Văn hóa năm 2011: Những đốm sáng và đôi khoảng mờ

02:12, 29/12/2011

Năm 2011, rất nhiều sự kiện văn hóa đã len lỏi đến với từng người dân, rồi lan ra khắp đất nước. Thực tế này cho thấy thật rõ rằng, nếu những nhóm nhỏ là khát vọng đơn lẻ linh hoạt thì việc kết chúng lại sẽ mang đến sức mạnh cộng đồng văn hóa vững chắc. Và đây hẳn cũng chính là điều các nhà quản lý văn hóa đã phần nào làm được trong năm qua.

Lấp lánh không gian nhỏ lẻ...

"Trượt" danh sách mười sự kiện âm nhạc của năm, nhưng những đêm diễn của Không gian âm nhạc vẫn là điều ấm lòng với các nghệ sĩ thực hiện, và sự tự hào được tham dự với người từng xem. Sự ngọt ngào của Nguyên Thảo, cá tính của Trọng Lý, trải đời của Tuấn Ngọc, ma quái của Tùng Dương... đều được pha trộn hợp lý trong một không gian nhỏ, rất nhỏ.

Một buổi hòa nhạc trên phố Lý Thái Tổ.
Một buổi hòa nhạc trên phố Lý Thái Tổ. (ảnh: Internet)

Ở đó, âm nhạc được tôn vinh bằng sự sắp đặt "thêm chút thì thừa, bớt chút thì thiếu" của ánh sáng, không gian. Nhưng nó cho thấy sự tồn tại của một lớp khán giả có gu thẩm mỹ tốt dù hơi nghiêng cổ điển. Nó cũng cho thấy hướng mở của những hoạt động nghệ thuật tạm coi như cao cấp - nơi nghệ sĩ có thể làm thứ nghệ thuật sang trọng mà tiền thu vào vẫn đủ sống. Đây cũng chính là điều kiện để những chương trình chất lượng có thể tồn tại.

Một điểm nhấn khác tuy le lói nhưng đã để lại dấu ấn của nó trong Cặp đôi hoàn hảo - một trong những trò chơi truyền hình đình đám của năm. Trong đêm hát nhạc kịch, có đến hai nhóm thi đã viện đến sự trợ giúp của nhạc sĩ Hà Quang Minh. Người quản lý cũ của Hồ Ngọc Hà, cũng là người đã giúp phòng trà We (TP Hồ Chí Minh) dựng "Thằng gù nhà thờ Đức Bà". Trong những đêm ở phòng trà, vở nhạc kịch này tuy có tiếng vang nhưng chưa đủ để hút khách. Mặc dù vậy, với sự tiếp sức của truyền hình, Trấn Thành - Đoan Trang đã mang âm hưởng của nó đi xa hơn. Chưa kể, cặp đôi Văn Mai Hương - Phạm Văn Mách cũng nhờ tới Minh trong tiết mục của mình. Đủ để thấy, những xu hướng nhỏ, nhưng độc đáo, có thể vươn mình ra xa đến đâu.

Nếu như việc phát triển thẩm mỹ âm nhạc là những điều nhà quản lý còn loay hoay thì những điểm sáng nhỏ mà rực rỡ như dàn nhạc giao hưởng Việt Nam vào Nhà hát Lớn Nga, Nhà hát New York và Boston Mỹ là những điều còn mãi ấm lòng, hay những buổi hòa nhạc trên phố Lý Thái Tổ với những giọng ô-pê-ra hàng đầu đã bắt đầu thu hút công chúng Thủ đô. Nó cũng đến từ những tập thể nhỏ, những con người kiên cường bám trụ với nhạc cổ điển trong gian khó của đời sống nghệ sĩ.

Nhiều khởi sắc khác của văn hóa nghệ thuật cũng đến từ những không gian nhỏ. Sàn Art đã hoạt động với những triển lãm thu hút người xem, từ đó hút thêm cả tranh luận nghề nghiệp. Những không gian nghệ thuật phi lợi nhuận như Nhà sàn Đức, Chap collective... vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tuy còn thưa. Các nhóm múa nhỏ vẫn tiếp tục ra đời, tự xoay xở để phát triển khuynh hướng múa mà mình mong muốn xây dựng. Chính vì thế, liên hoan nghệ thuật múa hồi giữa năm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sự trở về nhen lửa của rất nhiều biên đạo làm việc lâu năm tại nước ngoài.

Thâm trầm vinh danh lớn

Nếu những không gian nhỏ lẻ cho những nét nhạc vui thì những vinh danh lớn lại để lại sau nó nhiều âm hưởng trầm tư đáng suy ngẫm.

Ngay sau chiến thắng rực rỡ của thành nhà Hồ tại "đấu trường" di sản văn hóa thế giới, người ta đã phải tính đến chuyện bảo tồn, đưa di sản này đến với công chúng ra sao. Vấn đề là, điều này rất khó. Khó khi ngành du lịch chưa tính ra cách phân chia lợi ích khai thác di sản với người dân để họ thấy cái lợi của mình khi chung tay gìn giữ không gian ấy. Khó khi cơ hội quảng bá du lịch đến mà ta chưa tận dụng được nhiều.

Với vịnh Hạ Long cũng vậy. Giá tham quan đã đột ngột tăng ở đúng thời điểm nhạy cảm ngay sau khi điểm du lịch này trở thành kỳ quan thế giới mới. Giá cũng tăng ngay khi người người lớp lớp đã nhiệt tâm ủng hộ Hạ Long. Bao nhiêu trong số khách sẽ phải trả thêm tiền lại chính là người đã nhắn tin ủng hộ Hạ Long. Quan trọng hơn, những hình thức dịch vụ có thể sinh lợi ở Hạ Long lại chưa hề được đa dạng hơn, nâng cấp lên.

Liên hoan ca trù có lẽ là khúc ca buồn cho nghệ thuật này. Hai năm từ khi trở thành di sản văn hóa thế giới, sự phát triển sau đó của ca trù vẫn chỉ lẹt đẹt ở mức phong trào. Phong trào là cần thiết, nhưng tinh hoa của ca trù - điều thế giới tôn vinh, có thể theo các nghệ nhân ra đi bất cứ lúc nào. Họ vẫn cặm cụi đàn hát một mình, không sự hỗ trợ để có thể thu hút học trò chân truyền. Nhìn ca trù, người ta có quyền hoài nghi về việc bảo tồn hát xoan - di sản âm nhạc mới được vinh danh năm qua, cho dù việc bảo tồn hát xoan được coi là khả quan hơn nhiều.

Cũng chuyện truyền dạy, trước đây cũng từng có những lớp học truyền dạy cổ nhạc như thế, nhưng với sự tài trợ của nước ngoài. Nói chuyện tài trợ nước ngoài, lại nghĩ đến mấy vở diễn như Người đi qua thung lũng (Đức), Tất cả đều là con tôi (Mỹ), Angromake (Pháp). Những vở diễn đông kín nhà hát, có triết lý để xem như thế, nếu không có tài trợ thật khó lòng thấy trên sân khấu Việt.

Vẫn biết là khó, nhưng cái khó của nhà quản lý cũng vợi đi nhiều bởi nhìn vào những đốm sáng văn hóa lấp lánh, vẫn thấy sự nặng lòng của nhiều người với văn hóa nước nhà./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com