Thương nhớ mùa xuân

08:01, 25/01/2019

Một sớm mai thức giấc, thấy trên mặt lá ướt đẫm những sợi mưa mỏng phủ rây rây, ấy là khi đất trời báo tin xuân đã về. Cùng với hơi xuân ấm áp bao phủ khắp mặt đất, mùa xuân khoác cho thiên nhiên, vạn vật tấm áo mới vô cùng bắt sắc, rực rỡ. Mảnh vườn nhỏ trước nhà, cây bưởi già cỗi rũ bỏ sắc xám đã tách kẽ bật mầm. Và trên nền đất, mùi thơm thoang thoảng, dịu mát của cỏ thanh tân theo gió thanh tao trải khắp khu vườn. Sáng nay, nội tôi, sau một mùa đông dài lạnh lẽo làm bạn với chăn ấm, chậu than củi tí tách cháy gọi với: Út ơi, ra bà… cho xem mùa xuân đến.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Mùa xuân ào theo tiếng gọi của nội, xua lũ trẻ chúng tôi tung tăng khắp con ngõ. Mặc dù mẹ, cẩn thận hơn trước khi anh em tôi kịp xỏ dép vẫn dặn với, khoác thêm áo ấm mới được ra ngoài nghe chưa thì bọn trẻ đã kịp nháo nhác, loạn xạ ở đầu ngõ. Chúng tôi, giống những con chim non nằm chiêm chiếp suốt mùa đông trong đôi cánh của mẹ, trên nền cỏ rơm mềm ấm được khí trời cổ vũ rũ tung đôi cánh chao liệng. Và chuyện trò, và ríu rít đủ thứ không đầu không cuối. Một đứa mạnh dạn đề nghị, chạy lên đê xem mấy cái hang dế giấu suốt mùa đông có còn không. Lại không đứa nào hó hé một câu, chỉ ra hiệu bằng mắt, ào đi. Đến chân đê thì cả lũ chết sững. Khi chúng tôi đào hang dế, trong trí nhớ còn sót lại, chân đê chỉ trơ trọi những mảng đất vàng vàng nhẵn nhụi. Những bụi cỏ già héo úa, khoe gốc tím, bám hờ hững vào đất. Ấy vậy mà mới qua mấy hôm mưa, khi thời tiết trở nên ấm áp hơn, thảm cỏ mới đầu còn lún phún đã kéo màu xanh rì, ken ngọn dày đặc. Lũ trẻ chúng tôi mải mê nhìn cả một triền đê sáng bừng bừng trong sắc xanh, khép nép không dám dẫm chân lên sợ “hư” cỏ. Rồi khựng người khi trèo lên dốc đê, kiểm chứng được bằng mắt dòng sông biếc hiền hòa rì rào vẫy gọi bờ bãi. Rồi thì trên đồng bãi chỉ còn thấy ngút ngát những màu xanh. Ruộng dâu của bà “trổ mã” khác lạ. Lá theo lá mọc sít sát bắt lên thứ màu sáng trưng của lộc biếc. Cứ như thế, dòng sông, đồng bãi, đất đai đều khác đến lạ lùng, đều sinh sôi nảy nở nhanh hơn bất cứ tưởng tượng nào. Những ngày ăn dầm nằm dề của lũ trẻ quê nghèo vốn quen với đồng ruộng, ao màu phút chốc như bị ông trời “đánh lừa”. Kể cả cái hang dế hôm nay cũng khác lạ hơn mọi ngày. Không còn những đụn đất khô cong trong ngày hè bỏng rát, cũng bớt vẻ xám xịt, u buồn những hôm gió mùa rít thổi. Lớp đất bên trên chằng chịt vết nứt nho nhỏ đã được cơn mưa mùa xuân tưới tắm cho ẩm mềm, trơn mượt. Áp tai xuống đất, nghe vi vút tiếng gáy, tiếng đập cánh loạn xạ của bọn dế non chỉ chờ những ngày xuân ấm để trổ mã, để phổng phao…

