Giáo dục truyền thống qua lễ hội ở Vụ Bản

06:05, 17/05/2019

Là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa, huyện Vụ Bản có nhiều lễ hội trong năm. Ngoài ý nghĩa gắn kết cộng đồng, lễ hội còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ nhớ về công lao của cha ông và tự hào về truyền thống của quê hương.

Tùy vào đặc điểm di tích và nhân vật được thờ phụng mà quy mô lễ hội ở Vụ Bản được tổ chức khác nhau. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Nhiều năm qua, nghi lễ dâng hương tại các lễ hội ở Vụ Bản đều có sự tham gia của học sinh các trường học. Ở nhiều địa phương trong huyện, các trường học đảm nhận việc chăm sóc di tích. Vào dịp lễ hội, các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa để học sinh tìm hiểu  về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích và thân thế, sự nghiệp của các nhân vật được thờ phụng. Ở các di tích lịch sử, văn hóa như: Từ đường họ Vũ và lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn, xã Đại An và Từ đường họ Phạm Đình, xã Vĩnh Hào ngoài các nghi thức dâng hương, tế tổ, Hội Khuyến học của 2 dòng họ còn tổ chức tuyên dương và trao phần thưởng cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Cùng với phần lễ, phần hội trong các lễ hội, phục dựng các tích sử thông qua các các trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ, các hoạt cảnh làm đồ lễ, “hiến xảo” trước tổ nghề… Nhiều xã như: Kim Thái, Quang Trung, Đại An, Thành Lợi, Cộng Hòa, Hợp Hưng... duy trì nhiều trò chơi truyền thống tại các lễ hội. Đến lễ hội Phủ Dầy, nhân dân địa phương và khách thập phương được thưởng thức màn biểu diễn Hoa trượng hội, múa lân, sư, rồng, cờ người… Hoa trượng hội là hoạt động văn hóa đặc trưng tại lễ hội Phủ Dầy, vừa là lễ nghi nhưng cũng vừa là trò chơi dân gian có sự tham gia của hàng trăm người với trang phục đầu cuốn khăn đỏ viền vàng, bụng thắt khăn đỏ viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”, “Hòa cốc phong dương” hay “Quang phục thánh thiện”… thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa…

Xếp chữ trong lễ hội Phủ Dầy tổ chức ở Phủ Tiên Hương (Vụ Bản).
Xếp chữ trong lễ hội Phủ Dầy tổ chức ở Phủ Tiên Hương (Vụ Bản).

Là huyện thuần nông nên nhiều địa phương ở Vụ Bản còn giữ được việc kết rơm, bện rơm phục vụ lễ hội theo phong tục cổ truyền. Bện rơm quanh cây tre làm nêu, làm cột đèn, nghi môn, cổng chèo với ý nghĩa biểu trưng mẹ lúa (rơm) bảo vệ con (tre) trưởng thành. Lễ hội Đền Xứng, xã Liên Bảo (ba năm một lần) có hội kết rơm. Để chuẩn bị vào Hội, dân làng sau khi gặt lúa về, đập hoặc tuốt hạt, các gia đình chọn rơm dài, cứng, đem phơi riêng, bó thành từng bó. Gần ngày hội, làng phân công công việc cho từng họ như: họ Bùi làm cuốn thư, khung nghi môn trước cửa đình bằng rơm; họ Cao làm rồng chầu mặt nguyệt trên nóc đình; họ Nguyễn kết long mã, kỳ lân, công, phượng... Vào ngày hội, đến sân đình làng đã thấy các con vật bằng rơm xếp hàng ngay ngắn; các cột đình đều cuộn bện rơm vàng óng; trên nóc đình, hai con rồng chầu mặt nguyệt vàng rực… Công phu hơn, làng làm hai con voi bằng rơm, dưới bụng voi đặt chõng tre và bàn nước bằng tre, trên có đặt ấm chén và hoa quả tượng trưng cho quán bán nước của chúa Đậu giúp Vua Đinh trong cơn hoạn nạn.

Ở xã Thành Lợi, các trò chơi dân gian đã phản ánh nét thuần phác trong phong tục, tập quán của nhân dân địa phương. Làng Quả Linh có hội Thái Bình Xướng Ca, tổ chức 3 năm 1 lần, kỷ niệm sự kiện Vua Trần thắng trận. Phần hội làng Quả Linh với nhiều môn nghệ thuật dân gian được trình diễn, như múa rồng xóm Bến, múa sư tử xóm Chải, múa lân xóm Cùng, chơi đu xóm Cuối... Trò chơi làm nên “nét riêng” của lễ hội Thái Bình Xướng Ca làng Gạo là “đua thuyền tải lương”. Tương truyền, xưa làng Gạo là một kho lương của nhà Trần. Trò đua thuyền tải lương mô phỏng lại truyền thuyết đội quân của nhà Trần đi qua dòng sông quanh làng Gạo được nhân dân địa phương hỗ trợ, tiếp tế lương thực. Trò đua thuyền tải lương cùng với các nghi lễ trong lễ hội Thái Bình Xướng Ca không chỉ nhằm tưởng nhớ sự kiện Vua Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Nhiều lễ hội của các địa phương khác ở huyện Vụ Bản cũng có các trò chơi dân gian, tiêu biểu như: thi nấu cơm ở lễ hội các làng Thượng Linh, Bối La, Thái La, xã Cộng Hòa; thi chọi gà, múa cờ ở lễ hội Đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng; thi làm cỗ, hát chèo, hát ca trù, đánh cờ người, chơi đu, múa rồng ở lễ hội Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung. Để lễ hội phát huy được vai trò là sản phẩm văn hóa phi vật thể, tái tạo được những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, đồng thời mang tính giáo dục cao, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban tổ chức lễ hội các địa phương huyện Vụ Bản đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong đó, Ban tổ chức lễ hội các địa phương đã xây dựng kịch bản lễ hội khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, tạo sức hấp dẫn cho nhân dân tham dự lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa qua các di tích, lễ hội cho nhân dân nhất là học sinh.

Giá trị giáo dục của các lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn, nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Đến với lễ hội mỗi người đều tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên và các bậc tiền nhân. Với ý nghĩa ấy, các lễ hội ở Vụ Bản có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử của quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com