Giữ gìn nét đẹp "Văn hóa làng" trong quá trình đô thị hóa

08:07, 01/07/2016

Văn hóa làng được thể hiện thông qua các biểu trưng văn hoá mang giá trị truyền thống từ cây đa, giếng nước, mái đình, bến sông đến những phong tục, lối sống, lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề thủ công truyền thống… Ở tỉnh ta, trong quá trình đô thị hóa nông thôn, nhiều địa phương vẫn gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, các thiết chế văn hóa cổ của làng.

Huyện Mỹ Lộc có 2 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 gồm xã Mỹ Phúc và Mỹ Tân. Nhiều khách thập phương về xã Mỹ Phúc đã ấn tượng với vẻ đẹp kiến trúc của các di tích lịch sử - văn hóa và không gian làng quê với những cây cổ thụ tỏa bóng xuống giếng làng hay những ngôi đình làng cổ kính. Ở xã Mỹ Phúc, người dân từ già đến trẻ ai cũng có thể liệt kê hết các loại giếng trong làng như: giếng đất, giếng đá, giếng thùng, giếng tròn, giếng bán nguyệt, giếng giữa đồng, giếng trong làng... Trong quá trình quy hoạch đất làm đường, xây NVH, xã chủ trương lưu giữ hệ thống giếng làng ở khắp các thôn: Bồi Đông, Bồi Tây, Liễu Nha, Tam Đông, Tam Đoài. Hiện nay ở hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa đình, đền, chùa trên địa bàn xã đều có ao hoặc giếng. Nước giếng ở Đình La, Đền Bảo Lộc được sử dụng vào những ngày lễ trọng của làng. Trước ngày lấy nước, làng phải đóng nắp giếng để giếng được trong sạch, thanh tịnh. Ở xã Mỹ Tân, di tích Đình Trung Trang nằm ẩn mình dưới lũy tre xanh soi bóng xuống dòng sông Hồng; còn di tích Đền Cây Quế được bao quanh bởi nhiều loại cây cổ thụ... Cảnh sắc làng quê này đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khách thập phương tới tham quan. Ở huyện Ý Yên, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương trong huyện đều xác định để giữ “hồn quê Việt trong xây dựng NTM” thì phải giữ gìn cổng làng, cây cổ thụ và các di tích. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ý Yên có trên 50 cổng làng. Phần lớn cổng làng ở Ý Yên được phục dựng theo nguyên gốc với kiểu dáng, hoa văn, họa tiết cổ kính. Nhiều cổng làng đã được phục dựng và xây mới.

