Những người đam mê chế tác sáo

05:07, 12/07/2019

Bằng tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật, nhiều “nghệ nhân” ở Thành phố Nam Định với đôi tay khéo léo đã chế tác những cây sáo từ nguyên liệu là những cây nứa, cây trúc. Qua bàn tay của họ, những cây sáo trúc, sáo nứa trở nên sống động.

Ở phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định), ông Vũ Khắc Phùng (76 tuổi) được nhiều người biết đến là người có đôi tay “vàng” trong chế tác sáo. Chỉ với những dụng cụ đơn giản như: dao y tế, giũa, giấy ráp, thước kẻ, một thanh sắt…, ông Phùng nhanh chóng “biến” những ống trúc, nứa thành những cây sáo. Cầm cây sáo thành phẩm trên tay, ông Phùng cho biết, sáo trúc gắn bó với ông từ thuở nhỏ. Năm 1963, khi nhập ngũ, ông được điều về làm ca sĩ đoàn văn công Sư đoàn 9. Trong quân ngũ, ông được học thêm về nhạc khí, đặc biệt là sáo trúc. Năm 1976 trở về địa phương, ông tham gia đội văn nghệ Cựu chiến binh phường Lộc Hạ. Từ năm 1996, ông nảy ra ý tưởng làm những cây sáo để tặng những người có cùng đam mê. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người nhờ ông làm giúp và từ đó ông đến với công việc chế tác sáo trúc. Để có kiến thức cơ bản về làm sáo trúc, ông Phùng đã sưu tầm nhiều sách hướng dẫn cách chế tác các loại sáo như: Sáo Đô, sáo Rê, sáo Mi… Với việc sử dụng đôi tai cảm âm và đôi tay khéo léo để làm, cây sáo do ông làm ra không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đảm bảo chất lượng. Ông Phùng cho biết: “Hiện nay có nhiều nguyên liệu có thể làm sáo như ống nhựa, ống inox… nhưng sáo được làm từ nứa và trúc nghe vẫn có “hồn” hơn. Bởi vậy, dù mất thời gian đi săn những cây nứa, cây trúc ông vẫn chấp nhận để làm ra được cây sáo ưng ý”. Trong cơ chế thị trường nhưng ông Phùng vẫn bảo lưu quan điểm làm sáo cốt để phục vụ những người đam mê thực sự; mỗi cây sáo trúc ông chỉ bán từ 30-50 nghìn đồng. Cùng với nghề làm sáo trúc, từ năm 1996 đến nay ông mở lớp dạy sáo miễn phí cho hàng trăm người. Hiện nay, tại các lớp sáo trúc của ông, các học viên chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường: Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trung học cơ sở Lộc Hạ, Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh (Thành phố Nam Định)… Bên cạnh việc làm sáo, để phục vụ lớp học sáo, ông Phùng thường xuyên cập nhật các giáo trình nhạc lý, làm tài liệu cho các học viên.

Bên cạnh chế tác sáo, ông Vũ Khắc Phùng (76 tuổi), phường Lộc Hạ, Thành phố Nam Định thường xuyên mở lớp dạy sáo miễn phí.
Bên cạnh chế tác sáo, ông Vũ Khắc Phùng (76 tuổi), phường Lộc Hạ, Thành phố Nam Định thường xuyên mở lớp dạy sáo miễn phí.

