Hiệu ứng văn hóa của tục "Đón Tết - Mừng Xuân"

08:01, 30/01/2019

Từ bao đời nay “Tết đến - Xuân về”, đối với người Việt luôn được xem là thời khắc thiêng liêng, hệ trọng, là dấu mốc để suy ngẫm, chiêm nghiệm về sự đời, về triết lý nhân sinh. Năm cũ qua đi, là dịp để những người đã ở tuổi trưởng thành, tự nhìn nhận lại những thành, bại, được, mất, những điều thuận, nghịch, buồn, vui... đối với bản thân, gia đình để mừng vui hoặc thể tất cho qua cái xấu; qua đó mình định được cung cách ứng xử, hành động việc làm trong năm mới sao cho thông thuận, phát đạt hơn. Đồng thời là thời khắc đón nhận linh khí nguyên khôi của đất trời đến với mọi người, mỗi nhà và cả cộng đồng sao cho thật an bình cường thịnh may mắn... Vậy nên cách thức, lễ nghi, bài trí và hành xử trong ngày Tết từ xưa đã được ông cha ta rất cẩn trọng, chu đáo thành kính, thậm chí có khi tới mức cầu kỳ, kiêng kỵ thái quá và những sự thể ấy ở mỗi vùng miền, làng quê, thành thị lại có sự hiện hành với trình tự, mức độ sắc thái khác biệt hoặc không hẳn như nhau.

Tết xưa.  Ảnh: Internet
Tết xưa. Ảnh: Internet

Trước hết, dù ở bậc khá giả dư dật về tiền của, hay những nhà nghèo khó đến đâu thì việc dự liệu đón Tết đều phải đảm bảo chỉnh chu, trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhà nào cũng phải chuẩn bị mâm ngũ quả bày lên bàn thờ mấy ngày Tết. Bình thường thì quê nào sản vật ấy, có nải chuối xanh, quả bưởi, cam, quýt, đu đủ... Nhà khá giả thì có quả kỳ đà, phật thủ màu vàng tươi, hương thơm dịu. Hoặc hơn nữa thì có cả một vài loại quả đặc sản miền Nam: mãng cầu, vú sữa, mít tố nữ, dưa hồng... Hoa đặt trên bàn thờ, bình thường thì một cành đào phai nhỏ hoặc một lọ cắm vài bông cúc, thược dược. Nhà khá giả có bình hoa lay ơn, hoa ly... và đặt thêm trong nhà, trước thềm chậu quất quả sai chín vàng rực. Hoặc cao hơn là một vài chậu địa lan, vài giò phong lan các loại... Với sự hòa quyện hương sắc của các loại quả, hoa, lá tạo nên sắc thái Tết - Xuân tươi tắn, ấm áp sinh động và trang trọng hơn thường ngày tại không gian mỗi gia đình ở cả nơi thôn quê và thành thị.

Thứ nữa mâm cỗ cúng Tất niên và cúng gia tiên ba ngày Tết cũng phải tươm tất và hơn ngày thường. “Tùy tiền biện lễ”, nhà nghèo khó cũng chí ít phải có cặp bánh chưng xanh, đĩa thịt gà, thịt lợn, đĩa xào, bát nấu thịt với rau củ (su hào, khoai tây, khoai sọ...) và chai rượu gạo nút lá chuối khô. Nhà bình thường có thêm đĩa giò mỡ, bánh khảo, bánh gai, hộp kẹo lạc, hộp mứt với chai rượu màu. Nhà có của, sẵn tiền nhân dịp Tết phô ra sự phong lưu đẳng cấp với những món ăn, đồ uống cao sang, hiếm, lạ. Trong mâm cỗ, ngoài mấy loại giò truyền thống: như giò nạc còn gọi giò pha, giò thủ, giò lòng lợn, giò bò... có bát mọc, đĩa nem chạo, nem rán, đĩa xào thập cẩm với nấm hương… Đồ uống không chỉ có các loại bia chai, bia lon thông thường, mà còn có rượu ngoại: Rodemy O.X.O, Beriment X.O, Macallan, Japaned Sake Gekkeikan, Papoleon Bonaparte; loại khai vị là rượu Bordeau Rouge… giá từ vài trăm nghìn đồng tới chục triệu đồng. Kẹo, bánh là những hộp bánh quy kem, socola, kẹo sữa… loại nhập ngoại với những hộp đủ hình dáng kích cỡ, màu sắc rực rỡ khác biệt. Lại có cả một số quả, hạt để nhấm nháp khi uống nước trà như: nho Mỹ, táo Tàu, táo Thái, chà là, hạt dẻ, hướng dương, hạt điều… Và thưởng thức cùng hương vị cà phê, trà hương Tân Cương Thái Nguyên, Ô Long hoặc trà thuốc các loại: Cung Đình, Hoàng Phi (Huế), trà sâm… thơm ngon khác lạ mà bổ dưỡng.

