Ý Yên phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong thực hiện nếp sống văn hoá

10:10, 18/10/2018

Ý Yên là vùng đất cổ. Từ xa xưa, mỗi địa phương đều có những “lệ làng” do các bô lão và những người có chức sắc trong làng khởi thảo và áp dụng trong cuộc sống nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Ngày nay, các thôn xóm ở huyện Ý Yên đều đã xây dựng hương ước mới trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những giá trị truyền thống tốt đẹp của các bản hương ước cổ, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế của mỗi địa phương, góp phần gắn kết cộng đồng.

Lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa.
Lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa.

Hiện nay cả 416 làng, thôn, xóm, tổ dân phố ở 32 xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hóa (NSVH). Hằng năm, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Phòng Tư pháp rà soát, hướng dẫn các xã, thị trấn sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước NSVH: Các bản hương ước, quy ước nội dung quy định cụ thể về các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, khuyến học - khuyến tài; đặc biệt là thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hoá, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổ chức các hoạt động và xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Xã Yên Thành là địa phương ở cách xa trung tâm huyện nên đời sống của nhân dân trước kia còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được phát động, vai trò của hương ước, quy ước đã phát huy hiệu quả trong việc khơi dậy tính chủ động, tự nguyện của đông đảo người dân đối với những công việc chung của làng, của xã. Đồng chí Phan Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hương ước ở xã được người dân tham gia đóng góp ý kiến và hoàn thiện đưa vào thực hiện từ những năm 1999-2000. Tuy nhiên, trong xây dựng NTM, nhiều nội dung trong hương ước ở các thôn đã lạc hậu, không còn phù hợp. Từ khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, những tiêu chí về: vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, việc hiếu, việc hỉ… đòi hỏi phải có những quy định mới để phù hợp với tình hình thực tế. Đảng uỷ, UBND xã đã tiến hành việc sửa đổi hương ước ở cả 11 thôn. Đã có hơn 80% dân số trong xã tham gia việc đóng góp ý kiến để bổ sung, sửa đổi hương ước. Sau khi thống nhất nội dung hương ước, ban soạn thảo hương ước các thôn đã hoàn thiện và gửi về xã thẩm định, sau đó chuyển về huyện xem xét, phê duyệt. Ngày nay, trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, hương ước, quy ước đã quy định rõ trách nhiệm của từng hộ gia đình trong việc tham gia giữ gìn vệ sinh gia đình, trang trại, gia trại, đường làng, ngõ xóm. Năm 2018, xã đã xây dựng được khu xử lý rác thải tập trung, thành lập tổ thu gom rác thải tại 11 thôn. Đối với quy định về việc mai táng tại nghĩa trang, việc hoả táng, cải táng được thực hiện phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán truyền thống và nếp sống văn minh. Quỹ đất nghĩa trang được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi trường. Xã Yên Dương có 5 thôn: Trung, Cẩm, Dương, Khả Lang, Vũ Xuyên. Hiện cả 5 thôn trong xã đều đã xây dựng được hương ước, quy ước NSVH. Việc thực hiện tốt hương ước, quy ước đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái ở cộng đồng dân cư. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân thực hiện theo phương châm “Lấy sức dân cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống của nhân dân”. Ở các thôn, nhiều đám cưới theo NSVH được thực hiện đơn giản, không tổ chức ăn uống linh đình, mời mọc tràn lan. Việc tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, bảo đảm đúng quy định. Các thôn đưa việc tang thành điều khoản trong hương ước, quy ước, các đám tang đều do chính quyền, đoàn thể cơ sở đứng ra thành lập ban tang lễ. Những vi phạm hương ước, quy ước đều bị xử phạt nghiêm túc theo quy định. Ở xã Yên Khánh, cả 14 thôn đều xây dựng được quy ước NSVH. Nội dung quy ước NSVH đã góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”. Đến nay, cả 14 thôn của xã đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt hằng năm luôn đạt từ 80-90%. Trong công cuộc xây dựng NTM, các thôn trong xã đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân và con em quê hương làm ăn thành đạt đang sinh sống trên mọi miền đất nước để xây dựng đường giao thông thôn, xóm. Tiêu biểu như: thôn Thượng xây dựng 3km đường giao thông; thôn Tu Cổ Trai, thôn An Liêm nâng cấp 2km đường giao thông. Tất cả các tuyến đường giao thông gồm: đường dong, ngõ xóm, đường nội đồng đều được trải nhựa, bê tông hóa với kinh phí trên 5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Huyện Ý Yên có nhiều làng nghề truyền thống; các địa phương có làng nghề đều xây dựng hương ước và thường xuyên được bổ sung sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn. Ở các làng nghề, trong hương ước luôn có các quy định chặt chẽ về giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, an toàn lao động, văn hoá giao thương, tình làng nghĩa xóm… Từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Thực tế các địa phương có làng nghề đều thực hiện tốt phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, tiêu biểu như: làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá; nghề làm nón, xã Yên Trung... Hằng năm, lễ hội làng nghề truyền thống ở các địa phương trong huyện đều được tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; tập trung giải quyết các vấn đề: vệ sinh môi trường, nạn hành khất, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp, bán hàng, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, bói toán trong khu vực lễ hội… Các xã, thị trấn đều thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ cảnh quan di tích đối với nhân dân.

Việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước NSVH ở huyện Ý Yên đã góp phần phát huy quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com