Tăng cường quản lý các lễ hội Xuân

07:03, 02/03/2018

Những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp. Phần lớn các lễ hội đều diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Sản phẩm đồ đồng, gốm sứ bày bán tại Chợ Viềng Xuân, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Sản phẩm đồ đồng, gốm sứ bày bán tại Chợ Viềng Xuân, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Để tăng cường công tác quản lý lễ hội, ngày 17-1-2018, UBND tỉnh có Công văn số 18/UBND chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2018; trọng tâm là các lễ hội Xuân diễn ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đảm bảo cho nhân dân và du khách tham dự các lễ hội trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hoá các di tích và ý nghĩa lễ hội; hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh; bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá… Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lễ hội theo quy định pháp luật. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định. Đồng chí Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nam Định cho biết: Năm 2018 là năm thứ 7 Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân thực hiện theo Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần. Theo đó, thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 26-2 đến ngày 3-3-2018 (tức ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng). Để đảm bảo Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay diễn ra an toàn, tiết kiệm, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần gồm 4 tiểu ban: nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự và hậu cần. Ban tổ chức đã xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, đặc biệt là phương án bảo vệ lễ rước kiệu ấn; triển khai nhiều biện pháp, giúp người dân và du khách an tâm trảy hội. Ban tổ chức đã treo các pa-nô tuyên truyền về di tích, về lễ hội tại nhiều địa điểm xung quanh khu vực di tích; tăng cường hệ thống loa truyền thanh tại khu vực lễ hội, thường xuyên tuyên truyền cho khách thập phương về các phong tục, nét đẹp văn hóa của con người Thành Nam về các tín ngưỡng văn hóa đời Trần, nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

Huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực là các địa phương diễn ra nhiều lễ hội Xuân, trong đó có lễ hội chợ Viềng diễn ra đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 tháng Giêng. Trong thời gian diễn ra hội chợ Viềng Xuân 2018, Sở VH, TT và DL phối hợp với các huyện Nam Trực, Vụ Bản thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy chế lễ hội. Đối với hội chợ Viềng Xuân Vụ Bản, Ban quản lý lễ hội tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách tham gia lễ hội; thực hiện tốt công tác quảng bá về hội chợ Viềng và quần thể di tích Phủ Dầy… Bác Trần Xuân Vịnh, xã Đại An (Vụ Bản) cho biết: So với các năm trước, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực chợ Viềng năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cảnh ùn tắc giao thông cục bộ trên Quốc lộ 10 đã giảm đáng kể. Khu vực trong chợ, tình trạng trộm cắp, móc túi giảm; hiện tượng mê tín dị đoan tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy không còn khiến cho lễ hội ngày càng văn minh, đúng với tính chất của một lễ hội Xuân. Các xã Kim Thái, Trung Thành, Thị trấn Gôi đều thành lập Ban tổ chức, quản lý các hoạt động tại hội chợ Viềng Xuân; tổ chức lắp đặt biển báo giao thông và biển chỉ dẫn, quy hoạch các bãi gửi xe, phân luồng tuyến đường tại khu vực chợ Viềng và các điểm di tích thuộc quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy. Tại hội chợ Viềng Xuân Nam Trực, Ban tổ chức lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn, quy hoạch các bãi gửi xe, phân luồng nhiều tuyến đường tại các tuyến giao thông quanh khu vực chợ Viềng và các điểm di tích lịch sử - văn hóa: Chùa Đại Bi và Đền Giáp Ba; đẩy mạnh tuyên truyền để du khách về dự lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn giá trị và nét độc đáo của hội chợ Viềng đầu năm mới. Chị Ngô Thị Kiều Vân, xã Nam Cường (Nam Trực) cảm nhận: Năm nay gia đình tôi đi trảy hội chợ Viềng Xuân Nam Trực cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nhận thức của du khách, đặc biệt là khách thập phương về dự hội lễ hội ngày càng cao, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường được người dân thực hiện nghiêm túc, không còn tình trạng “chặt chém” du khách trong mua bán, trao đổi các sản phẩm làng nghề như: nông cụ, đồ đồng, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gốm sứ, cây cảnh…

Ở Hải Hậu, để tăng cường công tác quản lý lễ hội, UBND huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo quy chế của UBND tỉnh. Tại lễ hội ở các di tích: Chùa Lương, Đền Thuỷ tổ (xã Hải Anh); Chùa Phúc Hải (xã Hải Minh); Chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc); Chùa Phúc Sơn (xã Hải Trung); Chùa Quy Hồn (Thị trấn Cồn); Đền Bảo Ninh (xã Hải Phương); Chùa Thanh Quang (xã Hải Thanh)…, Ban tổ chức lễ hội đã khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc có trong lễ hội thông qua phần lễ mang đậm giá trị văn hóa bản địa và phần hội tiếp tục khôi phục các trò chơi dân gian. Nhiều địa phương đã thành lập các CLB văn hoá - văn nghệ, CLB thể thao dân gian duy trì sinh hoạt thường xuyên và là nòng cốt biểu diễn, thi đấu trong các lễ hội; tiêu biểu như các đội trống cà rùng ở xã Hải Phương, Thị trấn Yên Định; CLB múa lân, sư, rồng ở các xã Hải Hưng, Hải Đông, Hải Trung, Hải Anh; đội cà kheo ở các xã Hải Lý, Hải Triều, CLB bơi chải ở các xã Hải Hà, Hải Tân, Thị trấn Cồn, CLB hát chèo ở các xã Hải Thanh, Hải Long, Hải Châu… Huyện Mỹ Lộc có hơn 10 lễ hội Xuân, tập trung ở các xã: Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Thuận, Mỹ Thành… Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018, UBND huyện chỉ đạo Phòng VH-TT quản lý các hoạt động, dịch vụ văn hóa, xây dựng nội quy các lễ hội. Phòng Y tế, Phòng TN và MT, Trung tâm Y tế huyện tăng cường kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát giá dịch vụ ăn uống, coi xe, bến bãi theo đúng quy định của UBND tỉnh. Lực lượng Công an huyện phối hợp với Công an xã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nạn hành khất… Riêng các lễ hội trọng điểm, thu hút đông nhân dân và khách thập phương tham gia như Đền Bảo Lộc, Đền Lộc Quý, Đình - Chùa Vạn Khoảnh, Đình Hóp, Đình Đồng Mai, Đình La Chợ, Đền Thượng, Đình Sùng Văn, Đình - Miếu Cao Đài, Ban tổ chức các lễ hội bố trí nhân lực thường xuyên kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xả rác bừa bãi. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh của các hộ dân ở quanh di tích nhằm giảm tối đa tình trạng xả rác thải dọc các tuyến đường chính vào khu lễ hội. Ban tổ chức các lễ hội cũng thành lập các tổ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom rác hằng ngày để giữ gìn cảnh quan, bảo đảm môi trường luôn sạch đẹp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân cũng như du khách thập phương hạn chế đốt vàng mã, gây lãng phí tiền của và ô nhiễm môi trường./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com