Đề tài chiến tranh cách mạng trong các tác phẩm văn xuôi của các tác giả Nam Định

09:05, 10/05/2019

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đến hôm nay, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều nhà văn Nam Định. Chất bi hùng của chiến cuộc đã thấm đẫm trong đất và người Thành Nam. Viết về chiến tranh cách mạng không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là lương tri của các nhà văn. Trong thời chiến, trước vận mệnh “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước, nhiều nhà văn đã sẵn sàng đi vào chiến trường để cho ra đời những tác phẩm văn học phản ánh chiến tranh với nhiều khía cạnh sâu sắc. Nhiều nhà văn quê hương Nam Định đã trưởng thành từ trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tiêu biểu như Nguyễn Thi với những truyện ngắn “Chuyện xóm tôi”, “Mùa xuân”, “Những đứa con trong gia đình”, “Mẹ vắng nhà”, tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa”, “Sen trong đồng”, “Cô gái đất Ba Dừa”, truyện ký “Người mẹ cầm súng”, “Ước mơ của đất”; tác giả Nguyễn Đức Hoè với các truyện ngắn “Giám đốc lò”, “Thầy giáo Nguyên”, “Hai người đàn bà”, “Người nuôi ong”, “Bóng mát”, “Chuyện tình thời mở cửa”; tác giả Nguyễn Văn Soạn với các truyện ngắn “Người lái đò”, “Phía sau”, “Hai mươi năm trước”, “Điệu xòe”; tác giả Nguyễn Bổng với tác phẩm “Tập kỷ yếu còn dang dở”; tác giả Lưu Tuấn Hùng với các tác phẩm“Đường đời mênh mông”, “Hành trình máu lửa”

Một số tác phẩm truyện ngắn đề tài chiến tranh cách mạng của tác giả Nguyễn Đức Hoè.
Một số tác phẩm truyện ngắn đề tài chiến tranh cách mạng của các tác giả

“Nhà văn cầm súng” Nguyễn Thi là tác giả quen thuộc với độc giả trong cả nước. Truyện ngắn“Chuyện xóm tôi” là sáng tác đầu tiên của ông trong 6 năm ở chiến trường. Nhân vật chính trong tác phẩm là hai đứa trẻ tên Đực và Bỉnh, sống chung trong một xóm nhỏ vùng Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cả hai có chung mối thâm thù với Tổng Phòng - tên ác ôn đã giết hai người cha của Đực và Bỉnh. “Hai cái dáng bé nhỏ ấy cùng chạy dọc, chạy ngang, vừa bắn vừa hô, vừa cười hí hố, vừa nhai chùm ruột, say sưa rượt đánh một thằng giặc vô hình nào đó đang chạy ở trước mặt và ngoan cố chưa chịu khuất phục đầu hàng”. “Thằng giặc vô hình” trong trò chơi của hai đứa trẻ chính là hiện thân bằng xương, bằng thịt của Tổng Phòng. Thông qua câu chuyện của hai đứa trẻ, tác giả Nguyễn Thi đã tìm ra căn nguyên sâu xa sức mạnh quật khởi của người Việt Nam, tất cả bắt đầu từ lòng căm thù và quyết tâm trả thù cho gia đình, cho đất nước… Được viết vào tháng 6-1966, “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi là truyện ngắn hiếm hoi trên thế giới viết về chiến tranh mà không có cảnh bom rơi, máu đổ và nước mắt. Chuyện viết về mẹ con chị Út Tịch sống bên bờ sông Hậu, Nam Kỳ. Chiến tranh trong tác phẩm được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, càng hồn nhiên thì càng khốc liệt. Sự nổi tiếng của tác phẩm “Mẹ vắng nhà” càng được nhân lên khi chuyển thể thành kịch bản phim “Chị Út Tịch”. Bộ phim đã làm rung động hàng triệu trái tim khán giả, cảm phục tấm gương của nữ anh hùng Út Tịch. Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nguyễn Thi. Truyện kể về hai chị em Chiến và Việt - những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với cách mạng. Nợ nước, nặng thù nhà, cả hai tranh nhau lên đường tòng quân đánh giặc. Chiến và Việt là điển hình tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong gia đình, họ là những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo; trong chiến đấu họ lại là những chiến sĩ trẻ tuổi kiên cường, dũng cảm. Truyện vừa giàu tính hiện thực vừa đậm chất trữ tình. Những suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật được tác giả thể hiện bằng giọng kể tự nhiên, mộc mạc, đúng với tâm trạng của những chàng trai, cô gái mới lớn, xa gia đình đi chiến đấu. Ở từng nhân vật đều có sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, yêu cách mạng, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc.

