Mùa xuân trong thơ của các tác giả Nam Định

09:03, 11/03/2016
Mùa xuân là đề tài vô tận của thi ca. Bằng cảm xúc, sự rung động của mình, bao thế hệ làm thơ đã khắc hoạ những hình ảnh đẹp của cảnh sắc mùa xuân qua những vần thơ. Qua những bài thơ về mùa xuân, các nhà thơ đã thổi vào mùa xuân sức sống, gợi lên trong lòng người đọc những xúc động, bâng khuâng...
 
Nam Định tự hào có nhiều nhà thơ nổi tiếng sống trong thời kỳ đầu phong trào Thơ mới  như: Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ… Trong đó, Nguyễn Bính được xem là “Thi sĩ của mùa xuân” với các bài thơ: “Xuân đến”, “Thơ xuân”, “Mùa xuân xanh”, “Tết của mẹ tôi”… Đến giai đoạn sau này, mùa xuân vẫn như mạch ngầm chảy mãi để ông viết nên những bài thơ: “Thư Tết”, “Xuân nhớ miền Nam”, “Tiếng trống đêm xuân”… Cảnh vật thiên nhiên, đất trời giao mùa, luôn làm bật lên những cảm xúc tươi mới trong tâm hồn thi sĩ Nguyễn Bính. Đối với ông, bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu tuổi xuân, mỗi mùa xuân qua các tác phẩm thơ lại hiện lên đa sắc, muôn hình muôn vẻ. Nói đến mùa xuân của làng quê, thi sĩ không thể không nói đến cái mưa xuân nhè nhẹ làm rộn rã con tim yêu đương của những người đang yêu. Tác phẩm “Mưa xuân” của Nguyễn Bính là câu chuyện tình cảm của đôi trai gái với những hò hẹn: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”. Mùa xuân như có “duyên nợ” với Nguyễn Bính, bởi trong tình yêu tha thiết Nguyễn Bính dành cho con người, thiên nhiên, cuộc sống, từ ngõ xóm, đường làng, hàng cây, ruộng vườn, bến sông, con đò đều bừng tỉnh, dập dìu đầy sức xuân. Mùa xuân trong tác phẩm “Xuân về” được ông khắc hoạ thật sống động, người và cảnh thật gần gũi mà cũng thật lung linh, kỳ ảo. Những vần thơ mang những hạt mưa xuân của ngày hội làng khi hoa xoan rụng ngập tràn ngõ xóm giúp người đọc lạc vào cõi yên bình trong trẻo: “Đã thấy xuân về với gió Đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong”
 
