt tương ứng. Những năm qua, huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tập trung các nguồn lực xây dựng, quản lý, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa; không ngừng đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá - nghệ thuật của nhân dân.

Nghệ thuật cà kheo được người dân thị trấn Quất Lâm gìn giữ, biểu diễn trong nhiều lễ hội trên địa bàn huyện.
Nghệ thuật cà kheo được người dân thị trấn Quất Lâm gìn giữ, biểu diễn trong nhiều lễ hội trên địa bàn huyện.

Giao Thủy, các bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian cùng nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh gắn liền với lễ hội được địa phương quan tâm khôi phục, tạo nền tảng cho việc gìn giữ không gian văn hoá làng quê. Toàn huyện có 143 di tích; trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh và 109 di tích được khoanh vùng bảo vệ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn xã hội hóa huyện có điều kiện tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Mỗi năm, trên địa bàn huyện diễn ra hơn 20 lễ hội, chủ yếu vào dịp đầu xuân; những sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức trình diễn trong các lễ hội mang đặc trưng của vùng quê biển. Tiêu biểu như: lễ hội Đền - Chùa Diêm Điền, xã Bình Hòa; lễ hội Đền - Chùa Thanh Khiết, xã Giao Yến; lễ hội Đình làng Hòe Nha, xã Giao Tiến; lễ hội Đình làng Kiên Hành, xã Giao Hải… Hoạt động văn hóa, thể thao trong lễ hội đều mang ý nghĩa tưởng nhớ các vị thuỷ tổ có công khai hoang, dựng làng, lập ấp, ca ngợi truyền thống thượng võ của dân tộc như: chọi gà, đấu vật, đấu cờ người, thổi cơm thi… xen kẽ các môn thể thao hiện đại: bóng đá, bóng chuyền… Đáng chú ý là “đặc sản” bơi chải. Ở các giải đua chải hàng năm được tổ chức trong các lễ hội: Đình làng Kiên Hành (mồng 5, 6 tháng Giêng), Đình làng Hòe Nha (ngày 14, 15 tháng Giêng), hội thi bơi chải truyền thống trong Đại hội TDTT xã Giao Long, Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện nhân dịp Quốc khánh (2-9)… đều thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ. Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh ở Giao Thủy, tục rước lửa thiêng cầu bình an trong dịp đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa cộng đồng. Tại Đền làng Hoành Đông, thị trấn Ngô Đồng, trước giờ Tý đêm Giao thừa, dân làng tề tựu ở sân đền, chuẩn bị bó đuốc trên tay. Vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, một cụ cao niên được dân làng tín nhiệm mặc lễ phục cổ truyền khăn, áo đỏ vào cúng thần linh, xin lửa từ cung cấm ra châm vào đống rơm trước cửa đền. Khi ngọn lửa bùng lên, dân làng theo thứ tự từ già đến trẻ, không phân biệt trai, gái ra châm đuốc, rước lửa thiêng về nhà cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.

Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Giao Thủy, cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của ngư dân miền biển. Để có thể ra xa bờ đánh bắt cá tôm bằng phương thức thủ công ngư dân vùng chân sóng đã sáng tạo ra cặp cà kheo giúp tăng chiều cao cho ngư dân, chân kheo cũng cắm sâu vào nền cát giúp bà con đứng vững trong khi đánh bắt thuỷ sản. Ngày nay, các phương tiện di chuyển, đánh bắt hiện đại hơn xưa, cà kheo tuy không còn được sử dụng để đánh bắt thuỷ sản nữa nhưng vẫn được ngư dân gìn giữ và phát triển trở thành loại hình nghệ thuật trình diễn đường phố đặc sắc. Những nghệ nhân biểu diễn cà kheo luôn tự “làm mới” các tiết mục của mình với những điệu múa quạt, múa gậy, múa thương, múa sư tử, múa võ, đánh trống… Trong các sự kiện văn hoá của địa phương, dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Đại hội TDTT huyện, lễ hội tại các di tích Đền Văn Chì, Chùa Phúc Lâm, CLB cà kheo TDP Lâm Thọ (thị trấn Quất Lâm) thường xuyên góp mặt, tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục độc đáo.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các thiết chế văn hóa cổ (đình, đền, chùa, phủ, cổng làng, cầu), các cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế nhà văn hóa, thể thao cơ sở. Đến nay, cả 332 khu dân cư trong huyện đều có nhà văn hóa xóm, TDP, địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Phong trào văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng với 6 CLB văn học - nghệ thuật cấp huyện; 157 tổ, đội văn hóa, văn nghệ quần chúng (chèo, hát văn, thơ, trống hội, kèn đồng, múa lân, sư, rồng...); 100 CLB TDTT (bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, dưỡng sinh, võ thuật...). Xã Giao Xuân có phong trào văn nghệ phát triển với “đặc sản” là những làn điệu chèo, hát văn, quan họ, trích đoạn chèo cổ do người dân biểu diễn phục vụ các tour du lịch sinh thái cộng đồng tại khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Thuỷ rất được ưa chuộng. Tại các “đất chèo” như: Hoành Nhị, xã Giao Hà; Kiên Hành, xã Giao Hải; Duyên Thọ, xã Giao Nhân, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thành viên trong các CLB bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật chèo đã nuôi dưỡng món ăn tinh thần, thông qua các hoạt cảnh chèo “tự biên, tự diễn”, lồng ghép tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào dân vũ - môn thể thao nghệ thuật đồng diễn hiện đại phát triển mạnh, rộng khắp ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Giao Thủy thu hút sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Toàn huyện hiện có hơn 50 CLB dân vũ. Tuy các CLB dân vũ thành lập tự phát, tự trang trải kinh phí để hoạt động nhưng những lợi ích mà bộ môn này mang lại đối với đời sống văn hóa cộng đồng đã được chính quyền nhiều địa phương ghi nhận và có hỗ trợ khuyến khích nhân rộng. Thông qua các buổi luyện tập dân vũ, các CLB lồng ghép tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phát huy 4 phẩm chất của phụ nữ “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”… Thực tế cho thấy, các CLB dân vũ ra đời đã góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần, tạo ra sân chơi lành mạnh, giúp chị em được giao lưu, trao đổi kiến thức về bộ môn khiêu vũ, tăng cường gắn kết cộng đồng nên số người tham gia tập luyện ngày một tăng.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, hầu hết các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở Giao Thủy đều tạm dừng hoặc hạn chế. Từng bước thích ứng với tình hình mới, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn huyện vẫn đang được người dân duy trì, đổi mới, sáng tạo theo hướng linh hoạt với các hình thức phù hợp như: sinh hoạt, tập luyện tại nhà hoặc chia ra thành từng tốp, nhóm nhỏ, ít người, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện thân thể, nâng cao đời sống tinh thần vừa đảm bảo thực hiện an toàn, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com