Bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát văn Nam Định

07:04, 23/04/2016
Nam Định là vùng quê phát tích và bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật văn hoá truyền thống với những làn điệu dân ca, dân vũ như: hát xẩm, hát văn, ca trù… Trong đó, nghệ thuật hát văn là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo mang tính chất “đặc sản” trong di sản văn hoá phi vật thể của vùng đất Thiên Trường xưa và đang được bảo tồn, phát triển.
 
Nét độc đáo của nghệ thuật hát văn là sự đa dạng về hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát văn có 13 lối hát với những làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Mỗi làn điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, kết hợp với nhạc cụ. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Hiện tại, tỉnh ta có trên 500 người tham gia thực hành “Nghi lễ Chầu văn”, trong đó 246 người hầu đồng, 245 người hát văn, 162 người sử dụng nhạc cụ. Những nghệ nhân hát văn có khả năng hát được các bài văn cổ, tiêu biểu như cung văn: Đào Thị Phòng, Hoàng Thị Lương ở huyện Ý Yên; Bùi Văn Đông ở huyện Xuân Trường... Đó là những cung văn giàu kinh nghiệm vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ: đánh đàn, gõ phách, trống. Nghệ thuật hát văn cổ truyền phổ biến ở tỉnh ta chủ yếu được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn” của người Việt. Tại đây, người hát văn phải lần lượt dâng nhiều bản văn khác nhau được gọi là giá đồng, mỗi giá đồng ứng với một vị Thánh trong điện thần Tứ phủ theo thứ tự từ cao xuống thấp. Do chuyển tải nhiều bản văn khác nhau nên hát văn là hình thức diễn xướng dân gian bao chứa số lượng làn điệu và thời lượng nhiều hơn so với các loại hình diễn xướng dân tộc khác. Toàn tỉnh có 352 di tích lịch sử - văn hoá thờ và phối thờ Đức Thánh Mẫu. Tiêu biểu là quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, Vụ Bản với hơn 20 di tích thờ Mẫu…, huyện Ý Yên có 26 di tích liên quan đến Thánh Mẫu, tập trung nhiều ở xã Yên Đồng như: phủ Nấp, phủ và chùa Đồi, từ đường họ Phạm... Tại quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 3 đến ngày mùng 8-3 âm lịch. Trong lễ hội có tới trên 30 cung văn tham gia hát tại phủ Tiên Hương và khoảng 20 cung văn tham gia hát tại phủ Vân Cát. Từ nhiều năm nay, các làn điệu chầu văn đã được các thế hệ người dân ở vùng đất Phủ Dầy gìn giữ, phát triển. Hội thi hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát hằng năm đều thu hút sự chú ý của du khách và một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong chương trình lễ hội. Vào những ngày thi, hàng trăm thí sinh nam nữ hầu hết là những người trẻ tuổi với áo dài khăn xếp đến từ các xã trong và ngoài huyện nô nức đến tham dự, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương từ khắp nơi tìm về để được thưởng thức các làn điệu hát văn và các giá đồng. 
Hát văn trong lễ hội Phủ Dầy.
Hát văn trong lễ hội Phủ Dầy.
Ngày nay, những làn điệu hát văn không chỉ được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu linh thiêng để phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà còn được biểu diễn trên những sân khấu hiện đại với hình thức ca nhạc dân gian. Âm nhạc hát văn với đặc tính sôi nổi, náo nhiệt cùng tiếng trống phách, thanh la rộn ràng có sức lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Các bài hát văn được soạn lời mới có giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật hát văn truyền thống mang hơi thở và nhịp sống đương đại, có nội dung ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, bộ môn nghệ thuật này đã trở thành món ăn tinh thần và đang phát triển mạnh trong phong trào văn nghệ quần chúng. Đến nay, toàn tỉnh có 6 CLB chầu văn hoạt động có hiệu quả như: CLB hát văn làng Hành Thiện (Xuân Trường), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê Thị trấn Mỹ Lộc, CLB thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB Chầu văn Ý Yên, CLB thơ ca - nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu... Mỗi CLB có từ 20-50 thành viên và là lực lượng nòng cốt góp phần bảo lưu, phát triển bộ môn nghệ thuật hát chầu văn ở các địa phương. Những năm qua, Nhà hát chèo Nam Định, Nhà Văn hoá tỉnh và các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao. 
 
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay, nghệ thuật hát văn ở tỉnh ta vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc, song cũng rất đa dạng, phong phú. Thực tế nghệ thuật hát văn đã vượt ra khỏi các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát văn trong cách nghe, nhìn mới nhưng vẫn bảo lưu được những làn điệu cổ, những phong cảnh diễn xướng cổ. Điều đó làm cho giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật hát văn này luôn được kế thừa và phát triển trong đời sống cộng đồng. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” được Bộ VH, TT và DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh ta cũng là địa phương đại diện cho cả nước lập hồ sơ khoa học, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com