Đặc sắc lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh

09:04, 22/04/2016

Lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức 3 năm 1 lần, bắt đầu từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi) nhằm tưởng nhớ sự kiện vua Trần đánh thắng giặc Nguyên. Lễ hội với các nghi lễ: rước kiệu, dâng hương, tế Thánh… cùng nhiều trò chơi và hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoạt cảnh Tải lương trong lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh.
Hoạt cảnh Tải lương trong lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh.

Theo các bài ca dao còn lưu truyền trong dân gian, lễ hội Thái bình xướng ca đã có từ thời nhà Trần: “Vua Trần có lệnh tuyển binh/ Chống giặc Nguyên thắng, thái bình xướng ca/ Ba năm một lệ làng ta/ Dần, Thân, Tỵ, Hợi múa ca tưng bừng”. Sau bao nhiêu thăng trầm, từ năm Nhâm Thân (1992), hội làng Quả Linh được khôi phục trở lại với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và hoạt động vui chơi vừa mang tính trí tuệ, vừa mang tính dân dã, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Về việc tổ chức lễ hội Thái bình xướng ca năm Bính Thân 2016, đồng chí Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Để tổ chức lễ hội theo đúng các nghi lễ truyền thống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, xã Thành Lợi đã thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong xã; xây dựng kịch bản và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày nhưng công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều ngày trước đó. Ngày 5-3 âm lịch là ngày tế giao (giao công việc cho mọi người), ngày 6-3 tập nghi (lập lại các nghi lễ sẽ diễn ra trong lễ hội), ngày mùng 7-3 là ngày kén trai khênh kiệu, ngày 9-3 bắt đầu là ngày làng vào đám. Nét độc đáo của lễ hội là nghi lễ rước kiệu Thánh từ đền Đông và hương án 18 dòng họ về đình Đụn và đám Hát (đám Hát có sân gạch rộng là nơi tổ chức lễ hội). Điểm xuất phát của lễ rước bắt đầu từ đền Đông, dẫn đầu là đội múa lân, tiếp đó là hai rồng vàng và xanh, đội cờ thần, cờ phướn, bát bửu, dải Phù Kiều. Tiếp đến là kiệu bát cống rước mũ áo, bài vị của thiên thần, kiệu của quan hậu thần họ Nguyễn và kiệu hương án của các họ. Nét nổi bật trong lễ hội Thái bình xướng ca là nhiều trò chơi gắn với sông nước như: tải lương, chở thuyền đốt bóng, cầu kiều… Theo truyền thuyết, từ xưa làng Gạo đã có đội vận chuyển lương thực bằng thuyền rất giỏi, với truyền thống “Cả làng chuyển thóc nhà vua/ Đủ cho quân sĩ bốn mùa lương ăn”. Bởi vậy, trong lễ hội Thái bình xướng ca nhân dân đã tái hiện đoàn thuyền tải lương với 3 thuyền, được điểu khiển bởi 3 người do dân làng lựa chọn, đi đầu là thuyền rồng chỉ huy thúc trống chạy quanh hồ làng thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến xem. Tải lương gắn liền với chuyện những đoàn thuyền tải lương của nhà Trần nên mang tính giáo dục cao về ý thức tập thể, về tình đoàn kết cho thế hệ hôm nay. Trong lễ hội, dân làng Quả Linh còn phô diễn các môn nghệ thuật dân gian của cha ông như múa rồng của xóm Bến, múa sư tử của xóm Chải, múa lân của xóm Cùng, chơi đu của xóm Cuối... Tiết mục múa rồng do xóm Bến phụ trách trong lễ hội đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm người, đặc biệt là giới trẻ. Trước đây, xóm Bến nổi tiếng bởi chế tạo được con rồng mây độc đáo, với nguyên liệu là cây mây mái (mây dại) thân cây dẻo, bền, dễ uốn cong để tạo dáng rồng. Những năm gần đây, nguyên liệu làm rồng mây khan hiếm, người dân xóm Bến thay thế rồng mây bằng đôi rồng vải trong đó rồng màu vàng dài 100m, rồng xanh dài 40m. Do đôi rồng lớn nên đội múa rồng xóm Bến có tới 75 người, trong đó riêng con rồng vàng cần hơn 30 người mới biểu diễn được. Ngoài phục vụ trong lễ hội làng, đội rồng xóm Bến còn nhiều lần tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hóa, thể thao của xã hay tại các hội chợ, triển lãm trong nước. Ở xóm Cuối, trước ngày hội làng Quả Linh các cụ cao tuổi trong xóm lựa chọn những cây tre to, khỏe, không bị sâu, sau đó cử một nhóm trai đinh khoẻ mạnh làm đu. Cây đu được tạo bởi 6 cây tre lớn làm trụ, đầu buộc dây vững chãi. Dây đu được tạo bởi dây tre tước từ những cây tre bánh tẻ dai, bền, được luộc nước sôi rồi nối với bàn đu chắc chắn ở phía dưới. Với cách đu truyền thống ở làng Cuối, đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng và duyên dáng của người chơi, đu đơn nam thường thể hiện sự khoẻ mạnh, bay bổng và thường đu vút lên cao. Đẹp mắt và hấp dẫn nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ. Giữa tiết trời cuối xuân hoa cỏ khoe sắc đua hương, những đôi trai gái chơi đu có dịp tìm bạn, kết duyên. Truyền thống vật của làng Quả Linh ngày càng được biết đến trong lễ hội khi quy tụ hàng chục võ sĩ trên địa bàn huyện tham gia thi đấu giao hữu. Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội là các tiết mục văn nghệ tại sân khấu nổi ở ao làng do các thành viên CLB văn nghệ Người cao tuổi và thanh niên làng Quả Linh biểu diễn trong đêm thơ, hát trống quân, thi hát văn… Đặc sắc nhất trong lễ hội là thi hát trống quân. Tại cuộc thi, hai bên hát đối đáp nhau hoặc hát liên tục một bài ca theo nhịp trống giục trong sự hò reo cổ vũ của người dân, ai đối đáp không được hoặc không hát nối tiếp được phải nhường cho người khác vào thay.

Lễ hội Thái bình xướng ca ở làng Quả Linh đúng như tên gọi đã mang tới niềm hân hoan nô nức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân địa phương và du khách thập phương, góp phần bảo tồn những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com