Nếu như Nguyễn Bính được xem là “Thi sĩ của mùa xuân” thì Đoàn Văn Cừ được coi là “Nhà thơ thôn ca”. Những tác phẩm viết về mùa xuân của ông là những hình ảnh mộc mạc, giản dị của thiên nhiên và đời sống thôn quê với những làn điệu chèo, nếp nhà tranh, xóm nhỏ, bữa cơm gia đình đã gắn liền vào tiềm thức của người Việt. Tiêu biểu là các bài thơ: “Chợ Tết”, “Đám cưới mùa xuân”, “Đám hội”, “Xuân xưa và nay”, “Xuân quê bà”… Với niềm yêu đời, cái nhìn bao dung, nhân ái, bài thơ “Chợ tết” là một bức tranh về khung cảnh thiên nhiên chan hoà, sống động, lung linh với đủ các sắc màu. Đoàn Văn Cừ đã thổi hồn vào thiên nhiên, biến chúng thành những sinh thể sống: “Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa/ Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa/ Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”. Và tiếp theo là cảnh nhộn nhịp phiên chợ hiện rõ dưới bầu trời đầy ánh sáng: “Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé/ nép đầu bên yếm mẹ/ Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau”. Trong thơ Đoàn Văn Cừ luôn đề cao “thi trung hữu hoạ”. Bức tranh nào của ông cũng đầy nhựa sống, là một thế giới linh hoạt. Bài thơ “Đám cưới mùa xuân” cũng là một bức tranh như thế: “Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng/ Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh/ Dịp cầu xa lồng bóng nước long lanh/ Đàn cò trắng giăng hàng bay phấp phới”. Thơ của Đoàn Văn Cừ không chỉ là những bức tranh đầy màu sắc mà có thể còn được coi những “cuốn phim” sống động, do nhà thơ làm đạo diễn. Nhà thơ đã sắp xếp từng nhân vật, dàn từng cảnh trí cho “cuốn phim” của mình sinh động, hấp dẫn. 
Lướt qua các trang thơ xuân của các tác giả Nam Định, ngoài những thế hệ nhà thơ lớp trước với những tác phẩm gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của họ thì ngày nay, nhiều nhà thơ đã có những tác phẩm viết về mùa xuân rất thành công. Tiêu biểu là các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Trần Đắc Trung, Phạm Trường Thi, Nguyễn Hữu Tình, Bùi Công Tường, Vũ Minh Am, Đỗ Phú Nhuận, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Hồng Vinh, Hoàng Trung Hiếu, Nguyễn Thấn, Phạm Ngọc Quang, Trần Văn Lợi… Mùa xuân là mùa của hội làng, là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương. Sau một năm lao động vất vả, hội làng là dịp để mọi người dân quê tạm gác lại những lo toan, hòa mình vào không khí sum vầy và những sinh hoạt cộng đồng. Nguyễn Hồng Vinh đã rất thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của người dân khi viết những câu thơ đầy náo nức trong bài thơ “Đi chợ tầm xuân” với những ý thơ hay, liên tưởng đẹp, lãng mạn mà cũng hiện thực: “Chợ Viềng, năm có một phiên/ Trăm làng mồng tám tháng giêng hẹn hò/ Dập dìu người bán, người mua/ Dao với cuốc, giống cây vừa độ xuân”… Cũng chìm vào những suy tư, cảm nhận cái đẹp của xuân quê nhưng cảm nhận của nhà thơ Phạm Trọng Thanh trong tác phẩm “Thành Nam có một gác văn” trở nên sâu lắng hơn so với không khí của ngày hội các tác phẩm khác. Nhà thơ đã hóa thân vào những làn mưa xuân trên bến đò xưa cùng những âm thanh của tiếng gọi đò từ một thời xa vắng và làm cho tiếng gọi đò bỗng trở nên ảo diệu, động cả đất trời: “Gọi đò gọi cả nhân gian/ Câu thơ sông Lấp xanh làn mưa xuân”… Trần Văn Lợi là gương mặt thơ trẻ. Cảm xúc mùa xuân đã tạo thi hứng cho tác giả vẽ nên cảnh xuân vùng quê lãng mạn, thi vị và sâu lắng ghi dấu trong ký ức một thời. Mùa xuân trong thơ Trần Văn Lợi phần lớn là xuân ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với những vẻ đẹp của những cô thôn nữ mộc mạc, thanh khiết. Tiêu biểu là bài thơ “Mùa xuân vào phố” với những ý thơ đầy cảm nhận: “Chị gánh mùa xuân đi dọc tháng ngày/ Những giò hoa chia niềm vui khắp ngả/ Trên vỉa hè bê tông bon chen ồn ã/ Hoa đến với người bằng sự lặng im… Mùa xuân nở bừng trên con đường của chị/ Hoa vừa đi, vừa thủ thỉ toả hương…”. Tác phẩm “Lặng lẽ” đã khắc hoạ được vẻ đẹp người thôn nữ được ví như những nét xuân mới chớm, chuyên cần mà khiêm nhường, âm thầm chịu đựng mà cứng cỏi, tin yêu, đẹp như cây mạ chiêm chờ đón nắng xuân: “Lặng lẽ đồng xa, đứng dầm chân/ Non tơ lúa bén nết chuyên cần/ Em như cây mạ, lòng đang Tết/ Rễ cuối mùa đông, nõn đã xuân…”.
 
Ngày xuân, được ngắm hoa lá khoe sắc cùng đất trời nhân gian, lắng nghe tâm hồn mình qua những vần thơ xuân, mỗi người đọc chúng ta ai cũng bùi ngùi xúc động trước những sâu thẳm nỗi lòng mỗi tác giả, những rung cảm, tình yêu tha thiết với mùa xuân. Mỗi nhà thơ, mỗi tâm hồn đều gửi gắm nỗi niềm của cuộc đời vào mỗi tác phẩm của mình. Với cái nhìn tinh tế của các tác giả Nam Định đã nêu bật được vẻ đẹp của mùa xuân, đó là vẻ đẹp của con người hoà cùng đất trời thiên nhiên, cảnh vật của mùa xuân. Hương sắc của mùa xuân trong các tác phẩm hiện lên không ồn ào, náo nhiệt, không khoa trương, ầm ĩ, mà chân thành và dung dị, đằm thắm, đẹp một cách mặn mà, lan tỏa trường tồn với thời gian. Qua nhiều thế hệ, sức sống mãnh liệt của thơ ca Nam Định vẫn trường tồn cùng mùa xuân./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com