Mỹ Lộc nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

05:03, 29/03/2019

Xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Mỹ Lộc đã tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Múa rồng trong Lễ hội Đình - Chùa Bườn, xã Mỹ Thắng.
Múa rồng trong Lễ hội Đình - Chùa Bườn, xã Mỹ Thắng.

Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các nội dung của phong trào, tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng ở cơ sở, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, cụ thể hoá các nội dung, triển khai hướng dẫn tới các thôn, xóm, gia đình, lựa chọn các hình thức đăng ký xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Xác định gia đình là “tế bào” của xã hội để giữ gìn, phát huy nhân tố con người, huyện Mỹ Lộc đã tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”; từ đó, các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống được gìn giữ, tình làng nghĩa xóm được củng cố. Thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, công sức xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, làm đường, kiên cố hoá kênh mương, xây trường học, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2018, toàn huyện có 86% số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Các gia đình văn hoá đã đóng góp hàng trăm triệu đồng vào các quỹ: “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học - khuyến tài”, “Vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin”… Trong quá trình xây dựng “Làng văn hoá”, các địa phương lấy thôn, xóm, tổ dân phố làm địa bàn, gia đình là hạt nhân. Các nội dung, tiêu chí của phong trào được bổ sung vào hương ước, quy ước nếp sống văn hóa để cộng đồng dân cư thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 117/137 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Làng văn hoá”; 115/137 thôn, xóm, tổ dân phố thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Xã Mỹ Tân là đơn vị điểm của tỉnh xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015). Trước năm 2010, xã chỉ có 5/18 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, 5/18 xóm có nhà văn hoá, 60% đường giao thông nông thôn là đường đất và đá hỗn hợp; trường học, trạm y tế xuống cấp, các công trình phúc lợi chưa được đầu tư xây dựng… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã được phát động; các ngành, đoàn thể trong xã tích cực hưởng ứng gắn với các phong trào thi đua như: “Cựu chiến binh phát triển kinh tế, giảm nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Nông dân giúp nhau làm giàu”... Nhân dân trong xã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá… nâng cao thu nhập. Đời sống vật chất được cải thiện, là điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, 15/18 xóm trong xã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 12/18 nhà văn hoá xóm, các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” của xã đạt trên 80%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%. Ở các xã: Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Trung, Mỹ Thắng, Mỹ Tân…, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động các cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân thực hiện các quy định nếp sống văn minh. Trong việc cưới, việc tang, tình trạng ăn uống linh đình, tổ chức cỗ bàn dài ngày giảm. Các chi Đoàn thôn, xóm chủ động phối hợp với các đoàn thể, ban công tác mặt trận khu dân cư đẩy mạnh cuộc vận động “Cưới văn minh, tiết kiệm trong thanh niên”. Những thủ tục rườm rà trong việc tang gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức được loại bỏ, thay vào đó là việc thực hiện nếp sống văn hoá vừa phù hợp với xã hội hiện đại vừa giữ gìn được phong tục tập quán. Các lễ hội có quy mô lớn như: lễ hội Đền Bảo Lộc, lễ hội Đền - Chùa Lựu Phố, lễ hội Đền Cây Quế, lễ hội Đình - Chùa Bườn… được chính quyền các địa phương tổ chức đúng quy định với phần lễ trang nghiêm, phần hội sôi nổi; nhiều giá trị văn hoá được khôi phục, bảo tồn và phát huy trong cộng đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Mỹ Lộc đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Ngoài ra, việc chỉ đạo các địa phương thực hiện xã hội hoá xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao tại các thôn, xóm, tổ dân phố đã tạo bước đột phá trong việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, toàn huyện có 110 sân cầu lông, 66 sân bóng đá mini, 30 sân bóng chuyền; cả 11 xã, thị trấn, 137 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá, khu sinh hoạt cộng đồng. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ở các địa phương trong huyện ngày được nâng cao. Phong trào văn hoá, văn nghệ của huyện duy trì ở nhiều loại hình: hát chèo, thơ, múa tứ linh… Huyện có 1 câu lạc bộ thơ - ca và hàng chục câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu như các câu lạc bộ: thơ - ca xã Mỹ Trung; chèo làng Thượng, xã Mỹ Hưng; đàn hát dân ca xã Mỹ Hà; thơ Hương Quê, xã Mỹ Thành. Nhiều năm qua, ở hầu khắp các xã trong huyện đã duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng vào các dịp đầu xuân, ngày kỷ niệm các ngành, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm Chiến thắng 30-4. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát động rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Mỹ Lộc đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo động lực để nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com