Xây dựng nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích: Muộn còn hơn không!

09:01, 13/01/2012

Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học trên một số lĩnh vực cho rằng, cuộc hội thảo khoa học xây dựng nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam, do Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Vụ Đào tạo (Bộ VH, TT và DL) tổ chức ngày 10-1 tại Hà Nội là muộn so với sự đòi hỏi của thực tiễn, nhưng “muộn vẫn còn hơn không làm”.

Không chuyên sâu, nhận thức còn khác nhau và phân tán

Dù đã được báo động từ khá lâu nhưng đến thời điểm này những cơ quan có trách nhiệm mới tiến hành tổ chức được hội thảo khoa học. Khách quan mà nói, đây là động thái rất quan trọng nhằm đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển nguồn lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở nước ta với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học tham dự hội thảo đều cho rằng, nguồn nhân lực trong công tác bảo tồn di tích là vấn đề khá nhạy cảm nhưng ban tổ chức hội thảo đã không hề né tránh mà dám nhìn thẳng vào sự thật vốn dĩ đang có nhiều tồn tại, hạn chế để cùng nhau đề xuất những kiến nghị, giải pháp với cấp có thẩm quyền.

Cũng vì lẽ đó mà ngay trong phần đầu báo cáo đề dẫn của mình, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhấn mạnh, trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt quan trọng và hết sức cấp bách vì đây là lĩnh vực có tính đặc thù cao, đồng thời lực lượng thực thi trong lĩnh vực này ở nước ta còn quá mỏng và hạn chế về chuyên môn, năng lực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo chưa đảm bảo chất lượng hoặc không tuân thủ các nguyên tắc của lý thuyết bảo tồn…, nhưng trong đó có một nguyên nhân cơ bản là năng lực quản lý và thực thi bảo tồn di tích còn hạn chế, không chuyên nghiệp. Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên nghiệp của những người có trách nhiệm cả trong lĩnh vực quản lý, giám sát và bảo tồn di tích đã dẫn đến chất lượng trùng tu còn gặp nhiều vấn đề.

Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần.  Ảnh: Pv
Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần.
Ảnh: Internet

PGS.TS Trương Quốc Bình nói rằng, lâu nay việc quan tâm xây dựng đào tạo nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích cũng đã được chú ý với nhiều hình thức triển khai khác nhau nhưng nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. Và cuộc hội thảo sẽ giúp chúng ta nhận diện được rõ nét hơn về thực trạng của đội ngũ này. Theo ông Bình, hiện nay trong một số trường đại học cũng có chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực này song chỉ mới dừng lại trên lý thuyết chứ chưa có thực hành theo đúng quy trình tu bổ nên chất lượng chưa cao. Số khác thì học chuyên ngành kiến trúc, xây dựng nhưng lại chưa được “bổ túc” sâu về kiến thức lịch sử, văn hóa, khảo cổ, mỹ thuật truyền thống. PGS Bình nhấn mạnh, quả thật sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đang là một thực tế đáng báo động.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu, hệ quả là có biểu hiện nhận thức khác nhau về nguyên tắc và quan điểm bảo tồn di tích; tính chuyên nghiệp chưa cao, nói cách khác chúng ta đang nghiệp dư hóa và lực lượng phân tán; người được đào tạo, tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn di tích phần lớn không được sử dụng đúng chuyên môn, thậm chí trở thành người ngoài cuộc đối với các dự án bảo tồn di tích ở nhiều địa phương; bảo tồn di tích là lĩnh vực đặc thù, nhưng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực này.

Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học và quản lý tham dự hội thảo đều đồng thuận khi cho rằng, “bức tranh” nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở nước ta đang vừa thiếu và yếu, vì vậy cần phải có những giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài. Nếu không xúc tiến nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực cả về bộ phận quản lý, thẩm định cho đến đối tượng trực tiếp thi công thì sẽ phải nhận lấy những hệ quả khó lường. Đó là nhiều di tích sẽ bị biến dạng hoặc bị làm mới.

Cần mở mã ngành đào tạo về bảo tồn di tích

Một số trường đại học hiện nay có tổ chức đào tạo chuyên ngành về bảo tồn di tích nhưng cũng chỉ dừng lại trên lý thuyết; hoặc có đào tạo về bảo tàng, khảo cổ học nhưng rất ít người được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn di tích, kiến thức thực tiễn rất hạn chế, ít phát huy được những kiến thức học được ở nhà trường vào việc thẩm định, giám sát thi công các dự án bảo tồn di tích. Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học đề nghị nên mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về bảo tồn di tích trong một số trường đại học. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, từng bước xây dựng Viện Bảo tồn di tích hiện nay thành một Trung tâm đào tạo chuyên ngành về bảo tồn di tích ở Việt Nam. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn hoặc dài hạn; tổ chức truyền nghề ngay tại những công trình đang thi công; nghiên cứu, tổ chức cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài để sau này trở thành những chuyên gia có năng lực trong vấn đề này.

Trả lời câu hỏi, cần phải làm gì để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, trở thành lực lượng nòng cốt, có trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao trên lĩnh vực này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng, trước hết phải thống nhất nhận thức: Bảo tồn di tích là hoạt động khoa học mà đối tượng nghiên cứu là di sản văn hóa, là tài sản vô giá của cha ông để lại… Thứ nữa là đổi mới mang tính đột phá về quản lý, tổ chức, đào tạo nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Một số ý kiến khác đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị, Cty có chức năng trong việc bảo tồn di tích, sau đó tiến hành đề xuất cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Bởi đây là vấn đề đã được quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Mặc dù luật đã quy định và có hiệu lực hơn một năm nhưng cho đến nay chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào được cấp chứng chỉ./.

Theo: baovanhoa.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com