Giữ gìn hồn quê Việt

02:02, 02/02/2012

Trong bữa cơm “hóa vàng” đầu Xuân Nhâm Thìn, mẹ tôi tỏ ra áy náy khi thấy thiếu mấy sợi lá chanh để làm gia vị chấm thịt gà! Sớm Xuân, chợ chưa kịp họp, trong làng cũng chẳng còn nhà nào trồng cây chanh. Bây giờ quả và lá chanh người ta mang từ miền ngược xuống, nhập từ nước ngoài về nên mọi thứ phải ra chợ - Mẹ tôi bảo thế!

Từ chuyện “lá chanh đầu năm”, tôi bỗng liên tưởng đến một thực tế, rất nhiều vùng nông thôn hiện nay đang phôi pha hoặc thiếu đi những cảnh sắc, vật dụng, nếp sống thuần Việt. Những làng quê vùng Bắc Bộ ngày càng ít đi những rặng tre đằng ngà lao xao trong gió. Nhiều vùng đất chiêm trũng Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định… vào cữ tháng hai, tháng ba âm lịch, đã hiếm cảnh “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Vẫn là những cánh đồng tít tắp năm xưa, nhưng nay vắng bóng trẻ mục đồng. Xuân về, nhiều “người quê” không biết gói bánh chưng, không được hưởng cái không khí chộn rộn, đượm hồng, cay nồng khóe mắt bên nồi bánh chưng nghi ngút khói…

Dĩ nhiên, sự thay đổi phát triển theo hướng tiên tiến, văn minh, hiện đại là điều tất yếu ở mỗi làng quê Việt. Sẽ không thể lưu giữ mãi hình ảnh (dù rất lãng mạn) khói bếp lam chiều bảng lảng mái nhà tranh! Bởi thế, chiếc kiềng, đụn rơm, đụn rạ, thùng trấu phải được thay thế bằng bếp điện, bếp ga, lò vi sóng… Thế nhưng, nếu chặt hết cả rặng tre, cây xoan, cây đa; lấp và phá hết ao làng, giếng làng, cổng làng; mổ thịt hết cả trâu, bò cày ruộng; thiếu tiếng gà gáy sáng, tiếng trống chèo, điệu “lới lơ”… thì sẽ thiếu hẳn chất quê trong làng. Điều quan trọng hơn, những nếp sống, tập tục cổ truyền vẫn còn hữu ích, sâu sắc, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại, cũng sẽ bị phôi pha và mất dần như những lũy tre xanh.

Bộ mặt nông thôn Việt Nam hiện đã và đang từng ngày đổi thay nhờ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, địa phương và sự tham gia của chính người dân. Để giữ “hồn quê Việt trong nông thôn mới”, nhiều địa phương đã tính toán, quy hoạch một cách phù hợp; biết gìn giữ những cảnh quan mang dấu ấn làng quê như “cây đa, bến nước, sân đình”; dành đất để trồng cây xanh (ưu tiên cây bản địa thuần Việt), giữ giếng làng, cổng làng và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể... Xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình), có một cách làm sáng tạo của việc giữ gìn "vốn cổ". Đó là khi xây dựng nghĩa trang mới, đã không cực đoan di dời toàn bộ mồ mả ở nghĩa địa cũ, mà khoanh vùng lại như một “bảo tàng nghĩa địa”, sau đó trồng cây theo hướng “có rặng tre xanh, có hàng liễu rủ”. Còn khu nghĩa trang mới sẽ được xây dựng mới đúng theo tiêu chí quốc gia. Vậy là vẹn cả đôi đường…

Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn, gìn giữ những cảnh vật, diện mạo, hương sắc làng quê vốn có. Hiện, nhiều cá nhân đã mạnh dạn xây dựng kho lưu trữ, “bảo tàng vật dụng làng quê” để nhiều người chiêm ngưỡng, tham quan, góp phần giáo dục truyền thống. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi người phải biết trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của chính gia đình mình, làng quê mình - giữ được tập tính, nếp quê chân chất, đậm đà, thủy chung như tổ tiên bao đời./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com