Người "thổi hồn" vào các di tích cổ

09:03, 11/03/2016

Trong căn nhà cấp 4 ở xóm 25, xã Hải Đường (Hải Hậu), chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Đại Tu - người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề chuyên phục hồi, tái chế, xây dựng các công trình kiến trúc cổ như: đền, đình, chùa, miếu, từ đường, cổng làng... Ông Tu năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn giữ được phong thái đĩnh đạc, mẫn tiệp của một người đã nhiều năm gắn bó tâm huyết với lĩnh vực xây dựng các công trình di tích cổ. Với lối  trò chuyện thân mật của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông bộc bạch về “cái duyên” đến với nghề chuyên xây dựng các di tích cổ. Là người có năng khiếu và niềm đam mê với hội hoạ, năm 1971, người thanh niên Nguyễn Đại Tu xung phong lên đường nhập ngũ, vào một đơn vị thuộc lực lượng phòng không không quân. Năm 1972, sau trận đánh trả máy bay địch tại không phận thuộc huyện Nam Sách (Hải Dương), anh bị thương và phải nằm điều trị 9 tháng. Cũng trong thời gian này, tình yêu hội hoạ có cơ hội được phát huy khi anh lang thang tìm vẽ lại những thiết kế đền, miếu gần nơi điều trị. Những nét đẹp tinh xảo của các công trình cổ, nét văn hoá của bậc tiền nhân được thể hiện qua các công trình xuyên thế kỷ đã ngấm vào anh tự bao giờ. Có thể nói đây cũng chính là cơ hội và là cái duyên đưa anh đến với nghề chuyên xây dựng các công trình cổ sau này.

Ông Nguyễn Đại Tu, xóm 25, xã Hải Đường (Hải Hậu) có hơn 30 năm gắn bó với nghề chuyên phục hồi, xây dựng các công trình kiến trúc cổ.
Ông Nguyễn Đại Tu, xóm 25, xã Hải Đường (Hải Hậu) có hơn 30 năm gắn bó với nghề chuyên phục hồi, xây dựng các công trình kiến trúc cổ.

Với niềm đam mê của mình, ông dành rất nhiều thời gian sưu tầm sách vở, tài liệu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử kiến trúc Việt cổ để nghiên cứu. Vào nghề, những con giống, hoa, trái, phượng, rồng, mây, nước trên các cấu kiện như đầu đao, kèo, xà, cửa võng, chùa, cung điện đều được ông thể hiện rõ các quan niệm triết học sâu sắc về thiên nhiên, con người rất súc tích bằng phương pháp tượng hình. Là người khó tính và cầu toàn, các công trình đều được ông cẩn thận ghi chép, ký họa tỉ mỉ từng chi tiết, hoa văn trang trí đến bố cục khuôn viên. Không thể đếm hết những ngôi chùa cổ và các pho mẫu tượng pháp, tứ linh: long, ly, quy, phượng, họa tiết hoa lá trang trí đã được ông mày mò vẽ lại, đắp và phục dựng thử trước khi xây dựng. Những công trình kiến trúc độc đáo là tư liệu quý đã in sâu vào tiềm thức, được ông truyền tải sống động trên các bản vẽ thiết kế bằng tay. Bởi theo ông, chỉ có vẽ bằng tay, bằng bút chì mới truyền tải được hết vẻ đẹp cổ kính, mềm mại của các tích cổ trong hoa văn kiến trúc của cha ông xưa.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Tu đã phục hồi, xây dựng được trên 300 công trình gồm: Đền, đình, chùa, miếu, từ đường, cổng làng... Nhiều công trình chùa, đền có quy mô lớn như: đền Nam Bình (Hải Sơn), đền Quỳnh Phương (Hải Phú), nghĩa trang liệt sĩ (Hải Đường)… cùng hàng trăm di tích từ đường, nhà thờ tổ tại các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh… được ông xây dựng. Ngoài ra, ông còn xây dựng nhiều công trình ở các tỉnh như: Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Thanh Hoá, Ninh Bình... Mỗi công trình hoàn thành đều mang đậm nét độc đáo về văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ. Những “tác phẩm” của ông là những thành quả qua nhiều ngày đêm trăn trở quên ăn, quên ngủ để làm sao các công trình sau khi trùng tu, nâng cấp, sửa chữa không mất đi thiết kế, dáng dấp của nét văn hoá truyền thống… Niềm hạnh phúc sau khi hoàn thành mỗi công trình đối với ông không đơn thuần là sự ghi nhận, là niềm vui của các tổ chức, cá nhân đã tín nhiệm giao cho ông cả công trình tâm linh của họ mà trong sâu thẳm lòng mình, ông thấy việc làm của mình đã góp phần gìn giữ những kiến trúc cổ, nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao nên nhu cầu tôn tạo, phục dựng những công trình tín ngưỡng, tôn giáo để phục vụ các sinh hoạt văn hóa, tâm linh ngày càng nhiều. “Tiếng lành đồn xa” - đội thợ xây trên 20 người do ông Tu đứng đầu làm không hết việc. Trung bình mỗi năm ông nhận làm trên 10 công trình tín ngưỡng, tôn giáo đình, chùa, miếu, nhà thờ dòng họ trong và ngoài tỉnh. Hiện, tốp thợ của ông luôn có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 6-7,5 triệu đồng/người/tháng.

Suốt mấy mươi năm “sinh nghề”, ông Tu luôn đau đáu với việc giữ và truyền nghề cho lớp thợ trẻ vì những năm gần đây không còn nhiều người trẻ ham nghề đến “quên ăn, quên ngủ” như ông thuở trước. Bởi theo “tiêu chí” chọn người của ông Tu, người kế nghiệp ông phải là người có tâm huyết với nghề, là người “say” văn hoá cổ của cha ông. Thế rồi, người cựu chiến binh cũng đã tìm được một người để truyền lại nghề. Đó là anh Nguyễn Đức Vinh - người cháu ruột năm nay gần 30 tuổi ở cùng xóm. Đi đến đâu, bất kỳ công trình nào, hai thầy trò ông Tu luôn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để ngày càng có nhiều người biết, tham gia truyền bá, gìn giữ tinh hoa quê hương, dân tộc cho thế hệ con cháu mai sau. Không chỉ tâm huyết, gắn bó với nghề phục dựng các di tích cổ, ông Tu còn là người tích cực tham gia việc đời, việc đạo. Ông là một trong những điển hình tiêu biểu có nhiều đóng góp công sức, tiền của trong phong trào xây dựng NTM và phong trào xây dựng xứ họ đạo ở quê hương. Hiện tại, ông Tu được giáo xứ Nam Đường (Hải Đường) tín nhiệm bầu làm chánh xứ, gia đình ông nhiều năm liền được bình bầu là gia đình văn hoá, gia đình Công giáo gương mẫu tiêu biểu của địa phương. Với tài năng, tâm huyết của mình, ông đang được cấp uỷ, chính quyền địa phương đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Bằng công nhận Nghệ nhân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com