Mùa xuân đến đồng nghĩa với Tết đang đến gần. Với lũ trẻ nghèo chúng tôi Tết càng thật đặc biệt, háo hức. Những ngày Tết đến, xóm tôi có một truyền thống rất lạ. Các vị lão niên sẽ tập trung ở nhà một ai đó để cắt những “cờ đuôi nheo nhỏ” màu sắc sặc sỡ giăng khắp xóm. Mặc dù sau này khi đèn nháy xuất hiện, lại có thể phát sáng trong đêm, còn có thể chăng ở nhiều nơi nhưng các cụ nhất quyết vẫn dùng cờ đuôi nheo để trang trí xóm. Vì thế, cứ sau Tết ông Công ông Táo, ông nội tôi lại dẫn anh tôi theo đi cắt cờ đuôi nheo. Mẹ tôi sẽ bận túi bụi với việc đồng áng. Mẹ thường đặt mục tiêu, trước 28 Tết phải cấy hái xong xuôi hết để cả nhà ăn Tết được thảnh thơi. Nhưng sâu xa hơn, mẹ bảo tôi, để lúa bắt được cái hương xuân mà nhanh bén rễ cho những mùa vụ tốt tươi. Bố tôi vẫn mải mê với việc trong làng ngoài xã. Những ngày giáp Tết, bà là người bận rộn nhất trong nhà. Gà gáy canh ba, bà đã nhón chân khỏi giường, lục tục chuẩn bị nào quang gánh, nào đồ đoàn chuẩn bị đi chợ Tết. Hàng quán của bà không nhiều, phiên mấy nải chuối, phiên mang theo nào trầu cau, hương vàng, “hoa ông vải” bằng giấy màu tự gấp đi bán. Hôm bà tôi cất dăm chục bó hành mẹ thu ngoài bãi lẫn vào trong quang gánh ít bó lá dong xanh… Năm nay bà treo giải thưởng từ sớm, nếu tôi chăm ngoan, tự giác đọc sách, học bài bà sẽ cho đi chợ phiên cùng. Anh em tôi, vì thế thường cố tình cầm quyển sách tập đọc đi khắp nhà hò hét oang oang. Đêm trước ngày chợ phiên, tôi thức mãi không ngủ. Chỉ mong trời sáng thật nhanh. Bà mới gọi tiếng đầu, tôi đã lồm cồm bò dậy. Trời lạnh và tối, một tay tôi cầm vào đầu quang gánh, mò mẫm đi theo ánh đèn loang loáng của bà phía trước. Đoán tôi mỏi chân, bà xếp mấy nải chuối sát vào đầu thúng, đặt tôi ngồi một bên gánh. Đường xa, tôi ngủ chập chờn, tự thắc mắc, chợ gì mà đi lâu thế… Ôi chao, cả một thế giới mở ra trước mắt tôi khi đến chợ. Đâu đâu cũng xanh, đỏ, tím, vàng và người thì đông như trẩy hội, ồn ã, náo nhiệt. 

Mùa xuân này tôi về lại khu vườn xưa, mái nhà nơi ông bà, bố mẹ từng sinh sống. Qua bao nhiêu năm, nếp nhà hầu như không thay đổi, chỉ có mái ngói đã rêu phong hơn. Đầu chái, tiếng đôi chim én gọi bạn tránh rét lảnh lót. Bố mẹ thì theo chúng tôi ra phố, ông bà nội về với tiên tổ. Mảnh vườn trước nhà, bố tôi nhờ bác hàng xóm trông nom hoa trái bốn mùa vẫn nở. Cây hồng đầu cổng ông trồng vào vụ chín đỏ cả cây. Đâu đó dưới những lớp vỏ dầy sụ, vẫn có vài mầm mới đang ươm, lũ kiến thì xếp hàng đi lại ngang dọc, mải miết. Tưởng như dưới gốc cây, bóng ông lụi cụi tay cầm que than cháy dở vạch vạch những hàng thẳng đứng đánh dấu tuổi anh em tôi. Ông tôi có cách “đếm tuổi” con cháu mỗi năm kỳ lạ như thế. Mảnh sân nhỏ trước nhà, vài năm một lần ông lại cùng các vị lão niên pha trà ngồi cắt cờ đuôi nheo trang trí chờ Tết. Và cũng ở con ngõ này, tôi tất tả theo bà đi chợ Tết, lòng hồi hộp sung sướng. Cả cái cảm giác “ngủ đông” của khu vườn rồi bật mình thức giấc trong tiết xuân ấm. Cả hình ảnh mẹ tôi mặc vội chiếc áo mưa ngắn cũn ra đồng cấy “chạy Tết”... Mùa xuân này, như bao gia đình khác, gia đình chúng tôi đã tốt lên rất nhiều, cuộc sống đủ đầy và bớt vất vả hơn. Lòng lại chợt trùng xuống khi ông bà tôi đi rất xa, không được hưởng những mùa xuân mới. Nhưng, như ông tôi hứa, vẫn có những món quà để dành cho con cháu. Đó là ngôi nhà xưa, mỗi năm Tết đến, Xuân về, gia đình, dòng họ thường quây quần làm cỗ, thắp hương kính nhớ. Đó là khu vườn mỗi ngày càng thêm xanh. Đó là cây hồng trước ngõ vẫn vằn ngang vạch dọc dấu đánh tuổi… Đó là khi trong những ngày khốn khó, gia đình tôi luôn đầy ắp những tiếng cười đùa, vắng sự phàn nàn, lo lắng. Anh em chúng tôi dù nhà nghèo vẫn yêu thích việc đọc sách, đến trường. Đó còn là cách chúng tôi nhớ về những mùa xuân của tuổi thơ, mùa xuân của những ngày gia đình hẵng còn đầy đủ. Mỗi mùa xuân đến, thương nhớ những mùa xuân xưa, tôi chưa bao giờ cảm giác hết ấm áp, thương yêu./.

Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com