Bình Minh gìn giữ không gian văn hoá làng quê

08:07, 13/07/2018

Xã Bình Minh (Nam Trực) là vùng đất cổ. Nơi đây vẫn còn giữ được những nét đẹp của văn hoá làng quê, từ cây đa, giếng nước, mái đình, cầu ngói, chợ quê đến những phong tục, tập quán trong các gia đình, dòng họ, lễ hội cộng đồng… 

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Cầu Ngói, thôn Thượng Nông.  Bài và ảnh: Khánh Dũng
Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Cầu Ngói, thôn Thượng Nông. 

Trên địa bàn xã có 26 di tích, gồm các đình, đền, chùa, miếu, phủ được phân bổ rộng khắp 17 thôn, làng cổ: Cổ Lũng, Cổ Chử, Nho Lâm, Xẫy, Phan, Rót... là nơi thờ những người có công với làng, với dân. Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia là Cầu Ngói - Phủ Bà gắn liền với lịch sử bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, con một vị quan dưới triều Lê Trung Hưng - Cung phi của chúa Trịnh đã có nhiều đóng góp cho quê hương như: công đức tiền làm cầu Thượng Gia, mua ruộng cấp cho dân nghèo, khuyên dân làm việc đức, trừ việc hại... Công trình Phủ Bà thờ Bà Chúa cùng với thân phụ, thân mẫu, đồng thời phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cầu Ngói ở xã Bình Minh là một trong 3 cây cầu cổ trên địa bàn tỉnh được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá. Được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), cây cầu xây dựng uốn cong theo lối kiến trúc độc đáo “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu vắt qua sông Ngọc, bên cạnh chợ Thượng, xây dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim, lợp ngói nam, sàn lát đá. Cây cầu không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà còn là địa điểm vui chơi của đám trẻ làng với các trò chơi dân gian: ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê…, các cụ già ngồi uống nước chè, ngâm thơ, chơi cờ tướng… Tại di tích Phủ Bà, hằng năm, cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân ở khắp các làng trên, xóm dưới lại long trọng tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (20, 21 và 22 âm lịch). Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, rước kiệu qua Cầu Ngói còn diễn ra các trò chơi dân gian, dân vũ độc đáo như: bơi chải trên sông Ngọc, hát chèo, đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm… Đền Nho Lâm và Chùa Thiên Trúc là 2 di tích được UBND tỉnh xếp hạng. Đền Nho Lâm thờ 4 vị tướng họ Trần thời Quang Trung là: Uy liệt tướng công Trần Bá Giáp, Tri sự Trần Bá Hai, Phó Hiệu úy Trần Bá Ngọc, Phó úy Trần Bá Dũng. Chùa Thiên Trúc thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ - người có công cứu dân độ thế ở thế kỷ thứ XV. Khung cảnh làng quê thanh bình gắn với di tích là hệ thống các cây xanh cổ thụ toả bóng xuống sông nước, làm cho các di tích trở nên linh thiêng hơn. Hằng năm, cứ vào dịp “Xuân thu nhị kỳ”, người dân 2 làng Nho Lâm và Cổ Nông lại tổ chức hoạt động văn hoá nhân dịp lễ hội truyền thống. Trong ngày khai mạc lễ hội có tục rước kiệu và tế lễ. Ngày chính hội, nhân dân và du khách thập phương dâng hương hoa, lễ vật lên các vị phúc thần cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, cuộc sống người dân no ấm, yên vui. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân còn được cùng nhau tham gia vào các hoạt động cộng đồng như: làm oản, làm bánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ... 

Chợ Thượng được hình thành cách đây vài thế kỷ. Nằm cạnh con sông Ngọc, trước kia, chợ Thượng là nơi giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân địa phương với các vùng lân cận. Chợ họp “một tháng sáu phiên” nên việc mua bán trao đổi hàng hoá khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm vùng miền khác nhau. Do đặc thù về địa lý “trên bến dưới thuyền” nên sản phẩm được bán nhiều nhất tại chợ Thượng chủ yếu là: cá, tôm, cua, ốc, lươn… và các sản phẩm thủ công làng nghề như: nông cụ, vải vóc, cây cảnh…  Như một bức tranh xã hội thu nhỏ, hình ảnh chợ Thượng ngoài thực hiện vai trò chính là nơi giao thương thì còn là nơi gặp gỡ, hỏi thăm sức khoẻ, trao đổi, lan truyền thông tin của người dân nông thôn góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình cảm con người. Ở chợ Thượng, ngoài các mặt hàng yếu phẩm hằng ngày, còn bày bán sản phẩm làng nghề truyền thống là kẹo lạc và miến. Nghề kẹo lạc và miến nơi đây tuy không còn hưng thịnh như vài chục năm trước nhưng tinh hoa làng nghề vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ, kế thừa. Theo khảo sát, toàn xã hiện có trên 70 hộ làm kẹo lạc và làm miến quanh năm ở 3 thôn Cổ Lũng, Rót, Thượng Nông. Lúc cao điểm, xã Bình Minh có đến gần 100 hộ làm nghề kẹo lạc và miến. Dịp cuối tháng Chạp, các hộ làm kẹo trong làng chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Khách thập phương mỗi khi có dịp về xã Bình Minh không thể không ghé qua khu vực chợ Thượng chọn mua dăm ba gói kẹo lạc, vài ba cân miến về làm quà cho gia đình, bạn bè.

Là vùng quê thuần nông, các ngành nghề phụ phát triển nhỏ lẻ nên nguồn sống của người dân trong xã chủ yếu dựa vào cây lúa và các sản phẩm làng nghề. Nhiều năm qua, văn hoá làng nghề nơi đây không chỉ thể hiện qua việc giao lưu, buôn bán mà còn ăn sâu vào cách nghĩ, cách cảm, tư duy người dân. Những đặc trưng đó là điều kiện thuận lợi để các thôn, xóm đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa” gắn với việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương. Cả 17 thôn, xóm đều xây dựng hương ước, thường xuyên được bổ sung, sửa đổi phù hợp với từng giai đoạn. Hương ước đề cao những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống. Đặc biệt, hương ước ở các làng nghề luôn có các quy định chặt chẽ về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, duy trì tình làng nghĩa xóm… Từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Đến nay, toàn xã có 14/17 thôn, xóm đạt danh hiệu “Làng văn hoá”; hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa ở xã đều đạt trên 80%... Trong quá trình gìn giữ bản sắc văn hóa làng, ở hầu khắp các thôn xóm đều duy trì và phát triển được loại hình nghệ thuật truyền thống hát chèo, múa lân sư rồng… Cả 17 thôn, xóm đều thành lập được các đội văn nghệ quần chúng mà lực lượng nòng cốt là các hội viên các chi Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ… Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, xã đều tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể thao, từ đó chọn ra các tiết mục xuất sắc, tài năng tham gia thi đấu tại Ngày hội VH-TT truyền thống của huyện.

Việc giữ gìn không gian văn hoá làng quê trong quá trình đô thị hóa nông thôn ở xã Bình Minh đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tình làng nghĩa xóm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com