Múa sư tử tại lễ hội Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Múa sư tử tại lễ hội Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Năm 2010, cổng làng Trực Mỹ, xã Yên Cường được phục dựng với kinh phí trên 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá. Năm 2014, cổng các làng: Độc Bộ, Ngô Quyền, An Lại xã Yên Nhân được phục dựng với kinh phí trên 200 triệu đồng do nhân dân đóng góp… Trên địa bàn huyện hiện có 37 di tích lịch sử - văn hóa đình, đền được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua nhiều ngôi đình ở Ý Yên đã được các địa phương trùng tu, tôn tạo theo kiến trúc gốc. Tại các điểm di tích đình làng đều thành lập ban quản lý, ban bảo vệ di tích để gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử - văn hoá của những ngôi đình cổ ở các làng quê. Các di tích lịch sử - văn hóa như đền thờ Đức Thánh Tổ làng Tống Xá, xã Yên Xá; Đình La Xuyên, xã Yên Ninh đều gắn liền với các lễ hội và các nghi thức mang nét đặc trưng làng nghề của địa phương như nghi lễ “hiến xảo”, “xin lửa”. Nghi lễ “hiến xảo” mang ý nghĩa trình tấu với các vị tổ nghề những tiến bộ trong lao động, sản xuất. Nghi lễ “xin lửa” được tiến hành vào đêm 30 Tết hằng năm. Người dân trong làng quan niệm, lửa thánh sẽ mang đến cho gia đình một năm mới may mắn và tốt đẹp. Tại huyện Vụ Bản, để giữ gìn không gian văn hóa làng trong quá trình xây dựng NTM, các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, xóm lấp ao hồ phải theo đúng quy hoạch, vận động nhân dân hạn chế việc chặt cây xanh để giữ nguyên vẻ đẹp không gian làng quê. Bên cạnh đó, dấu ấn văn hóa làng vẫn còn in đậm ở huyện Vụ Bản qua cách duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ; cư dân sinh sống trong làng phải tuân theo các quy định cụ thể về giữ gìn thuần phong mỹ tục trong hương ước. Tại xã Vĩnh Hào, nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương hiện tại vẫn được bảo lưu qua các tập tục trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội. Ở làng Hồ Sen còn tục lệ khi con gái về nhà chồng, bố mẹ cho một con dao chẻ nan, ý nói về nhà chồng vẫn không quên nghề đan lát truyền thống của làng. Làng Vĩnh Lại hiện còn giữ nhiều tín ngưỡng nguyên sơ như tục thờ bản thổ thành hoàng. Vào ngày Tết, ngày hội làng Vĩnh Lại, mọi nhà đều dùng rơm bện lại quấn quanh cây tre để làm cây nêu; cắm cột treo đèn, treo cờ dọc đường rước qua và làm cổng chào bện bằng rơm trong ngày lễ hội. Làng còn giữ được tục rước đuốc đêm giao thừa để tưởng nhớ vị tướng Phạm Phúc Quảng và quân sĩ đánh thắng giặc Chiêm Thành. Ở thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận hiện còn lưu truyền lệ “trục quyên” (bắt đuổi cuốc) làm lễ tế thần đầu năm; lễ tịch điền cúng Thần Nông - Hậu Tắc bằng ba chân giò dựng đứng trên đặt một miếng thịt dài tượng trưng cho bộ gầu sòng tát nước. Tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái có tục chọn gà luộc cúng Thành Hoàng làng được tổ chức vào thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Huyện Trực Ninh có nhiều địa phương còn lưu giữ được kiến trúc truyền thống của làng quê Bắc Bộ như làng Dịch Diệp, xã Trực Chính; làng Cổ Chất, làng Cự Trữ, Nhị Nương, Phú Ninh, Trung Khê xã Phương Định… Làng dệt Dịch Diệp khi xây dựng tuyến đường bê tông liên xóm nhân dân vẫn lưu giữ nguyên vẹn cổng làng phía nam được xây dựng từ năm 1864 bằng đá với chiều dài 30m, rộng 3,5m và 5 giếng cổ quanh làng. Khu đình của làng vẫn còn bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện Tục Khả Phong” do Vua Tự Đức ban tặng. Chùa làng có tên là “Cổ Liêu Linh Tự” còn lưu giữ chiếc chuông đồng được đúc vào năm Gia Long thứ 6 (năm 1818). Thời gian qua, làng Dịch Diệp còn mời các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về nghiên cứu và dịch các chữ Hán Nôm trên các văn bia và tài liệu thư tịch cổ của làng để xác định chính xác niên đại cũng như lịch sử các công trình của làng. Làng dệt Cự Trữ, xã Phương Định được hình thành từ hai dải đất chạy song song với một con sông nhỏ ở giữa, tên gọi Cự Trữ nghĩa là “tích trữ nhiều” thể hiện mong ước của nhân dân nơi đây về một cuộc sống phát đạt, sung túc. Trải qua thời gian, làng Cự Trữ vẫn giữ được những công trình kiến trúc như đình, đền, miếu, phủ, hệ thống các cây cầu đá bắc qua sông cùng nghề dệt vải truyền thống. Hiện nay, làng còn cổng làng cổ xây từ năm 1935, 3 cầu đá gồm: cầu Trung Đoài (xây dựng năm 1845), cầu Giáp Đoài (xây dựng năm 1871), cầu Giáp Đông (xây dựng năm 1892). Làng có một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đền - Chùa Cự Trữ. Các hạng mục kiến trúc ngôi chùa có sự kết hợp đan xen của các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) cho đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Năm 2014, di tích lịch sử Chùa Cự Trữ đã được tiến hành trùng tu tôn tạo các hạng mục xuống cấp, mở rộng khuôn viên, xây thêm đình thờ tổ làng với kinh phí gần 2 tỷ đồng do nhân dân và con em xa quê đóng góp. Huyện Trực Ninh cũng là địa phương lưu giữ được nhiều nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa Sơn Quân ở xã Trực Cường, Trực Thái; hát dân ca và múa lân ở xã Trực Đại…

Việc giữ gìn nét đẹp “Văn hóa làng” trong quá trình đô thị hóa nông thôn đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com