Trang phục 54 dân tộc Việt Nam khoe sắc tại miền Tây nước Pháp

06:02, 23/02/2018

Hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày, cùng hàng trăm lời chúc mừng và khen ngợi trong cuốn sổ cảm tưởng đã nói lên sự thành công của cuộc triển lãm giới thiệu trang phục của 54 dân tộc Việt Nam, vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Cốt-xmô -pô-lít Thành phố Năng, miền Tây nước Pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Trái tim Việt Nam” với hơn 20 hoạt động quảng bá về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam do Hội sinh viên Việt Nam tại Năng (AEVN) và Hội hữu nghị Việt Nam - Loire Atlantique (AVLA) phối hợp tổ chức.

Quang cảnh buổi triển lãm, quảng bá văn hóa trang phục Việt tại Pháp.
Quang cảnh buổi triển lãm, quảng bá văn hóa trang phục Việt tại Pháp.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Kinh chiếm số đông ở đồng bằng và đô thị, còn 53 dân tộc ít người khác chủ yếu sinh sống ở miền núi. Mỗi dân tộc có một bộ trang phục truyền thống riêng với dáng vẻ, màu sắc, chất liệu khác nhau tạo nên sự đa dạng của dân tộc Việt Nam. Song hành cùng các bộ trang phục là các vật dụng thường ngày như giỏ hay rổ rá làm từ mây, tre đan, những nhạc cụ truyền thống và đồ trang sức.

Đến với cuộc triển lãm trang phục 54 dân tộc, khách tham dự cũng có dịp ngắm những hình ảnh Việt Nam xưa và nay qua ống kính của Xê-bát-chiêng La-van. Nhiếp ảnh gia người Pháp này đã dành nhiều thời gian đến các vùng miền khác nhau ở Việt Nam, ghi lại hình ảnh con người, đời sống, phong cảnh bằng ảnh đen trắng.

Lễ hội hoa anh đào

Đây là hoạt động của Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra từ ngày 23 đến 26-3 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tại lễ hội này, Thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trưng bày khoảng 30 cây và 10 nghìn cành hoa anh đào, cây cảnh nghệ thuật, một số loài hoa đặc trưng của Việt Nam và Hà Nội. Ngoài trưng bày hoa anh đào, các hoạt động giao lưu văn hóa với Nhật Bản còn có không gian văn hóa Nhật Bản giới thiệu trà đạo, cờ vây, cờ Shogi, trò chơi truyền thống Kendama...; giới thiệu ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam với khoảng 20 gian hàng tại Cung Thiếu nhi Hà Nội; trình diễn múa Yosakoi của Nhật Bản với khoảng 15 đội tham gia (mỗi đội từ 15-100 người) tại đường Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ.

Nữ dịch giả Việt Nam nhận được giải thưởng văn học dịch Nga

Vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Nga ở Thủ đô Mát-xcơ-va, Liên bang Nga, nhà văn nữ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh của Việt Nam đã được trao giải thưởng văn học toàn Nga hằng năm “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” dành cho tác phẩm văn học dịch. 

Hội đồng giám khảo đã nhất trí tặng giải thưởng vinh dự cho tác phẩm được dịch giả Thụy Anh dịch ra tiếng Việt mang tên “Ôn-ga Béc-gôn của tôi” xuất bản tại Hà Nội từ năm 2010 nhân dịp 100 năm Ngày sinh của nhà thơ nữ người Nga Ôn-ga Béc-gôn (1910-1975). “Ôn-ga Béc-gôn của tôi” không chỉ là những bản dịch thơ, mà còn là một kiểu chân dung văn học của nữ tác giả nổi tiếng qua cảm nhận của dịch giả Thụy Anh. Giải thưởng cao quý của Hội nhà văn Nga này là sự ghi nhận dòng chảy tuy âm thầm nhưng đầy hứa hẹn, Thụy Anh tin rằng rồi đây sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học Nga cả kinh điển và đương đại sẽ đến được với bạn đọc Việt Nam.

Giải thưởng “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” được trao hằng năm tại Mát-xcơ-va cho các tác phẩm dịch văn học Nga và nước ngoài, nhằm tôn vinh lĩnh vực sáng tạo này cũng như phát hiện những tài năng dịch mới, đặc biệt là củng cố các mối quan hệ giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ. Giải thưởng không dành cho tác phẩm cổ súy cho bạo lực, nghiện ma túy, lối sống tội phạm và phản xã hội./.

PV (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com