Làng Hạ Kỳ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

06:04, 05/04/2019

Nằm bên bờ sông Đào, làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) là vùng đất cổ. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển đến nay nhân dân trong làng vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp qua các biểu trưng truyền thống như cây đa, giếng nước, mái đình, những phong tục, lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ…

Đoàn rước kiệu trong lễ hội làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).
Đoàn rước kiệu trong lễ hội làng Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).

Theo các tài liệu lịch sử, tích phả ở địa phương, vùng đất Hạ Cơ xưa (làng Hạ Kỳ nay) được hình thành từ thế kỷ thứ X nhờ công khai phá của Tả tướng Hoàng Thiện Tâm, cháu nội Hoàng Thiện Lương cùng các gia thần Nguyễn Phụ, Vũ Trụ, Khương Ngãi. Vào đời Trần xuất hiện danh y Đinh Lôi; khi đến huyện Đại An thấy bệnh dịch hoành hành, ông dùng bài thuốc gia truyền trị bệnh cứu dân. Nhà vua biết công lao đã ban cho Đinh Lôi trang Hạ Kỳ làm thực ấp. Tại đây, ông xin miễn trừ sưu dịch, dạy nghề làm thuốc cho dân và làm nhiều việc hưng lợi cho làng. Là một danh y và có tài về quân sự, ông được vua ban chức Tham tán Đại tướng quân tham gia cùng Hưng Đạo Đại Vương đánh bại đế quốc Nguyên - Mông giành độc lập cho dân tộc. Sau khi ông mất, vua Trần sắc cho dân Hạ Kỳ xây đền thờ phụng và ban cho Đinh Lôi là “Thượng đẳng phúc thần”. Sau nhiều lần di chuyển do sạt lở đất, năm Tân Hợi niên hiệu Duy Tân thứ 5 (năm 1911) Đền - Chùa Hạ Kỳ được dân làng dựng lại ở giữa làng và tồn tại đến ngày nay. Trải qua thời gian, Đền - chùa Hạ Kỳ vẫn giữ được nét kiến trúc cổ độc đáo. Đền có 4 tòa với hệ thống cột đồng trụ, tường hoa tạo thành kiến trúc nội chữ “đinh”, ngoại chữ “quốc”. Tòa tiền đường 5 gian làm theo kiểu tứ trụ. Ở bức chạm giữa tiền đường có cảnh lưỡng long chầu nguyệt, cảnh quần long chầu chữ thọ, ý muốn cho mảnh đất, con người Hạ Kỳ được an khang thịnh vượng. Trong đền còn giữ được nhiều di vật quý: bộ bát bửu, ba bộ kiệu cổ, bản thần tích, các đạo sắc phong thần... Ngay sát phía đông đền là Chùa Hạ Kỳ có quy cách tương xứng với ngôi đền gồm bái đường 5 gian, tam bảo 4 gian. Chùa Hạ Kỳ còn lưu giữ được cây tháp bằng đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Đây là cây tháp bằng đá có giá trị về nghệ thuật tạo dáng, điêu khắc. Bốn mặt cây tháp có các họa tiết long chầu, sen quy, người câu cá. Mái tháp hình hoa sen được thu nhỏ dần từ chân lên đỉnh. Các tầng tháp được chạm lá lật, cúc dây, đan xen có cả lá hỏa vừa mềm mại, vừa biểu thị sự vươn lên mạnh mẽ. Việc đưa hình tượng dân gian vào trong ngôi tháp Phật này thể hiện sự hòa đồng của Phật giáo đối với tâm thức bình dị của người dân, đồng thời thể hiện ước muốn nhân khang vật thịnh, vạn vật sinh sôi. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nhiều di vật được bảo lưu, ngày 16-1-1995, Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định xếp hạng Đền - Chùa Hạ Kỳ là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Từ năm 1995, dân làng Hạ Kỳ đã khôi phục lễ hội truyền thống được tổ chức 5 năm 1 lần từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch. Ngoài các nghi thức tế, rước kiệu, trong 3 ngày tổ chức lễ hội có chương trình văn nghệ và các tích trò cổ diễn ra theo một quy trình khép kín; từ xay xát gạo, kéo dây lấy lửa đến giã