Xây dựng đời sống văn hóa ở Tân Thành

07:01, 08/01/2015

Xã Tân Thành (Vụ Bản) nằm bên bờ sông Đào, phía đông tiếp giáp với Thành phố Nam Định, có 9 xóm với 4.876 khẩu. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả. Qua đó, đời sống văn hoá tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư của nhân dân trong xã không ngừng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lễ hội làng Tân Cốc, xã Tân Thành.
Lễ hội làng Tân Cốc, xã Tân Thành.

Đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt hiệu quả cao, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, thực hiện công tác xã hội hóa, đặc biệt là xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa như: NVH, đường giao thông nông thôn, phong trào văn hoá văn nghệ, TDTT cũng là điều kiện để thúc đẩy phong trào phát triển. Các quy trình đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Gia đình văn hóa được tổ chức thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Đến nay, cả 9 xóm của xã đều có NVH; có 8 xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ số hộ dân trong xã được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đạt trên 90%. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo và xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, giảm tai tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Toàn xã có 17 trang trại, gia trại; chuyển đổi 24ha diện tích trồng rau màu các loại cho thu nhập cao gấp hơn 2 lần trồng lúa; hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 24 triệu đồng/năm. Các đoàn thể trong xã đã lựa chọn các nội dung làm chủ đề vận động nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM. Cụ thể: Hội Phụ nữ với phong trào vệ sinh môi trường; HND với phong trào vận động hội viên góp đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi; Hội CCB với phong trào xây dựng NVH xóm xanh - sạch - đẹp và tủ sách pháp luật; Đoàn Thanh niên với phong trào học nghề và giải quyết việc làm. Năm 2014, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn xã đã triển khai bê tông hóa gần 7,5km đường giao thông liên xóm, rộng từ 2,5-3m.

Là vùng đất “trẻ”, giàu trầm tích văn hoá với gần 600 năm lịch sử mở đất, trên địa bàn xã hiện có đình làng Tân Cốc được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa. Đình được xây dựng từ thời Lê Sơ (1428-1527) thờ Linh Lang Đại vương và thờ 16 vị tổ có công khai ấp, lập làng. Đồng chí Vũ Thế Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với vị trí địa lý của đình Tân Cốc nằm gần sông Đào, có thể khẳng định tín ngưỡng thờ Đức Thánh Linh Lang Đại vương tại đây không chỉ mang ý nghĩa tôn thờ vị thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn trở thành vị thủy thần bảo trợ cho công cuộc làm ăn của cư dân vùng ven sông nước. Hiện nay, tại đình làng Tân Cốc còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật như: bia đá niên hiệu Chính Hòa 18 (năm 1697), hệ thống ngai và bài vị thờ Đức Thánh Linh Lang Đại vương, kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Hằng năm, tại đình làng Tân Cốc diễn ra nhiều lễ hội với các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian truyền thống: “Lễ tống cựu, nghinh tân”, “Lễ thượng điền”, “Lễ hạ điền”, “Lễ thường tân” (cơm mới). Vào ngày 10-3 âm lịch, nhân dân trong xã mở hội làng với phần lễ và phần hội trang nghiêm, nhằm tri ân công đức của Đức Thánh Linh Lang Đại vương và “Thập lục Gia tiên” đã có công khai lập và bảo vệ làng, xã. Quy mô và không khí lễ hội được tổ chức theo nếp sống mới vừa trang trọng, văn minh, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có tai, tệ nạn như bói toán, mê tín, cờ bạc.

Để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin, duy trì thực hiện quy ước nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa của các thôn, xóm, xây dựng các sân chơi, bãi tập, các NVH theo tiêu chí NTM./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com