Các đoàn nghệ thuật kịch hát truyền thống chăm lo đào tạo diễn viên trẻ

08:07, 01/07/2016

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện nay sân khấu kịch hát truyền thống ở tỉnh ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Sự thiếu vắng khán giả dẫn đến đời sống của các nghệ sĩ, diễn viên gặp khó khăn cũng tác động đến công tác tuyển chọn, đào tạo lực lượng diễn viên trẻ kế cận. Trước thực trạng đó, những năm qua các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh đã quan tâm chăm lo đến công tác tuyển chọn, phát hiện và đào tạo diễn viên trẻ, từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ khán giả.

Một buổi tập vở diễn mới của các diễn viên trẻ Nhà hát Chèo Nam Định.
Một buổi tập vở diễn mới của các diễn viên trẻ Nhà hát Chèo Nam Định.

Hiện tại, Nhà hát Chèo Nam Định có 53 cán bộ, diễn viên (43 biên chế, 10 hợp đồng), hầu hết là các diễn viên trẻ. Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc” diễn ra vào tháng 11-2014 tại Ninh Bình đánh dấu sự thành công của lớp diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Chèo Nam Định. Tại cuộc thi, Nhà hát Chèo Nam Định cử 5 diễn viên tài năng tham dự là: Trần Trọng Ngời vai Ông Chài trong trích đoạn “Vợ chồng ông chài”; Đỗ Thị Khánh vai Thị Màu trong vở “Quan Âm Thị Kính”; Trịnh Xuân La trong trích đoạn “Vợ chồng ông chài”; Phạm Văn Minh vai Lưu Bình trong trích đoạn vở “Lưu Bình, Dương Lễ”; Đỗ Thị Phương vai Cúc Hoa trong trích đoạn vở “Tống Trân Cúc Hoa”. Kết thúc cuộc thi, các diễn viên trẻ Nhà hát Chèo Nam Định tham dự đều đạt giải cao, trong đó, diễn viên Trịnh Xuân La xuất sắc giành HCV. Đây là kết quả của công tác đào tạo lực lượng diễn viên kế cận của Nhà hát Chèo Nam Định trong những năm qua. NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho biết: Xác định công tác tuyển chọn, đào tạo lực lượng diễn viên trẻ kế cận có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương, được sự chỉ đạo của Sở VH, TT và DL, Nhà hát Chèo Nam Định đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nam Định (nay là Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật và Du lịch Nam Định) xây dựng Đề án tuyển chọn, đào tạo lực lượng diễn viên trẻ. Với tiêu chí tuyển sinh phải đảm bảo thí sinh thực sự có năng khiếu về nghệ thuật truyền thống, đạt mọi tiêu chí về hình thể, giọng ca, khả năng cảm thụ âm nhạc, thẩm âm… mang tính đặc thù từ độ tuổi, phương thức tuyển sinh, nội dung, thời gian đào tạo... Đề án tập trung tuyển các em có năng khiếu, vừa tốt nghiệp THCS trong độ tuổi từ 14-15 để vừa đào tạo chuyên môn, vừa đào tạo văn hóa. Sau khoá đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp và có bằng tốt nghiệp THPT ở độ tuổi 17-18. Đây là độ tuổi “vàng” để các em về các đơn vị có thêm thời gian tích luỹ kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề trong thời gian công tác. Trong 5 năm qua, Nhà hát Chèo Nam Định đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh mở 5 lớp diễn viên chèo (đã có 3 lớp tốt nghiệp) kết hợp với đào tạo “tại chỗ” cho gần 100 học viên. Trong quá trình đào tạo, các nghệ sĩ có kinh nghiệm của Nhà hát Chèo như các NSƯT: Diệu Hằng, Thanh Nga cùng với giảng viên chuyên môn của trường đã tham gia giảng dạy cho các khóa học viên. Sau quá trình đào tạo, Nhà hát Chèo Nam Định đã tuyển chọn được 20 diễn viên, nhạc công trẻ, kịp thời bổ sung, thay thế cho lớp diễn viên, nhạc công đã nghỉ chế độ. Hiện, Nhà hát Chèo Nam Định đang tiếp tục giảng dạy và đào tạo 2 lớp diễn viên, nhạc công tại Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh cho 37 học viên. Với việc đào tạo, tuyển chọn đội ngũ diễn viên trẻ, Nhà hát Chèo Nam Định có năng lực khôi phục, dàn dựng nhiều trích đoạn chèo cổ; nghiên cứu, bảo tồn nhiều chương trình hát chèo, nhiều làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đối với Đoàn Cải lương Nam Định, công tác tuyển chọn và đào tạo lực lượng diễn viên kế cận gặp khó khăn nhiều hơn. NSƯT Thanh Hằng, Trưởng Đoàn Cải lương Nam Định cho biết: Đối tượng khán giả của sân khấu ở từng loại hình nghệ thuật đều có thị hiếu mang tính vùng miền, địa phương. Nếu đơn vị nào năng động, sáng tạo trong cách tiếp cận công chúng, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, số lượng vở diễn thì sẽ có nhiều khán giả và ngược lại. Ngoài việc tổ chức dựng vở diễn có chất lượng với nội dung hiện đại phục vụ nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh, yếu tố quan trọng là các đoàn nghệ thuật phải quan tâm đến công tác tuyển chọn và đào tạo lực lượng diễn viên trẻ kế cận. Trong những năm qua, Đoàn Cải lương Nam Định đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh mở các lớp đào tạo diễn viên (bình quân 2-3 năm/lớp đào tạo). Năm 2015, Đoàn đã tuyển được 10 em gửi đào tạo tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Đến nay có 6 em trở thành các diễn viên “nòng cốt” của đoàn là: Nguyễn Phương Chi, Mai Văn Trang, Đoàn Văn Thắng, Cao Thị Nhung, Trần Công Thắng, Phạm Thị Oanh. Tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu với sự tham gia của 27 đoàn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn Cải lương Nam Định với vở diễn “Mặt nạ người” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và khán giả. Trong số 30 diễn viên tham gia vở diễn, có 14 diễn viên trẻ. Kết thúc cuộc thi, Đoàn Cải lương Nam Định đã giành được 2 HCV, 2 HCB và 1 giải Tài năng trẻ cho các diễn viên tham gia vở diễn. Trong số 2 HCV đã giành được, có 1 HCV được trao cho diễn viên trẻ Nguyễn Phương Chi và 1 giải Tài năng trẻ cho diễn viên “nhí” Tuệ Nhi. Hiện tại Đoàn Cải lương tiếp tục phân công cán bộ về các địa phương trong tỉnh tuyển chọn những năng khiếu nghệ thuật cải lương để đào tạo tuyển dụng, từng bước trẻ hoá đội ngũ để mang đến cho sân khấu sự tươi tắn, mới mẻ; đồng thời đào tạo một thế hệ kế cận xứng đáng, tiếp nối các nghệ sĩ đi trước để bảo tồn vốn văn nghệ truyền thống của địa phương.

“Thầy già, con hát trẻ”(!). Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch hát truyền thống, công tác tuyển chọn, đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ kế cận là vấn đề sống còn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cần đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật các vở diễn để thu hút khán giả, tăng doanh thu, chăm lo đời sống cho đội ngũ nghệ sĩ diễn viên. Có như vậy đội ngũ diễn viên trẻ mới yên tâm gắn bó với nghề, phát huy tài năng để bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch hát truyền thống./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com