Trong các tác phẩm văn học của các tác giả Nam Định viết về chiến tranh cách mạng, nhân vật trung tâm thường là những người lính chiến đấu trên các chiến trường. Các nhân vật được đặt trong những hoàn cảnh, thử thách gay go, những tình huống căng thẳng nghiệt ngã trong chiến tranh để làm nổi bật vẻ đẹp và những phẩm chất cao cả của “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Nhân vật Đức trong truyện ngắn “Người nuôi ong” của Nguyễn Đức Hoè là điển hình cho những người lính kiên trung, ý chí bất khuất và tấm lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Qua ngòi bút của ông, phẩm chất cao đẹp của người lính không phải qua chiến công mà là qua nghị lực phi thường và đời sống tình cảm phong phú. Nhân vật Đức là một người lính Trường Sơn bị nhiễm chất độc màu da cam đã rời quê hương vào rừng nuôi ong để lấy tiền ủng hộ những người có hoàn cảnh như mình. Truyện ngắn “Vân” tác giả Phạm Vũ Lạng đã lột tả chân thực số phận nghiệt ngã của Vân, nữ trung đội trưởng thanh niên xung phong - người đã nhiều lần đối mặt với cái chết nhưng vẫn kiên cường chiến đấu giành lại sự sống cho mọi người. Bi kịch ập đến cô khi bom đạn kẻ thù đã lấy đi gia đình mình. Sau hòa bình, chất độc màu da cam cũng tước nốt của cô cơ hội làm vợ, làm mẹ. Vân chỉ còn lại hình hài đầy thương tích cùng những chuỗi ngày buồn đầy xót xa, trăn trở... Thông qua hai tác phẩm “Người nuôi ong”“Vân”, người đọc cảm nhận sâu sắc những nỗi đau mất mát do chiến tranh. Mỗi mảnh đời là một câu chuyện xúc động được các tác giả khắc họa chân thực mà không cần hư cấu hay tưởng tượng nghệ thuật nào. Nhân vật Sao trong truyện ngắn “Hai người đàn bà” của tác giả Nguyễn Đức Hoè là người phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn, kết tinh vẻ đẹp của quê hương xứ sở. Tâm trạng của chị khi biết Hải - người yêu mình hy sinh được thể hiện vô cùng xúc động. Sau chiến tranh cô cùng chồng của mình đi khắp đất nước để tìm hài cốt người yêu cũ của mình. Câu chuyện nhẹ nhàng với cách dẫn chuyện chậm rãi đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc bởi sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giúp cho người đọc hiểu được trong chiến tranh, có thứ tình cảm trong sáng giúp con người ta vượt qua được mọi khó khăn gian khổ, đó là sự nhân ái, tình người và tình yêu đôi lứa.

Tác giả Nguyễn Bổng với truyện ngắn “Tập kỷ yếu dang dở” đã khắc họa những chân dung đầy cá tính của đồng đội cùng nhập ngũ, cùng vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường. Sau chiến tranh, người ở lại, người hy sinh, chỉ còn lại 25 người. Tập kỷ yếu về họ còn dang dở nhưng cái còn đọng lại mãi là tình cảm của những người lính, họ đã sát cánh bên nhau, kiên cường chiến đấu, hy sinh anh dũng trong chiến tranh và tiếp tục gắn bó, động viên, sẻ chia với nhau khi đất nước hòa bình. Với bút pháp lý tưởng, lãng mạn cách mạng đã tạo nên những trang viết ấn tượng.

Các tác phẩm của các tác giả: Mai Tiến Nghị, Đặng Huy Hải Lâm từ “Đêm ấy có nguyệt thực”, “Bao giờ sông Châu có bờ” đến “Những ngày tháng bảy”, “Người trở về” cũng ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Viết về chiến tranh, các tác giả tập trung khai thác những thân phận, cảnh ngộ, những mất mát, hy sinh thầm lặng của từng nhân vật. Qua đó, thể hiện thành công hình tượng con người trong chiến tranh vừa chân thực, vừa đậm chất nhân văn.

Các tác phẩm văn xuôi của các tác giả Nam Định viết về chiến tranh cách mạng tuy không nhiều nhưng luôn có sự vận động, phát triển mạnh mẽ. Bằng ngòi bút chân thực của mình, mỗi tác giả đều tìm ra hướng sáng tạo mang đậm cá tính, làm rõ những giá trị truyền thống bền vững của con người Việt Nam trong chiến tranh, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com