Nghệ nhân dân gian và sự phát triển văn hóa

09:01, 13/01/2012

Năm 1989, trong một kỳ họp tại Pa-ri (Pháp), đề cập tới vai trò của các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, UNESCO đưa ra khái niệm “báu vật nhân văn sống”, qua đó kêu gọi các nước cần tôn vinh, có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Hơn mười năm nay ở Việt Nam, với việc trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, chúng ta không những đã ghi nhận công lao của các nghệ nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hóa tinh thần khác nhau, mà từ đó từng bước hoạch định, khôi phục nhiều tài sản văn hóa quý báu của cha ông để lại, như GS, TS Tô Ngọc Thanh khẳng định: “Đó là thứ văn hóa nằm trong ký ức xa xôi, tiềm ẩn trong trí nhớ của con người... Đó là một trong những cách tôn vinh chủ thể văn hóa dân tộc trong dòng chảy hội nhập, để nhận ra bản sắc riêng trong thế giới văn minh vật chất hôm nay”.

Một tiết mục của phường rối nước Nam Chấn (Nam Trực).
Một tiết mục của phường rối nước Nam Chấn (Nam Trực).

Trong quá khứ, khi xã hội chưa có các phương tiện truyền thông, đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp chưa ra đời, nghệ nhân dân gian chính là chủ thể của quá trình sáng tạo - truyền bá các tài sản văn hóa phi vật thể: từ điệu hát, câu hò trong sinh hoạt hằng ngày đến hoạt động văn hóa tinh thần có quy tắc và tổ chức chặt chẽ như ca trù, hát quan họ, hát xoan, hát ví dặm, đàn ca tài tử, ca bài chòi... Các tài sản văn hóa ấy được trao truyền, sáng tạo và bổ sung trong tiến trình lịch sử, trở thành các tài sản văn hóa mà bản chất là sự tích tụ giá trị biểu thị cho thế giới tâm hồn và khả năng sáng tạo thẩm mỹ của cộng đồng địa lý - dân cư, góp phần làm nên sự phong phú, độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc. Trên thực tế, hầu như các thế hệ nghệ nhân không có văn bản ghi chép, nhưng sự gắn bó với văn hóa cộng đồng, nhiệt huyết và trí nhớ, đã giúp họ giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự sáng tạo - truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với sự phát triển, ngày nay sinh hoạt văn hóa tinh thần của xã hội đã phát triển vượt bậc so với trước đây, trong đó nổi lên là sự tiếp xúc, tiếp thu một số hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật từ nước ngoài, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống phương tiện truyền bá đa dạng, hiện đại. Tuy nhiên sự hấp dẫn, tính cập nhật và cả thói "vọng ngoại" trong sinh hoạt văn hóa tinh thần hiện đại luôn chứa đựng trong đó khả năng lãng quên, thậm chí là làm mai một các giá trị văn hóa tinh thần vốn là điểm tựa, là dấu ấn, là biểu thị của bản sắc dân tộc. Trong đó nổi lên hiện tượng thế hệ trẻ không gắn bó với hoạt động nghệ thuật truyền thống, từ đó làm cho quá trình truyền nghề của nghệ nhân dân gian bị đứt đoạn, mà nghệ nhân thì ngày càng già đi, đội ngũ ngày càng vơi mỏng, và đã có một số hoạt động văn hóa tinh thần truyền thống đứng trước nguy cơ thất truyền. Đây thật sự là một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết kịp thời, để vừa bảo tồn di sản văn hóa tinh thần của cha ông, vừa góp phần tạo lập "điểm tựa" giúp văn hóa nghệ thuật Việt Nam vững bước đi trên con đường từ truyền thống đến hiện đại. Trên diện rộng của vấn đề, đây không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa, còn là nhiệm vụ của chính quyền địa phương nơi nghệ nhân dân gian sinh sống. Bên cạnh sự tôn vinh, sưu tầm và ghi chép tài liệu, cần chăm lo cuộc sống, tạo điều kiện để nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo, đồng thời trao lại cho con cháu những giá trị văn hóa quý báu mà nghệ nhân tích lũy được./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com