Nét đẹp trong dịp đón Tết không chỉ ở cảnh sắc tươi tắn của thiên nhiên, sự rộn rã háo hức của sinh hoạt xã hội mà còn đẹp hơn lên trong tâm trí và phong cách ứng xử giao tiếp của mỗi người. Đó là sự thanh thản, cởi mở trong tâm hồn, là sự chan hoà, niềm nở, thân ái, trọng thị trong giao tiếp. Trong từng gia đình phải thực sự hoà thuận, lễ phép với bề trên và thân mật quý mến giữa anh - chị - em, con, cháu khi quây quần, sum họp. Từ xa xưa, người Việt thường hành xử theo đạo lý truyền thống “báo ân, giải oán” (báo đáp công ơn, hoá giải oán thù). Từ sau ngày 23 tháng Chạp - Tết Táo Công đến trước ngày cuối cùng của năm hoặc trước ngày cúng tất niên, những người có nợ tiền bạc, thóc lúa, công lao động… thì phải lo trả đủ nợ, nếu chưa trả đủ thì phải đến người chủ nợ xin khất và mong được sự gia ân đồng ý. Những người có hiềm khích, oán giận thì cũng cùng nhau giãi bày để thông cảm, tự giải toả dẹp bỏ thể tất quá khứ, đón nhận năm mới sự thân thiện tốt lành. Đó là những hành xử hướng thiện cao đẹp làm cho chính mình thanh thản, trong sáng về tâm trí. Để rồi ngày Tết gặp nhau vồn vã và chào mời, nói với nhau những lời dịu dàng thân mật, lịch lãm và thật “Vui như Tết”.

Nét đẹp khác về đạo lý truyền thống kính già, yêu trẻ: “Trẻ mừng tuổi hoa, già mừng tuổi thọ”. Ngày mồng một Tết, sau khi cúng gia tiên, cả gia đình sum họp quây quần. Con, cháu mừng tuổi bố, mẹ, ông, bà dăm ba chục nghìn tiền mới cứng, nói lời chúc tuổi thọ, sức khỏe, may mắn. Ông, bà, cha mẹ mừng cháu con mươi lăm nghìn cũng mới và chúc sự mạnh khỏe, tiến bộ, các cháu nhỏ lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi. Ấy là khuôn mẫu mừng tuổi đầu năm đậm đà tình nghĩa. Vậy nhưng gần đây việc mừng tuổi đầu năm có đổi mới khác lạ. Một phần vì kinh tế phát triển, mệnh giá đồng tiền nới rộng thêm hoặc tâm lý, động cơ số đông người ta cũng đổi khác, nên đối tượng được mừng tuổi, mệnh giá tiền mừng cũng nới rộng hơn nhiều, từ vài trăm nghìn tới tiền triệu, thậm chí tới vài trăm đô la Mỹ, không kể người già hay trẻ nhỏ trong thân tộc. Khách đến nhà là “lì xì” cho người này, người kia không rõ là ban phát tài lộc, làm từ thiện hay ẩn chứa hàm ý gì!? Sự thể ấy làm cho người được nhận hoặc những người khách đến cùng mà không dư dật tiền bạc không khỏi băn khoăn ngần ngại...

Nét đẹp tươi sáng và đáng mừng nhất là trong mấy năm gần đây là hầu hết người dân đón Tết - Mừng Xuân đã giản lược, đổi mới nhiều. Tết là dịp để sum họp, giao lưu, thưởng ngoạn - Vui Tết là chính. Thực phẩm, bánh kẹo phục vụ ăn Tết nơi nào cũng đầy đủ, phong phú; mua bán thuận tiện nhanh chóng. Nhiều nhà dân ở cả thành thị và nông thôn đều ăn Tết bằng các loại thực phẩm chế biến sẵn từ giò chả các loại đến bánh chưng, bánh gai, kẹo, mứt... cần gì mua nấy, không phải dự trữ. Ở một số gia đình đông con cháu có ý thức lưu truyền cách thức, kỹ năng làm cỗ Tết cho thế hệ tiếp nối vẫn tiến hành gói bánh chưng, bánh dày, các loại giò, nem, ninh, mọc... đậm đà hương vị làng quê./.

Ngô Tiến Vạnh
(Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh Nam Định)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com