Phát huy giá trị lịch sử qua các hiện vật thời kỳ chống Pháp

04:08, 18/08/2017

Hướng tới kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, số lượng khách đến tham quan Bảo tàng tỉnh ngày càng đông. Bằng giọng truyền cảm, cán bộ thuyết minh Bảo tàng tỉnh giới thiệu từng khu trưng bày hiện vật cho khách tham quan. Trong đó, khu vực trưng bày các hiện vật “Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” được nhiều du khách nán lại chụp ảnh, tìm hiểu. Trong gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có nhiều hiện vật liên quan tới thời kỳ kháng chiến, là minh chứng cụ thể về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh ta. Trong đó, tiêu biểu là khoảng 570 hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp của quân và dân Nam Định (giai đoạn 1945-1954). Nhiều hiện vật minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp trên quê hương Nam Định hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; tiêu biểu như: Mảnh bom, cột nhà cháy, thân cây đa gỗ, dụng cụ tra tấn...  Mảnh bom số hiệu 679/KL:119 dài 71,8cm, rộng 13,5cm có đặc điểm hình cong kiểu ván thuyền, cạnh lồi lõm như răng cưa do 1 người dân ở xóm 4, xã Xuân Nghiệp (nay là xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường) sưu tầm. Trong trận bom ngày 5-5-1954 của thực dân Pháp, 14 máy bay địch đã thả 120 quả bom xuống xã Xuân Nghiệp làm cháy 82 nóc nhà, 51 người thiệt mạng, trong đó có một gia đình cả 11 người thiệt mạng. Mảnh bom số hiệu 749/KL:158 dài 33,5cm, rộng 12cm được ông Trịnh Đình Đại, xóm An Khang, thôn An Hòa, xã Yên Bình (Ý Yên) sưu tầm và hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh gắn với sự kiện ngày 30-8 và 1-9 âm lịch năm 1953, thực dân Pháp huy động 1 tốp 4 máy bay ném bom xuống thôn An Cừ, xã Yên Bình làm 92 người thiệt mạng, trong đó có 2 cán bộ giao thông, một bộ đội bị thương và hủy hoại nhiều nhà cửa của nhân dân. 4 cột nhà cháy (số hiệu: 752/ĐM:123; 759/ĐM:124; 784/ĐM:128; 852/ĐM:140) gắn liền với những cơ sở cách mạng của ta bị địch phát hiện và đàn áp dã man với mục đích tiêu diệt tận gốc du kích. Trong đó, cột nhà cháy số hiệu 752/ĐM:123 là minh chứng cho tội ác của thực dân Pháp khi chúng ném bom Na-pan xuống khu vực xã Yên Bình (Ý Yên) vào tháng 10-1953 gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân địa phương. Cột nhà cháy 784/ĐM:128 gắn với sự kiện giữa năm 1950, ông Lại Văn Vận, xã Hải Cát (nay là xã Hải Đường, huyện Hải Hậu) là gia đình cơ sở cách mạng bị địch phát hiện, đốt nhà và giết hại cả gia đình ông. Thân cây đa gỗ (số hiệu:1357/ĐM:206) có nguồn gốc ở xóm Tâm, xã Liên Minh (Vụ Bản) với nhiều lỗ thủng do vết bom đạn của giặc Pháp. Cây đa sau nhiều lần hứng chịu bom đạn của thực dân Pháp đến năm 1961 bị chết. Cán bộ và nhân dân xã Liên Minh mang phần thân cây trưng bày tại nhà truyền thống của xã để tố cáo tội ác quân thù. Nhóm hiện vật thu được là khí tài của giặc Pháp gồm chân súng, trục xe, nắp trục xe... được quân ta thu được trong sự kiện ngày 29 Tết năm 1952, du kích ta phục kích làm 2 trung đội địch bị thương vong, đốt 12 xe cam nhông của địch trên đường 21, buộc chúng phải rút khỏi địa bàn...

Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945-1954).
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945-1954).

Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, những hiện vật quân dân Nam Định kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nói riêng và toàn bộ tài liệu, hiện vật của Bảo tàng nói chung được lưu giữ trong kho hiện vật khối, kho giấy, kho phim ảnh tại Bảo tàng tỉnh. Các hiện vật này được sắp xếp và lưu giữ trong từng kho nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, phát huy giá trị lịch sử các hiện vật để quảng bá tới khách tham quan bảo tàng. Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử quê hương qua các thời kỳ. Bởi vậy, các hiện vật thời kỳ cách mạng có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.

Bảo tàng huyện Hải Hậu lưu giữ, trưng bày gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bảo tàng Hải Hậu có một số hiện vật tiêu biểu như: Làn và ống đựng cơm cho cán bộ nằm hầm bí mật; nắp hầm bí mật của chiến sĩ cách mạng thời kỳ “2 năm 4 tháng” 1950- 1952; bàn chông của dân quân du kích xã Hải Châu; bản đồ Hải Hậu thời kỳ mở khu văn hoá di tích và chống địch càn quét 1952-1954... Đặc biệt, sa bàn “Cầu Uất hận”, xã Hải Phong (Hải Hậu) cùng một số hiện vật liên quan trưng bày tại Bảo tàng Hải Hậu đã tố cáo tội ác man rợ của thực dân Pháp, trong thời kỳ “2 năm 4 tháng”. Thực dân Pháp lợi dụng Công giáo, biến một số nhà thờ thành đồn bốt. Đồn trưởng Vũ Đức Khâm ở Trùng Phương là tên phản động đội lốt linh mục tuyên bố: Sẽ diệt bằng hết Việt Minh, thực hiện “càn thanh, quét cán, diệt cộng”. Tại cầu tre qua sông ngòi Cau ở làng An Phú, xã Hải Phong, Vũ Đức Khâm cùng tay sai đã tra tấn và sát hại gần 400 cán bộ, du kích và nhân dân yêu nước rồi vứt xác xuống sông. Khắc ghi mối thù này, nhân dân trong vùng gọi cầu tre An Phú là “Cầu Uất hận”. Để phát huy giá trị lịch sử các hiện vật ở bảo tàng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT huyện phối hợp với Phòng GD và ĐT tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng huyện. Hằng năm vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương, tại Bảo tàng huyện thường tổ chức các hoạt động như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ huyện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh…

Bảo tàng huyện Trực Ninh được xây dựng trong khuôn viên Đền liệt sĩ của huyện, diện tích khoảng 300m2. Bảo tàng hiện có hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có 120 bức ảnh tư liệu và 100 hiện vật đã được nhân dân hiến tặng. Gian trưng bày của Bảo tàng Trực Ninh thể hiện rõ tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân Trực Ninh qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước qua những tài liệu và hiện vật như: ảnh, sa bàn, rào làng kháng chiến Trại Mỹ, xã Trực Tuấn; ảnh, bản trích gắn liền với sự kiện ngày 27-2-1947, tại Chùa Cổ Lễ đã diễn ra lễ cởi áo cà sa tiễn 24 nhà sư lên đường bảo vệ Tổ quốc; một số ảnh, sơ đồ trận đánh, các loại vũ khí, khí tài tham gia trận đánh, các câu chuyện kể về quân và dân Trực Ninh giải phóng bốt Vô Tình, bốt Lương Hàn; những vật dụng thô sơ, những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình được sử dụng phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp như: hũ gạo kháng chiến được dùng đựng gạo tiết kiệm nuôi quân, lải đựng tài liệu, tích nước uống cho cán bộ... Các hiện vật đều gắn với câu chuyện lịch sử hào hùng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc với thế hệ trẻ.

Các hiện vật thời kỳ cách mạng được các bảo tàng trên địa bàn tỉnh sưu tầm, phát huy giá trị đã góp phần nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ hôm nay./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com