Giao Phong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

08:03, 02/03/2015

Trên địa bàn xã Giao Phong (Giao Thủy) có 4 di tích được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Đình Vuông, chùa Bảo Hoa, chùa Bình An và Từ đường họ Nguyễn. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, những năm qua xã Giao Phong đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích ở Giao Phong còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Năm 2008, đình Vuông và chùa Bảo Hoa được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đình Vuông thờ Đức Triệu Việt Vương có công trong sự nghiệp quai đê, lấn biển, lập ấp. Về giá trị lịch sử, kiến trúc, Đình Vuông được xây theo hình chữ "Vương” trên diện tích 1.155m2. Trong đó, tòa thứ nhất gọi là đình trống có 3 gian xây cuốn vòm, kiến trúc kiểu “cổ đẳng” hai tầng tám mái. Chính giữa hiên tiền đường đắp họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” cùng các đầu đao uốn cong trang trí họa tiết vân án, rồng chầu. Tòa thứ hai được dựng nối liền với tòa thứ nhất gồm các hạng mục: Tiền đường, trung đường, cung cấm. Trung đường gồm 3 gian xây nối mái với tòa tiền đường có kích thước dài 8,9m, rộng 7,9m, gian giữa kiến trúc bằng gỗ lim vì kèo kiểu uốn vành mai. Trên các cấu kiện từ xà thượng, xà hạ đều được chạm khắc phong phú các họa tiết bầu rượu, túi thơ, đàn sáo xênh tiền… theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX. Điều đặc biệt nhất ở đình Vuông là công trình còn bảo tồn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, nhất là những mảng chạm khắc rất tinh xảo đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc. Tại chùa Bảo Hoa còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, trong đó tiêu biểu nhất là bia đá được khắc vào triều Nguyễn niên hiệu Gia Long năm thứ 11 (1812). Đây là tấm bia rất có giá trị, nội dung đề cập về lịch sử xây dựng chùa Bảo Hoa qua các thời kỳ. Chuông đồng treo trên Tam Bảo đúc thời Vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) là minh chứng cho niên đại khởi dựng cho di tích chùa Bảo Hoa. Khánh đồng được đúc vào thời Vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768), tạo dáng theo hình lưỡi rìu. Mặt trước khắc chữ Hán “Khánh Bảo Hoa tự ký”, chính giữa khánh đúc nổi họa tiết lưỡng long chầu nguyệt và khắc một bài minh văn gồm 53 dòng chữ. Đây là những cổ vật rất có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu làm sáng tỏ lịch sử mảnh đất và con người Giao Phong. Không chỉ là di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc, đình Vuông và chùa Bảo Hoa là những di tích liên quan đến lịch sử cách mạng, kháng chiến. Ngày 28-8-1945 tại đình Vuông, Ủy ban Cách mạng lâm thời của xã Quất Hải đã được thành lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”, đình Vuông, chùa Bảo Hoa là địa điểm tổ chức các lớp "bình dân học vụ" cho nhân dân. Ngày 6-1-1946, đình Vuông là địa điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những năm 1953-1954, đình Vuông và chùa Bảo Hoa là địa điểm dân quân du kích họp bàn phương án tấn công tiêu diệt bốt Thức Hóa, một căn cứ quân sự kiên cố của thực dân Pháp đóng trên địa bàn huyện. Ngày 17-5-1954, bộ đội chủ lực của ta được lệnh tiêu diệt bốt Thức Hóa. Sau 8 ngày vây hãm, lực lượng chủ lực của ta gồm Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 cùng với bộ đội huyện, dân quân du kích các xã: Giao Lâm, Giao Tân, Hải Yến, Giao Phong đồng loạt tổng công kích. Đến 3 giờ sáng ngày 25-5-1954, toàn lực lượng của địch đóng tại bốt Thức Hóa đã bỏ súng quy hàng, chấm dứt thời kỳ chiếm đóng của quân Pháp trên địa bàn huyện. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình Vuông và chùa Bảo Hoa còn là kho cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược.

Nghi môn Đình Vuông
Nghi môn Đình Vuông

Thực hiện Luật Di sản văn hoá, những năm qua xã Giao Phong đã thành lập Ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm và tổ chức phổ biến công khai, giúp cho người dân và du khách tham quan có thêm hiểu biết về các giá trị của di tích. Đồng chí Đặng Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, 4 di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân địa phương và bà con khắp nơi, các di tích lịch sử - văn hóa đã được tiến hành trùng tu tôn tạo với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, tại chùa Bảo Hoa, đã trùng tu các hạng mục như khu thờ Mẫu, bái đường, trung đường và tam bảo với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Chùa Bình An cải tạo, mở rộng khuôn viên, tường bao, cổng, dậu của chùa, đúc tượng với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Cuối năm 2014, đình Vuông được trùng tu, tôn tạo toàn bộ khu Giải Vũ, nâng cấp tiền đường, hậu cung với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Năm 2015, xã Giao Phong tiếp tục vận động nhân dân địa phương đóng góp kinh phí để triển khai dự án trùng tu, nâng cấp tiền đường, hậu cung của đình ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, xã còn quan tâm phát huy giá trị các di tích thông qua việc thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội gắn với các di tích. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn xã đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương đối với khách trong nước và quốc tế. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, lễ hội được tổ chức trang trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội truyền thống. Tại di tích lịch sử đình Vuông, vào ngày 15-8 âm lịch diễn ra lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hiển linh của Đức thánh Triệu Việt Vương. Nhiều dòng họ trong làng tổ chức mang lễ vật ra đình để lễ thánh. Bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống như: cờ người, leo cầu ngô, đánh đu, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, giao lưu văn hóa, văn nghệ sôi động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới xã Giao Phong tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa - thể thao dân gian lành mạnh nhằm khai thác, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com