Nghĩa Bình bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống

07:05, 17/05/2019

Xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) là vùng quê giàu truyền thống văn hoá với những di tích gắn với huyền tích về những dòng họ có công khai hoang, lập ấp. Nơi đây còn hội tụ nhiều giá trị văn hoá truyền thống như: phong tục tập quán cộng đồng, văn hoá dòng họ, lễ hội, chợ quê, nhà mái bổi, các làn điệu dân ca, dân vũ…

Chọi gà - trò chơi dân gian lâu đời trong lễ hội Đền Trần làng Thiên Bình, xã Nghĩa Bình.
Chọi gà - trò chơi dân gian lâu đời trong lễ hội Đền Trần làng Thiên Bình, xã Nghĩa Bình.

Theo các tài liệu lịch sử, cuối thế kỷ XIX, tướng quân Doãn Uẩn (tướng triều Nguyễn) cùng tổ các dòng họ: Hà, Trần, Vũ, Phạm từ khắp nơi về đây lập ra xã Thiên Bình, thuộc tổng Mậu Lâm (nay là 2 xã: Nghĩa Bình và Nghĩa Tân). Sau khi lập xã, các tổ: Hà Thế Cầu, Hà Trọng Đại, Trần Ngọc Thoại, Vũ Kiến Hào đã huy động người dân xây dựng các công trình văn hoá tâm linh như: miếu, đền, đình; trong đó có Đền Trần làng Thiên Bình thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các thuỷ tổ lập làng. Các bậc cao niên trong làng kể lại: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân địa phương vẫn duy trì nhiều nét đẹp văn hoá với những thuần phong mỹ tục bản địa. Một năm 2 lần, dân làng tổ chức lễ hội Đền Trần vào dịp mồng 10 tháng Chạp và 20-8 (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trước mỗi kỳ lễ hội, các giáp, đinh trong làng vận động các gia đình dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan môi trường nhà ở, đường sá, chuẩn bị lễ vật, bao sái đồ thờ tự tại đền. Đến ngày khai hội, kiệu Đức Thánh Trần, kiệu long đình, nhang án, bài vị thổ thần và các tổ dòng họ được nhân dân rước từ đền đi vòng quanh làng. Ngoài đội kiệu, đoàn rước còn có các đội: múa sư tử, cờ thần, cờ ngũ sắc, phường bát âm, phụng nghinh, bát biểu, chấp kích, tế nam, nữ quan… Cùng với các nghi thức tế lễ trang trọng, lễ hội làng Thiên Bình còn có các trò chơi dân gian như: kéo co, vật, cờ tướng, leo cầu ngô cạn… Trò chơi leo cầu ngô cạn được tổ chức tại sân đền. Cầu ngô là một cây luồng có chiều dài 4-5m; phần gốc đặt trên một con lăn, phần ngọn được cố định bằng dây thừng nối với 3 cột trống có treo giải thưởng. Trò chơi leo cầu ngô cạn được nhân dân tổ chức với mục đích rèn luyện sức khoẻ, lòng kiên trì và kỹ năng giữ thăng bằng. Buổi tối tại sân đền diễn ra hoạt động văn nghệ với các tiết mục biểu diễn ca múa nhạc, các trích đoạn chèo cổ: “Quan Âm Thị Kính”, “Nghêu, sò, ốc, hến”… do đội văn nghệ thôn Thiên Bình dàn dựng. Cùng với lễ hội Đền Trần làng Thiên Bình, lễ hội Đền Trần làng Thịnh Phú cũng được chính quyền và nhân dân tổ chức long trọng vào dịp 20-8 (âm lịch). Trước ngày vào đám, Ban khánh tiết di tích tiến hành chọn các thành phần tham gia bồi tế, đô tuỳ và rước kiệu. Lễ hội gồm các nghi thức quan trọng như: lễ mộc dục, tế nhập tịch, tế cáo... Lệ làng Thịnh Phú quy định trong ngày hội, các xóm tổ chức thi nấu cỗ để dâng thánh. Cỗ của xóm nào giành giải sẽ được chọn để cúng tế. Theo quan niệm của người dân, xóm nào có cỗ được chọn cúng tế thì sự may mắn trong năm sẽ đến với người dân xóm đó. Lễ hội tại Đền Trần làng Thịnh Phú mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng vẫn tổ chức nhiều trò chơi dân gian: bịt mắt đánh trống, đánh đu, kéo co, hát vè, hát chèo, hát văn… Trong lễ hội tại 2 di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần làng Thịnh Phú và Đền Trần làng Thiên Bình hàng năm còn có sự tham gia của các đội kèn đồng, trống, trắc nam nữ giáo xứ Phương Lạc với nhiều tiết mục biểu diễn thể hiện tinh thần đoàn kết lương - giáo. Ngoài ra, vào các ngày kỷ niệm của đất nước như: Chiến thắng 30-4, Quốc khánh 2-9, các hoạt động tôn giáo tại nhà thờ giáo xứ Phương Lạc, âm vang nhạc kèn, tiếng trống lại vang lên với các ca khúc cách mạng. Với các thành viên trong đội kèn đồng, trống trắc, những buổi biểu diễn vừa là sân chơi âm nhạc bổ ích, vừa để góp phần xây dựng đời sống tinh thần cộng đồng phong phú.

