Tục "xông đất" đầu năm

08:02, 15/02/2018

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, những phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền dân tộc vẫn luôn được các gia đình lưu giữ, phát triển. Trong đó, tục “xông đất” (xông nhà) đầu năm là tục lệ mang nhiều nét đẹp văn hoá tâm linh, ăn sâu vào cách nghĩ, cách cảm, lối sống của người dân, hiện còn lưu truyền, tồn tại đến ngày nay.

Giá trị văn hoá truyền thống

Theo quan niệm truyền thống, sau thời khắc giao thừa thiêng liêng (12 giờ đêm) cho đến sáng ngày mồng 1 Tết, người nào bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người “xông đất”. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm “xông đất” sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến vận hạn của gia đình mình trong năm mới. Vì vậy, người được mời “xông đất” sẽ được gia chủ lựa chọn dựa vào sức khỏe, tài đức và sự thành đạt… Người được nhờ đến “xông đất” thường mang theo chút quà cho gia chủ. Quà ở đây không quan trọng về giá trị vật chất nhiều hay ít mà chỉ mang tính tượng trưng như: bánh, kẹo, mứt, chè, thuốc... Bên cạnh đó là những lời chúc có ý nghĩa cho một năm mới, gia đình vui vẻ, hạnh phúc, phát lộc, phát tài, gặp nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống. Nếu nhà nào có cha mẹ già thì chúc: “bách niên giai lão”, “tăng phúc tăng thọ”, “sống lâu muôn tuổi”; nếu nhà nào buôn bán thì mong “buôn may bán đắt”, “làm ăn phát đạt”, “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”; nếu là gia đình công chức Nhà nước thì chúc “thăng quan tiến chức”, “lên chức lên lương”; đối với trẻ em thì mừng “hay ăn chóng lớn”, “học hành đỗ đạt”, “vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô”… Những lời chúc tụng ý nghĩa thường kèm theo những phong bao lì xì đẹp mắt để mừng tuổi cho trẻ em và người già. Để đáp lại tình cảm mà người “xông đất” dành cho gia đình mình thì gia chủ cũng niềm nở đón tiếp chúc tụng lại, hoan hỉ thết đãi một vài món ăn, thức uống. Chuyện ăn uống này chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, mứt, hạt dưa, hạt bí, uống một ly rượu hay chén trà ngon. Bên cạnh việc mời khách đến nhà, thì còn một cách “xông đất” khác theo tục lệ truyền thống là chính người thân trong gia đình tự xông đất. Trước thời khắc giao thừa, người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà đi chùa, đình, đền để bái và trở về nhà mang theo nén hương, cành lộc đầu xuân, túi muối hay một cây mía cầu mong sự tốt lành, an yên quanh năm cho gia đình.

Ý nghĩa của việc chọn tuổi xông đất

Trước thềm năm mới, việc chọn tuổi “xông đất” là vấn đề được nhiều gia đình quan tâm. Từ trước Tết, các gia đình đã chọn người “xông đất” có tuổi hợp với tuổi gia chủ. Tuổi của người được chọn là tuổi “tam hợp”, “nhị hợp”, hoặc ít nhất là tránh tuổi “tứ hành xung” với tuổi của gia chủ. Bên cạnh đó, những người có tên hay, ý nghĩa như: Phúc, Lộc, Thọ, Tài, An, Khang, Kim, Ngân, Cát… “xông đất” cũng là một niềm vui với gia chủ. Người được mời “xông đất” không chỉ là người hợp “mệnh” còn phải là người có đức độ, sống nhân nghĩa, có sự nghiệp vững chắc, tài lộc dồi dào, gia đình hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, thành đạt; về tính cách là người rộng rãi, phóng khoáng và vui vẻ thì gia đình được “xông đất” sẽ may mắn, sung túc trong năm mới. Việc chọn tuổi xông đất không chỉ đơn thuần là chọn tuổi mà còn phải chọn cả con người có nhân cách. Ngoài yếu tố không hợp “mệnh”, các gia đình cũng rất kỵ những người có phẩm chất đạo đức không tốt, lười biếng đến xông nhà. Mặt khác, cũng có nhiều gia đình không theo thói quen chọn tuổi này mà “tùy duyên” người nào đến sau đêm giao thừa hoặc sáng mồng 1 Tết thì đó là người “xông đất” cho gia đình mình. Gia đình nào đã có người đến xông đất rồi thì việc tiếp khách trong các ngày tiếp theo không có ảnh hưởng gì đến gia chủ kể cả người tốt vía hay xấu vía. Hầu hết các gia đình Việt thường tránh đến nhà người khác trong ngày mồng 1 Tết nếu trong gia đình mình có những chuyện không hay xảy ra trong năm cũ…

Tục “xông đất” đã tạo nên một giá trị tâm linh trong văn hoá gia đình. Sau thời khắc giao thừa, mọi người trong các gia đình vẫn đi xông đất nhà bà con, bạn bè, hàng xóm, như một niềm vui không thể thiếu trong phong vị Tết cổ truyền dân tộc./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com