Giao Hương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ

06:04, 05/04/2019

Trước đây, việc tổ chức các đám hiếu, đám hỷ, mừng thọ ở xã Giao Hương (Giao Thuỷ) còn nặng về hình thức. Tục “làm cỗ chia phần, ăn cỗ lấy phần” đã hình thành thói quen “trả nợ miệng” trong đời sống của người dân. Các đám cưới, đám mừng thọ thường kéo dài nhiều ngày, tình trạng ăn uống linh đình, cỗ bàn tràn lan gây tốn kém, lãng phí. Nhiều hủ tục lạc hậu trong các đám tang vẫn chưa được xoá bỏ… Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã Giao Hương đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ. Phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” gắn với các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”, “Xây dựng đình, chùa tinh tiến”..., đã tạo sức lan toả sâu rộng, có tác động thiết thực trong việc thực hiện quy ước, hương ước nếp sống văn hóa ở các làng quê.

Cán bộ văn hóa xã Giao Hương (Giao Thủy) tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đến từng gia đình.
Cán bộ văn hóa xã Giao Hương (Giao Thủy) tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đến từng gia đình.

Hiện, cả 14 xóm trong xã Giao Hương đều xây dựng được hương ước, quy ước quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ; coi đây là một trong những tiêu chí để bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”, “Xóm văn hoá - nông thôn mới”. Các xóm sau khi đã hoàn thành việc xây dựng hương ước, quy ước, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Trước mỗi đám cưới, bí thư chi bộ, trưởng xóm đã trực tiếp đến các gia đình tuyên truyền mô hình “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần”. Năm 2018, trên địa bàn xã có 74 đám cưới được tổ chức thì có trên 60% đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn hóa. Hầu hết các đám cưới đều do Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức, vừa văn minh, hiện đại, vừa phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Bên cạnh đó, các phong trào, cuộc vận động như: “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, “Cưới theo nếp sống mới”, mô hình “Đám cưới 5 không” (không rượu, bia; không thuốc lá; không cờ bạc; không xảy ra xô xát, cãi vã; không mở loa, đài quá to trước 7 giờ sáng và sau 22 giờ tối)… được phát động sâu rộng trong nhân dân. Với việc thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, đến nay, các nghi lễ trước, trong và sau khi tiến hành đám cưới như: lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi đã được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Việc tổ chức đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn tại UBND xã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; không còn tình trạng tảo hôn hay cưới trước, đăng ký kết hôn sau. Xóm 6 là đơn vị tiêu biểu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới. Ông Mai Văn Chi, Trưởng xóm 6 cho biết: Xóm có 190 hộ, 787 khẩu; tỷ lệ gia đình văn hoá của xóm hàng năm luôn đạt trên 90%. Khoảng chục năm trước, các đám cưới diễn ra trong xóm thường kéo từ 3-5 ngày, gia đình thường làm từ 100-200 mâm cỗ. Đặc biệt, người dân địa phương có thói quen đi ăn cỗ là lấy phần đem về. Từ khi xã phát động thực hiện quy ước nếp sống văn hoá, nhiều người đã ý thức được việc ăn cỗ lấy phần là không văn minh. Cỗ bàn trong các đám cưới được giới hạn số lượng mâm, số lượng khách mời, hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới còn giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bớt vất vả trong việc lo các thủ tục cưới xin, làm cỗ và tiết kiệm kinh phí.

Trong tổ chức lễ tang, các hủ tục lạc hậu như: khóc mướn, lăn đường, tế vong linh, đốt nhiều vàng mã không còn; tình trạng rải giấy tiền trên đường đưa tang, nhiều vòng hoa phúng viếng, để linh cữu người đã khuất quá lâu... giảm hẳn. Việc tổ chức đám tang diễn ra dưới sự điều hành, giám sát chặt chẽ của chính quyền xã và ban giám sát các xóm. Tục làm cỗ trong đám tang giảm nhiều so với trước đây, cỗ bàn trong các đám tang (7 ngày, 49 ngày, 100 ngày) chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, nội tộc. Trong các đám tang, các tổ giúp việc cộng đồng, hội hiếu do các thành viên trong các chi Hội: Người cao tuổi, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Ban công tác Mặt trận được thành lập để giúp đỡ các gia đình tổ chức tang lễ, qua đó gắn chặt tình làng nghĩa xóm. Đồng chí Trần Việt Khanh, cán bộ văn hoá xã Giao Hương cho biết: Nhiều năm qua, việc tang ở địa phương được thực hiện theo quy ước nếp sống văn hoá mới. Hàng năm, Ban văn hóa xã và trưởng các xóm thường xuyên gặp gỡ các tổ chức tôn giáo, trưởng tộc phân tích, giải thích để vận động nhân dân cùng thực hiện. Việc sử dụng vòng hoa luân chuyển, sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho đánh trống, đờn, ca cổ… đã nhận được sự đồng tình từ nhân dân. Trang phục tang lễ thực hiện theo phong tục truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng. Việc quản, chôn cất, hỏa táng, điện táng, bốc mộ và di chuyển thi hài, hài cốt người quá cố được thực hiện đúng quy định vệ sinh môi trường. UBND xã đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích thực hiện hình thức hỏa táng theo chính sách hỗ trợ tích cực; quá trình đưa tang diễn ra đảm bảo an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Nhiều năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ mừng thọ ở xã luôn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Theo tục lệ ở địa phương, lễ mừng thọ cho các bậc cao niên được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán tại nhà văn hoá các xóm. Trong dịp này, đại diện lãnh đạo chính quyền, Hội Người cao tuổi xã và cấp uỷ các xóm thay mặt nhân dân đến từng gia đình để chúc thọ các cụ cao niên. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, toàn xã có 107 cụ (70 tuổi trở lên) được tổ chức mừng thọ. Các lễ mừng thọ diễn ra trang trọng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Để giảm bớt áp lực kinh tế, sau khi mừng thọ, các gia đình chỉ tổ chức tiệc trà, bánh kẹo.

Việc thực hiện tốt quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ ở xã Giao Hương đã tác động tích cực đến công tác xây dựng “Xóm văn hóa - nông thôn mới”, “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”. Đến nay, cả 14 xóm trong xã được công nhận “Xóm văn hoá - nông thôn mới”, tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá - nông thôn mới” chiếm 87%. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; nâng cao chất lượng các danh hiệu “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”, “Xóm văn hoá - nông thôn mới”. Nhân rộng những mô hình tiêu biểu trong việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ trong thực hiện nếp sống văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com