Tục kéo lửa khai hội làng nghề Ninh Xá

09:02, 21/02/2018

Tục kéo lửa khai hội của người dân thôn Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên) xuất phát từ phong tục truyền thống lâu đời nhằm tưởng nhớ ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng (939-1019), người đã có công truyền dạy nghề cho dân làng.

Đình làng - nơi diễn ra tục "Kéo lửa khai hội" của làng nghề Ninh Xá.
Đình làng - nơi diễn ra tục "Kéo lửa khai hội" của làng nghề Ninh Xá.

Ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng sinh ra trong một gia đình đời nối đời làm nghề thợ mộc ở Gia Viễn, Nho Quan (Ninh Bình). Tương truyền ông là vị tướng hậu cần của vua Đinh. Ông giúp dân các làng La Xuyên, Ninh Xá học nghề chạm khắc gỗ, khảm trai. Cùng với dạy dân nghề mộc, ông còn khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề thủ công ở địa phương. Hiện nghề mộc được ông truyền lại cho người dân địa phương ngày càng phát triển. Sau khi ông mất, người dân Ninh Xá suy tôn ông là Thành hoàng, là ông tổ nghề “Lão La Đại Thần”. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, dân làng Ninh Xá đã dày công sưu tầm, bổ sung tư liệu về ông tổ nghề. Hằng năm người dân đã góp nhiều công sức, tiền của để tu bổ, tôn tạo đình Ninh Xá - là nơi thờ Lương Bình Vương, An Nhu Vương là những vị đã có công giúp dân làng trồng lúa, trồng dâu, chăn tằm dệt vải. Đến thời Lý, đền Ninh Xá còn thờ Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng. Tương truyền, ngày 24-4-991, Vua Lê Đại Hành khi qua sông Sắt đã cho đậu thuyền rồng lên thăm đền thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Thấy cảnh hoang sơ, vua cho Ninh Hữu Hưng ở lại sửa đền và dựng chùa Lê (Phúc Lê Tự). Thấy nơi đây dân cư còn thưa thớt, ông đưa con cháu, họ hàng và chiêu mộ dân các nơi về đây khai khẩn mở mang trang ấp, dạy dân nghề mộc, chạm. Năm Kỷ Mùi niên hiệu Thuận Thiên triều Vua Lý Thái Tổ (1019), ông qua đời hưởng thọ 81 tuổi. Con cháu và người làng đưa thi hài ông về an táng tại chân núi Xương Bồ. Vua Lý Thái Tổ ban cho ông tên thụy là Lão La Đại Thần và cho rước bài vị ông thờ trong đền. Từ đó đến nay, để tỏ lòng biết ơn ông và những người có công dựng làng giữ nước, truyền dạy nghề cho nhân dân, định kỳ vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi, dân làng Ninh Xá lại tổ chức lễ hội vào các ngày mùng 6 và 7-3 âm lịch. Đặc biệt, trong ngày khai hội mùng 6, dân làng đã tiến hành nghi thức “Kéo lửa khai hội”. Để chuẩn bị kéo lửa, trước đó, những người tham gia kéo lửa trong làng đã chuẩn bị sẵn cho mình những vật dụng gồm những thanh giang gác bếp hằng năm để khô và dễ cháy, 3 mảnh gỗ xoan khô để kéo lửa và những bùi nhùi rơm khô dễ bén lửa. Những người được chọn tham gia kéo lửa là những trai tân khỏe mạnh. Đúng 8 giờ sáng ngày 6-3 âm lịch, trước sân đình, nơi được coi là linh thiêng nhất làng, các vị cao niên đã cho bố trí 3 bàn để kéo lửa. Sau một hồi trống trang trọng, tưng bừng, lễ văn ôn lại ân đức và công lao một thời của Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng được đọc lên. Kết thúc lễ văn, một vị cao niên phát lệnh cho 3 nhóm người được làng cử kéo lửa kéo thanh giang cọ vào mảnh gỗ xoan khô, bên dưới ngay chỗ thanh giang tiếp xúc với mảnh gỗ xoan là bùi nhùi rơm khô. Tục này được tái hiện theo đúng quy luật “mộc sinh hỏa” mà ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng đã vận dụng để tạo lửa… Những người làm động tác kéo lửa không chỉ cần sức khỏe mà phải thật khéo léo. Khi ngọn lửa vừa bùng lên, người lấy lửa phải nhanh chóng để bùi nhùi rơm bén vào để lấy lửa. Tiếp đó một cụ già lấy ngọn lửa đó làm lễ dâng hương tại đình, rồi chuyển bát hương lên kiệu rước để rước sang chùa Lê… Cùng với tục kéo lửa dâng hương khai hội, lễ hội còn có tế, lễ, rước kiệu và các trò chơi dân gian truyền thống như rước rồng, rước nước, bắn cung, đấu kiếm, võ vật, hát văn, thao tác mẫu các công đoạn của nghề mộc…

Cùng với nghi thức kéo lửa khai hội, vào mùng 5 tháng Giêng hằng năm, dân làng Ninh Xá lại tề tựu quanh sân chùa Phúc Lê cũng thuộc thôn Ninh Xá để tổ chức lễ kéo lửa thổi cơm thi nhằm ôn lại tục kéo lửa và ngày đầu tiên tổ nghề đặt chân đến mảnh đất này. Trước sân chùa, người dân diễn lại tục kéo lửa nấu cơm của quân lính thời xưa bằng hình ảnh một nhóm 3 người vừa đi vừa kéo lửa thổi xôi để làm sống lại không khí quyết tâm đánh giặc của cha ông ta xưa. Để chuẩn bị cho việc kéo lửa nấu xôi, người dân chuẩn bị 3 bếp, mỗi bếp 3 người, trong đó có 2 người gánh 2 bên đòn gánh để khiêng chõ xôi vừa đi vừa hát và 1 người vừa đi theo vừa nấu xôi trong tiếng trống thúc giục liên hồi. Khi xôi chín, người dân đơm xôi để cúng Phật và lễ thánh… Cũng như tục kéo lửa khai hội, tục kéo lửa thổi cơm thi thu hút hàng nghìn người dân đến xem.

Tục kéo lửa khai hội của người dân Ninh Xá còn tồn tại đến ngày nay không chỉ để tưởng nhớ vị tổ nghề, tưởng nhớ những người đã có công “khai hoang mở đất” mà còn thể hiện mong muốn của người dân về một năm mới an khang thịnh vượng, gia đình được ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Minh thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com