Anh Lê Anh Thao (32 tuổi) ở đường Mạc Thị Bưởi (Thành phố Nam Định) là người nổi tiếng trong giới chơi sáo và chế tác sáo. Nguyên là nhạc công của Nhà hát Chèo Nam Định nên anh Thao có kinh nghiệm biểu diễn sáo chuyên nghiệp và có thể chế tác được nhiều loại sáo như: sáo ngang, sáo mèo, tiêu… Anh Thao cho biết: “Từ năm học lớp 6 tôi đã làm những cây sáo đầu tiên với nguyên liệu từ những thanh nứa ở giàn ruộng dưa của nhà. Ban đầu bắt chước theo mẫu có sẵn, sau đó tôi tự mày mò để làm cây sáo cho âm thanh ưng ý. Sau này có điều kiện học chuyên sâu về sáo ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thái Bình và công tác ở Nhà hát Chèo Nam Định, tôi đã chế tác được những cây sáo với âm sắc chuẩn mực”. Quy trình làm sáo khá phức tạp, từ khâu chọn nguyên liệu đến xử lý phần thô. Nguyên liệu được anh Thao lựa chọn là những cây trúc, cây nứa bánh tẻ thẳng, có độ già vừa phải. Nếu mua nguyên liệu tươi phải phơi ống trúc, nứa nơi khô ráo, tránh ánh nắng gắt. Thanh nứa, trúc sau khi xử lý được anh đo đạc cẩn thận theo thông số để xác định tone cho cây sáo; tiếp đó định hình khoảng cách của các lỗ bấm, lỗ thổi, lỗ định âm sao cho phù hợp với tone sáo. Đối với mỗi tone sáo lại có thông số kỹ thuật, cách chọn nứa, trúc kích thước khác nhau. Để được một cây sáo chuẩn phải trải qua quá trình chỉnh âm khắt khe. Ở công đoạn này, anh Thao vừa dùng tai để cảm âm, vừa dùng máy đo âm thanh chuyên dụng để chỉnh lại lỗ bấm hoặc lỗ thổi. Công đoạn cuối cùng là trang trí cho cây sáo bằng cách đánh bóng và thêm hoa văn. Hiện nay, công nghệ cho phép sản xuất số lượng sáo lớn trong ngày nhưng anh Thao cho rằng: “Một cây sáo làm từ máy sẽ không có chất âm bay bổng và có “hồn” như cây sáo làm thủ công”. Vì thế, anh vẫn trung thành với phương pháp làm sáo thủ công, trau chuốt và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất từ chọn trúc cho đến đục lỗ. Hiện nay, trung bình một ngày anh Thao làm được 5 cây sáo với giá dao động từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; chủ yếu khách hàng là những người thổi sáo hát văn ở khu vực phía Bắc.

Anh Vũ Viết Đạt (21 tuổi) ở phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) là chủ nhiệm câu lạc bộ Sáo trúc Nam Định. Từ năm lên 10 tuổi, Đạt đã bắt đầu tập thổi sáo. Năm 2015, khi đang là học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Đạt đã giành Huy chương Vàng hội thi Giai điệu tuổi hồng toàn quốc tổ chức ở Đà Nẵng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đạt trúng tuyển hệ Trung cấp khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành sáo dân tộc ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Học một năm, Đạt bảo lưu kết quả và nhập ngũ năm 2017. Vừa ra quân, Đạt đã định hình phát triển nghề làm sáo với quy mô lớn. Cơ sở chế tác sáo của Đạt chuyên làm các loại sáo phổ thông như: sáo ngang, sáo mèo, tiêu... Trung bình mỗi ngày, Đạt làm 20 cây sáo ngang, cung cấp cho các đại lý ở Hà Nội. Là chủ nhiệm câu lạc bộ Sáo trúc Nam Định, Đạt thường xuyên giúp đỡ các thành viên trong câu lạc bộ như dạy thổi sáo miễn phí, hỗ trợ sáo để thành viên luyện tập. Không “giấu” nghề, trên trang Fanpage Facebook “Club Sáo trúc Nam Định” Đạt thường xuyên đăng các video dạy thổi sáo, hướng dẫn cách làm sáo cho các thành viên. Bên cạnh đó, Đạt cùng các thành viên trong câu lạc bộ phối hợp với một số trung tâm Anh ngữ dạy miễn phí sáo trúc và tiếng Anh cho các học viên tham gia sinh hoạt với mong muốn quảng bá loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc.

Với tiếng sáo điêu luyện cùng khả năng chế tác sáo từ những nguyên liệu trúc, nứa trong tự nhiên, những người đam mê sáo trúc đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, truyền cho thế hệ trẻ nét đẹp của âm nhạc truyền thống./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com