Đừng để biến chất một mỹ tục

02:12, 29/12/2011

Đó là mỹ tục tặng quà, biếu quà nhân dịp lễ tết hay một dịp trọng nào đó của người thân, người ta biết ơn. Lễ khinh nhân ý trọng, những thứ quà tặng hay biếu đó không nặng về giá trị vật chất mà để thể hiện tình cảm, thái độ với người nhận. Biếu thầy giáo, thầy thuốc con gà, đấu gạo nếp nhân giỗ tết nhà thầy. Biếu cơi trầu, quả cau cảm ơn người cho câu đối thờ (Gọi có cơi trầu mang cúng cụ. Xin đôi câu đối để thờ ông - Nguyễn Khuyến). Bạn tặng nhau một chậu hoa trà nhân ngày tết để mừng xuân hoặc hàm một thâm ý (Tết đến người cho một chậu trà. Đang say ta chẳng biết rằng hoa - Nguyễn Khuyến).
Nhưng bây giờ đang dần khác. Ngoài vẻ đẹp của phong tục vẫn giữ được (phần nhiều trong giới trẻ) như học trò tặng hoa thầy cô giáo; bạn nam tặng bạn nữ thiệp hoặc hoa nhân ngày phụ nữ… tục tặng quà bị lợi dụng trở thành một cách hối lộ công khai, một kiểu tham nhũng hợp pháp của không ít người.

Thủ đoạn hối lộ, tham nhũng ngày một tinh vi. Không cần phải dính dáng vào dự án, bớt xén công quỹ, chia chác nhau lôi thôi, có nhân chứng, vật chứng không an toàn, giờ đây muốn gặp mặt cũng phong bì, xong việc phải có quà, không chữ ký, không người chứng kiến, thế là xong. Cũng không cần nóng vội. Chỉ biết còn vướng nợ, khi nào có dịp thì trả, không trả sẽ rất khó bề làm ăn nên hai bên đều nhớ, đều thỏa thuận ngầm sòng phẳng. Những dịp ấy là tết nhất, ma chay, cưới hỏi nếu không tiện những dịp ấy thì thác bệnh để có một cú đi bệnh viện là xong.

Chưa khi nào cơ quan pháp luật niêm phong các phong bì, túi quà trong dịp tết nhất, hiếu hỉ hay vào tận giường bệnh để bắt quả tang (và muốn làm điều đó cũng không được phép) nên trong khi các cơ quan bảo vệ pháp luật nhọc công thành lập hết đoàn thanh tra đến đoàn kiểm tra thì tham nhũng, hối lộ vẫn diễn ra giữa ban ngày ban mặt.

Một phong bì “chúc anh chóng bình phục” nhét nhẹ nhàng dưới gối giường bệnh hoặc để lẫn trong túi hoa quả mừng có giá ngàn đến vài trăm ngàn đôla, một hộp bánh trong đó chứa số tiền, vàng giá trị hàng triệu hộp bánh, coi như “thanh toán xong một phi vụ”, nhẹ nhàng mà an toàn.

Năm nọ, có một vị chủ tịch một tỉnh miền núi gây xôn xao dư luận vì đã trả lại 1 tỷ đồng tiền mừng Tết. Không chỉ thuận chiều ca ngợi sự liêm khiết, người ta suy ra bao nhiêu điều rất không lợi cho những người tương tự như vị chủ tịch này. Tỉnh miền núi nghèo đã vậy, miền xuôi là bao nhiêu? Rút kinh nghiệm từ đó, việc nhận quà biếu vẫn nhận nhưng khai ra như vị chủ tịch nọ thì năm nay chắc là không.

Vì thế mặc dù năm nào cũng có sự nhắc nhở nhưng cứ  dịp gần Tết, việc tặng quà, biếu quà lại rầm rộ và dịch vụ sản xuất, kinh doanh quà biếu và “độn theo” quà biếu (rượu, bánh, chocolate, hoa quả, túi đựng…) lại sôi động mùa làm ăn.

Người viết bài này đã chứng kiến một cán bộ nọ đã chuẩn bị vài chục túi quà, người thấp nhất là tổng giám đốc. Cũng người viết bài này khi đến thăm một vị nọ tình cờ qua khu bếp thấy có gần trăm túi quà (đã rút phong bì) còn nguyên đó, chưa ai động vào rượu, táo, nho, kẹo bánh và cả thiệp mừng năm mới.

Tặng quà, đó là một phong tục đẹp, chắc sẽ còn mãi trong cuộc sống. Nhưng làm sao để việc tặng quà không bị lợi dụng trở thành chuyện đưa hối lộ và nhận hối lộ, chuyện tham nhũng, bòn rút của công. Chuyện thật khó, nhưng không thể không làm./.

Theo: cand.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com