Mừng thọ: Nét văn hoá ngày xuân

08:01, 30/01/2012

Mừng thọ người cao tuổi (NCT) từ lâu là một nghi thức và là một nét đẹp trong đời sống văn hoá mang nhiều ý nghĩa, trước hết thể hiện truyền thống, đạo lý “kính già”. Đây là dịp con cháu, cộng đồng, xã hội tỏ lòng hiếu kính, tri ân người đã có công sinh thành, dưỡng dục, có nhiều đóng góp cho làng xã, quê hương, xã hội.

Lễ mừng thọ. Ảnh: Khánh Ngọc
Lễ mừng thọ. Ảnh: Khánh Ngọc

Đã thành truyền thống, hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, cấp uỷ, chính quyền, Hội NCT các địa phương trong tỉnh phối hợp cùng gia đình lại tổ chức những nghi lễ vừa trang trọng vừa ấm cúng mừng thọ NCT. Tuỳ đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, gia đình mà lễ mừng thọ được tổ chức với hình thức, quy mô khác nhau nhưng đều có một điểm chung đây là dịp con cháu, anh em, họ hàng, làng xóm xa gần cùng quây quần, sum họp, cùng bày tỏ lòng thành kính, tri ân ông bà, cha mẹ, bậc cao niên. Ông Lương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội NCT xã Nam Cường (Nam Trực) cho biết: Xã hiện có 933 NCT, trong đó Xuân Nhâm Thìn này có 27 cụ tròn 70 tuổi, 21 cụ tròn 80 tuổi, 14 cụ tròn 90 tuổi. Theo tục lệ địa phương, các cụ này đều được cấp uỷ, chính quyền, Hội NCT và gia đình phối hợp tổ chức lễ mừng thọ vào ngày 4 Tết. Riêng thôn Ngưu Trì, tổ chức lễ mừng thọ cho NCT vào đầu tháng 2 âm lịch gắn với ngày hội làng. Theo đó, đầu giờ sáng, con cháu đưa rước các cụ đến nhà văn hoá thôn. Mở đầu buổi lễ là những hoạt động văn nghệ như hát múa, ngâm thơ; tiếp đó đại diện cấp uỷ, chính quyền địa phương phát biểu bày tỏ sự tri ân những đóng góp xây dựng làng xã, quê hương của các cụ; trao tặng các cụ khăn, áo đỏ, giấy chúc thọ của Hội NCT Việt Nam. Trong trang phục áo đỏ, khăn đỏ, các cụ lại được con cháu đưa rước về nhà, tiếp tục tổ chức các nghi lễ tri ân tổ tiên, liên hoan mừng thọ cha mẹ, ông bà. Từ tối hôm trước, con cháu, anh em, họ hàng, làng xóm đã quây quần dành cho ông bà, cha mẹ, bậc cao niên những lời chúc tốt đẹp; biếu, tặng những món quà gửi gắm nhiều tình cảm, ý nghĩa. Giấy Mừng thọ sau đó thường được các gia đình treo trang trọng trong nhà, coi đó là niềm tự hào của gia đình về lòng hiếu thảo của con cháu với ông, bà, cha mẹ.

Không chỉ duy trì, tổ chức tốt hoạt động mừng thọ NCT, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền, Hội NCT các cấp trong tỉnh và các gia đình còn có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm, chăm sóc, động viên NCT. Các chính sách của Nhà nước dành cho NCT đều được các cơ quan của tỉnh tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời. Toàn tỉnh hiện có 46.716 NCT từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được nhận trợ cấp với mức 180.000 đồng/tháng. Trong dịp Tết Nhâm Thìn, NCT tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 tuổi được ngân sách Nhà nước trợ cấp tiền Tết. Những người tròn 100 tuổi được nhận quà của Chủ tịch nước, những người tròn 90 tuổi được nhận quà của Chủ tịch UBND tỉnh... Được sự quan tâm của gia đình và xã hội, hầu hết NCT trong tỉnh đều sống gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Hội NCT, nhất là phong trào khuyến học, xây dựng nếp sống văn hoá, đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn. Nhiều người được cấp uỷ tín nhiệm giao phụ trách cho các hội đoàn thể, luôn nhiệt tình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, chúng ta không khỏi băn khoăn khi đó đây mỹ tục mừng thọ NCT ít nhiều đang bị lạm dụng, làm mất đi ý nghĩa đích thực. Những năm trước, lễ mừng thọ thường được tổ chức đơn giản, chỉ tiệc ngọt, trà nước, trầu cau… nhưng trang trọng, vui vẻ và ấm áp. Trong ngày lễ này, con cháu, họ hàng, xóm giềng, hàng phố… cùng tụ hội để chúc cho người cao niên khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi. Có gia đình tổ chức tiệc mặn, song cũng chỉ là một vài mâm cơm. Lễ vật, quà tặng thường chỉ là tấm lụa, áo quần… chứ ít ai mang tiền đi mừng hoặc có mừng tiền thì cũng chỉ là tượng trưng một chút lấy may. Vậy nhưng, hiện nay có tình trạng nhiều địa phương, gia đình đua nhau tổ chức lễ mừng thọ rất phô trương hình thức và khá rườm rà, tốn kém. Có gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ mà cũng in thiệp mời, cũng tiệc mặn, ngọt kéo dài đến vài ngày. Đáng phê phán nhất là một số gia đình ngày thường con cháu thiếu sự quan tâm, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ thậm chí ngược đãi nhưng tổ chức lễ mừng thọ rất “hoành tráng”, chỉ với mục đích phô trương với làng xóm, khu phố. Những biểu hiện trên rất cần cộng đồng, xã hội lên án để trả lại ý nghĩa đích thực của mỹ tục này./.

Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com