Mảnh đất Nghĩa Bình xưa kia nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa cử và trở thành nét văn hóa dung dưỡng con người được sinh ra từ làng. Phát huy truyền thống của cha ông, nhiều họ tộc đã có những việc làm thiết thực như: biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện quy ước gia đình, dòng họ, hương ước làng xã; trong đó chú trọng đến việc bảo tồn, tôn tạo di tích từ đường, phần mộ tổ; lập ban khuyến học - khuyến tài, tủ sách dòng họ, làng xóm…, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Việc chăm lo đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trong các nhà trường luôn được chính quyền và nhân dân trong xã chú trọng. Đến nay, cơ sở vật chất của cả 3 trường học trong xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Về Nghĩa Bình hôm nay, đi trên những con đường làng dọc các thôn: An Lạc, Quần Phương, Thiên Bình, Thịnh Phú, bên cạnh những ngôi nhà mái bằng, cao tầng xây dựng kiên cố, vẫn còn những ngôi nhà cấp bốn lợp bằng mái cói (mái bổi), mái ngói… Đó là nét văn hoá kiến trúc nhà ở đặc trưng, giao thoa của cư dân vùng biển và đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay đối với một số hộ dân trong xã, nhà mái bổi, mái ngói vẫn là mái ấm với họ trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đây là một văn hóa nghệ thuật kiến trúc độc đáo hiếm hoi còn lưu giữ được ở vùng quê ven biển.

Nói đến nét đẹp văn hoá làng xã ở Nghĩa Bình không thể không nhắc đến hình ảnh chợ quê truyền thống. Vùng quê thuộc hạ lưu sông Ninh Cơ này trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của huyện Nghĩa Hưng. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, một bộ phận dân cư Nghĩa Bình đã chuyển từ nghề nông sang buôn bán dịch vụ và thành lập đình chợ lớn mang tên chợ Nghĩa Bình. Chợ họp hàng tháng, buôn bán nhiều mặt hàng như: tạp hoá, gạo, thuốc bắc, rượu, muối, thịt… Ngày nay, chợ Nghĩa Bình không còn đông đúc, sầm uất với quy mô lớn như xưa nhưng vẫn được nhân dân duy trì mở họp vào tất cả các ngày trong tháng phục vụ nhu cầu trao đổi các mặt hàng thuỷ, hải sản “tự cung, tự cấp” như: cá, ghẹ, tôm, mực, sò, ngao, ốc… phục vụ đời sống cộng đồng.

Trên nền tảng văn hoá truyền thống, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Nghĩa Bình luôn được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thực hiện hiệu quả. Đến nay, cả 15 xóm trong xã đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm luôn đạt trên 90%; trên 80% gia đình trong các dòng họ tham gia công tác khuyến học - khuyến tài./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com