bánh dày, thổi cơm thi, chăn cóc - róc mía đun nước cúng thần. Truyền thuyết kể, khi Đinh Lôi ra trận đã chỉ đạo quân lính vừa hành quân vừa thổi cơm để đảm bảo thời gian cấp tốc. Hội thổi cơm thi của làng Hạ Kỳ diễn lại tích đó gồm 2 tốp, mỗi tốp 6 người. Dẫn đầu tốp thổi cơm thi là một người múa sênh tiền; đi sau mỗi tốp là một người đầu chít khăn đỏ, trên đầu quấn xà cạp đỏ, quẩy gánh đồ đạc, đòn gánh là một đoạn tre quấn giấy xanh đỏ. Hai mẩu đòn gánh được tết con rồng bằng rơm. Nồi cơm được treo trên một cần tre, đi bên là ba thanh niên cầm ba bó củi tre, lửa cháy bập bùng, chân múa nhịp nhàng, tay điều khiển ngọn lửa và khi đoàn rước về đến cửa đền thì cơm vừa chín tới. Mỗi nồi cơm thổi 0,3kg gạo tám xoan, đặc sản của Hạ Kỳ. Hội làng Hạ Kỳ còn giữ được nhiều nét riêng độc đáo, bởi tất cả các tích trò khi biểu diễn đều được gắn với diễn ca các làn điệu hát trống quân, cò lả, hát văn, hát chèo… Việc tham gia vào các trò chơi dân gian, các nghi lễ trong lễ hội Đền - Chùa Hạ Kỳ không chỉ mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Cùng những nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng; hình ảnh di tích cổ kính ở Hạ Kỳ là giếng làng. Hiện nay làng còn lưu giữ được 3 giếng gồm: giếng Dắt (xóm Trại), giếng xóm Kỳ Hồng, giếng xóm Trại. Giếng nước là nguồn tụ thủy, tụ phúc của cả làng nên trong hương ước quy định phải coi trọng, giữ gìn giếng nước, nghiêm cấm thả trâu, bò hoặc giết súc vật quanh giếng làng... Ngày nay, dẫu không còn là nguồn cấp nước chính yếu nhưng ba giếng kể trên vẫn được dân làng gìn giữ, đầu tư cải tạo. Giếng Dắt được xây kè lại năm 1992, giếng xóm Kỳ Hồng được kè đá năm 2008. Trong quá trình cải tạo kiên cố hóa các công trình phúc lợi theo tiêu chí nông thôn mới, làng Hạ Kỳ đã thực hiện tốt chủ trương bảo vệ không gian văn hóa làng quê truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình, những hàng cây rộng xòe tán... Tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương, hàng năm nhân dân trong làng tự nguyện đóng góp nhiều ngày công lao động để giữ vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường trong lành. Những năm gần đây, làng còn xây dựng 7 cổng xóm với kiến trúc truyền thống gồm: xóm Trại, xóm Trung Hào, xóm Kỳ Trung, xóm Kỳ Sơn, xóm Kỳ Nam (2 cổng), xóm Hải An với kinh phí từ 50 đến 200 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Với tổng thể kiến trúc hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, người dân có ý thức bảo vệ cảnh quan làng quê nên làng Hạ Kỳ thực sự trở thành vùng quê yên bình.

Đồng chí Nguyễn Sơn Hà, Bí thư chi bộ thôn Hạ Kỳ cho biết: Xác định gìn giữ văn hóa truyền thống là nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nên từng đảng viên trong chi bộ luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Văn Hóa (84 tuổi) Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đã góp công lớn trong việc khôi phục hội làng truyền thống trên cơ sở nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu lịch sử, biên dịch các thần tích, câu đối tại di tích. Đến nay, ông Hóa đã in 2 đầu sách gồm: Tích phả - tục lệ Đền - Chùa Hạ Kỳ và Diễn ca hội làng Hạ Kỳ khái quát về lịch sử hình thành làng và thân thế sự nghiệp các vị thần được phụng thờ tại đi tích Đền - Chùa Hạ Kỳ.

Việc gìn giữ nét đẹp “Văn hóa làng” ở Hạ Kỳ trong quá trình đô thị hóa nông thôn đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com