Chọi gà - nét đẹp văn hóa truyền thống

06:02, 09/02/2018

Chọi gà từ lâu đã trở thành thú chơi tao nhã của người Việt với ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Ở tỉnh ta, trò chơi dân gian chọi gà được lưu giữ và khôi phục tại nhiều lễ hội truyền thống góp phần tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng.

Những người đam mê gà chọi thường tập hợp thành hội, nhóm từ 10-20 thành viên nhằm trao đổi giống gà, kinh nghiệm chăm sóc, luyện tập để ra lò giống gà chọi tốt. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu giao lưu gà chọi, nhiều diễn đàn được thành lập thu hút hàng chục nghìn người đam mê chọi gà đăng ký tham gia thành viên như các trang Fanpage Facebook: Hội Gà Chọi Nam Ðịnh (49 nghìn thành viên), Hội Yêu Thích Gà Chọi Nam Ðịnh (5.300 thành viên)... Ở từng huyện cũng có những diễn đàn riêng tập hợp những người yêu chọi gà như: “Hội gà chọi Hải Hậu”, “Hội gà chọi Vụ Bản”, “Hội gà chọi Ý Yên”, “Hội gà chọi Xuân Trường”... Phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Ðịnh là một trong những địa phương tập hợp nhiều người nuôi và chơi gà chọi. Ông Trần Huy Minh (52 tuổi) là người đã có 20 năm chơi và nuôi gà cho biết: Từ hồi nhỏ ông đã háo hức cùng bố và các anh đi xem các trận đá gà vào dịp lễ hội tháng 8 Ðền Trần. Hiện nay, ông đang nuôi 30 con gà chọi, trong đó có 7 con gà chọi trống để đá xới. Chọi gà là một “thú” chơi công phu bởi đòi hỏi người chơi ngoài đam mê còn phải có thời gian, kiến thức để chăm sóc “chiến kê” từ lúc nhỏ tới khi giao chiến. Theo kinh nghiệm của ông Minh, muốn có gà chọi ưng ý phải chọn từ gà bố mẹ. Gà mẹ phải là gà có tông tốt, gà bố phải là gà có tướng và giành nhiều chiến thắng qua các trận đấu. Trong một đàn gà vừa nở, người chủ gà sẽ chọn con tách bầy đi kiếm ăn một mình hoặc về đêm không rúc vào nách mẹ ngủ mà nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Nếu không có điều kiện chọn gà từ lúc mới nở thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng); gà lưỡng nhãn (hai mắt khác màu); gà có bớt trong lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết)... hoặc như dân gian đã có câu tổng kết về cách chọn gà chọi: “Ðầu công, mình cốc, cánh vỏ trai/Quản ngắn, đùi dài chẳng sợ ai/ Khô chân, gân mặt ấy gà tài”. Tuy nhiên, theo ông Minh “Kê đá mã kỵ” (nghĩa là gà phải đá, ngựa phải cưỡi mới biết hay dở), nhiều con tướng đẹp nhưng đá dở nhưng có những con gà “ẩn” tướng lại đá hay nên xem tướng gà chỉ đúng một phần. Chọn gà quan trọng nhưng khâu huấn luyện gà đòi hỏi kỳ công của người chủ. Chế độ ăn của gà phải được tuân thủ: một ngày chỉ cho ăn một ít thóc, trưa cho ăn xen kẽ rau xanh, vài ngày mới cho ăn một ít mồi tươi. Khẩu phần ăn vừa đủ, nếu nhiều quá gà sẽ bị béo, chậm chạp. Mỗi đàn gà khi nuôi thành công chỉ chọn ra được khoảng 2-3 con có thể “vần vỗ”. Gà khi đủ 8 tháng tuổi, đủ lông, đủ cánh bắt đầu được vần. Gà non được vần từ thấp đến cao, đầu tiên vần hồ bịt mỏ, bịt cựa rồi đi hơi... để gà có sức chịu đựng tốt. Sau khi “vần vỗ” phải “om bóp” cho gà săn chắc theo công thức dân gian “gừng, giềng, nghệ, ngải kíp thì om ngay”. Gà trải qua 4 lần vần, 4 lần om bóp có thể đưa ra thi đấu. Bên cạnh đó, người nuôi luôn phải trông chừng để gà không bị nhiễm bệnh, tránh rét vào mùa đông và tránh nóng vào mùa hè. Với thời tiết rét đậm như năm nay, ông Minh đã cẩn thận căng bạt, giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng cho gà chọi để đảm bảo sức khỏe cho gà tham chiến vào các dịp lễ hội đầu xuân năm nay.

Anh Đỗ Thanh Tuấn (ngoài cùng bên trái), xóm 6, thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) cho gà chọi luyện tập các đòn đánh.
Anh Đỗ Thanh Tuấn (ngoài cùng bên trái), xóm 6, thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) cho gà chọi luyện tập các đòn đánh.

Tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường), hằng năm vào dịp lễ hội chùa Nghĩa Xá đều tổ chức trò chơi chọi gà quy mô lớn từ ngày 29-2 đến mùng 3-3 âm lịch. Theo các bậc cao niên trong thôn Nghĩa Xá, trò chơi chọi gà ở lễ hội chùa Nghĩa Xá đã có từ lâu và gắn liền với đời sống văn hóa của người dân trong thôn. Trong quan niệm của người dân nơi đây, chủ gà chọi nào giành cờ chiến thắng khi tham gia giải chọi trong lễ hội thì cả năm sẽ được may mắn, gia đình thịnh vượng. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Ðỗ Thanh Tuấn (33 tuổi), xóm 6, thôn Nghĩa Xá, người có thâm niên chơi gà chọi hơn 10 năm và giành nhiều giải thưởng qua các mùa lễ hội chùa Nghĩa Xá. Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã ấn tượng bởi tiếng gáy gắt của những chú gà chọi trống oai vệ, dũng mãnh được chính tay anh Tuấn chọn lọc. Anh Tuấn chia sẻ: Ngoài công việc chính là buôn bán điện lạnh, phần lớn thời gian rảnh rỗi hằng ngày anh đều dành thời gian để chăm sóc cho những chú gà chọi. Từ năm 2009 đến nay, anh được Ban quản lý lễ hội chùa Nghĩa Xá giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức chọi gà. Ðể chuẩn bị cho lễ hội chùa, anh Tuấn cất công thông báo đến từng người có gà chọi trong làng và viết thư mời đăng trên các diễn đàn về gà chọi, trong đó anh Tuấn phổ biến rõ quy chế, thể lệ thi đấu không được cá cược... Trước ngày diễn ra chọi gà trong lễ hội, anh Tuấn và những người được phân công nhiệm vụ chuẩn bị bạt, quây xới, kiểm tra mặt sân cát. Từ sáng ngày 29-2 âm lịch, những chủ gà chọi ở địa phương và thập phương đã tập trung đông đủ làm các thủ tục cần thiết như chia hạng cân gà, ghép đối thủ... Tùy theo số lượng gà tham gia chọi mà ban tổ chức sẽ có ít xới hay nhiều xới. Theo nhẩm tính của anh Tuấn, trung bình một mùa lễ hội chùa Nghĩa Xá có từ 160-200 chú gà chọi tham gia thi đấu. Vào cuộc đấu, người người khắp nơi đổ về vây quanh xới gà, người xem say sưa cổ vũ, bình phẩm từng cú đá hay, từng miếng đòn hiểm, từng động tác di chuyển của gà. Kết thúc hội thi, chủ gà chọi chiến thắng được vinh danh và trao cờ lưu niệm tham gia. Các chú gà chiến thắng được đem về nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện để tiếp tục chiến đấu ở các hội làng khác trong tỉnh. Hiện nay, anh Tuấn còn phụ trách nhóm những người chơi gà chọi ở xã Xuân Ninh. Ngoài tham gia lễ hội chùa Nghĩa Xá, nhóm của anh còn tham gia chọi gà ở nhiều lễ hội khác như: Lễ hội chùa Hải Trung, Hải Anh (Hải Hậu), Hội đền Xuân Bảng (Xuân Trường), hội làng Giao Thịnh...

Ở xã Hải Nam (Hải Hậu), anh Trần Xuân Thức (41 tuổi), xóm 17 là một trong những người chơi gà chọi có tiếng trong huyện. 20 năm nuôi gà và chơi gà chọi, đến nay anh có hàng chục con gà chọi quý. Ðiều đặc biệt nhiều người chơi gà chọi chỉ “săn” gà đã thành danh ở xới còn anh Thức tự mày mò, nghiên cứu ghép các gà có tông giống tốt để “đúc” ra lò giống gà chọi đẹp, thiện chiến. Anh Thức chia sẻ: Mỗi người khi tìm và nuôi gà chọi để tham gia thi đấu đều chọn cho mình một “dòng gà” (lối đánh) để chơi. Khi đã có thương hiệu, đối thủ chỉ nhìn qua lối đánh của gà là có thể biết được chủ nhân là ai. Sau khi đã chọn gà giống, vần vỗ, om bóp thì việc quan trọng không kém là xem lối đánh của gà. Hiện nay, trong số gà chọi của anh Thức, có một số con có lối đánh hay như: gà đấm, thông vỉa, chạy kiệu, hai mang, buông tát... Mỗi lối đánh của gà có ưu và nhược điểm riêng đòi hỏi người chủ khi thi đấu phải biết chọn gà chiến cho phù hợp, khắc chế được lối đánh của gà đối phương. Cũng theo anh Thức, trước đây xới đá gà khá đơn giản. Ai có gà muốn giao lưu chỉ cần đào vũng đất hình tròn với bán kính 2m, sâu 30-40cm rồi đổ cát vào. Người xem từ già trẻ, nam nữ ngồi xung quanh, vừa thưởng thức, vừa cổ vũ khích lệ trận đấu. Ngày nay, ở các lễ hội, xới gà được quây tròn bằng cót hoặc bằng cao su trên một mặt phẳng 3-4m2. Ðặc biệt, đá gà trong các lễ hội không giống với đá ở các trường gà, bởi đó là danh dự cũng là trách nhiệm và lòng tự hào của người có gà đá hay được chọn đi thi đấu. Tuy nhiên, trước tác động của kinh tế thị trường, hiện nay trò chơi chọi gà đang đứng trước nhiều thách thức bởi một số kẻ lợi dụng chơi chọi gà núp bóng cá độ ăn tiền bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Bên cạnh đó, theo các cụ cao niên chơi gà chia sẻ, ngày xưa chơi gà là thú vui nên gà được nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngày nay, truyền thống đó bị mai một khi những người chủ gà bất chấp đạo đức vì cá độ nên ép gà đánh nhau đến kiệt sức để phân thắng bại. Thậm chí, còn dùng các mánh khóe tàn độc như bịt cựa bằng kim loại nhọn để tăng tính sát thương.

Ðể các trò chơi dân gian nói chung và trò chơi chọi gà nói riêng lưu giữ đầy đủ giá trị văn hóa tinh thần truyền thống trong các lễ hội, những năm qua, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan trong lễ hội… Bên cạnh đó, Sở VH, TT và DL tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lễ hội theo quy định pháp luật. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội theo đúng quy định. Qua đó, trò chơi chọi gà trong các lễ hội ở tỉnh ta được tổ chức nền nếp, thực sự là sân chơi lành mạnh gắn kết cộng đồng./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com