Đề tài lịch sử in bóng trên các trang văn Nam Định

09:12, 23/12/2011

Lịch sử là ký ức tâm linh, là vang bóng thời đại, là niêm giám những sự kiện và danh nhân tiêu biểu trong quá khứ dân tộc.

Văn học Việt Nam có bề dày truyền thống viết về đề tài lịch sử cách đây hàng ngàn năm. Từ thuở Hồng Bàng, Hùng Vương, Lạc Long Quân đã để lại dấu ấn trên hàng trăm trang viết của “Việt điện U linh, Lĩnh Nam Chích quái”. Từ đó đến nay đề tài này chưa bao giờ thiếu vắng trên trang văn, truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa truyền thống của dân tộc.

Nối tiếp các nhà văn lớp trước, những năm qua các nhà văn Nam Định tiếp tục có những sáng tác về đề tài lịch sử. Hầu như nhà văn nào cũng có một tác phẩm thể hiện sự cộng hưởng cảm hứng của một dân tộc chiến thắng vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh lớn, thể hiện tâm lý tự cường dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tiêu biểu là nhà văn Đặng Huy Hải Lâm, người đã đắm say trong lịch sử các triều vua nhà Trần để viết năm cuốn tiểu thuyết lịch sử với gần hai ngàn trang văn. Đó là: Đức Thánh Trần và quê hương Bảo Lộc; Đức Thánh Trần thời thơ ấu (Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam); Bài ca Sát Thát; Thống Quốc Thái sư Trần Thủ Độ và tiểu thuyết mới xuất bản là “Cây tùng đen trong giông bão”. Những tác phẩm này đã tái hiện được vai trò danh nhân anh hùng dân tộc, trở thành biểu tượng cho hào khí Đông A ở tầm vóc “quốc huy”. Còn nhà văn Trần Kim Lung, với lợi thế là cán bộ cách mạng lão thành đã viết thành công tập truyện ngắn Trăng Rằm dày trên 300 trang đoạt giải thưởng Lương Thế Vinh lần thứ V. Nhân vật trong Trăng Rằm được gợi tứ từ những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định như đồng chí Nguyễn Hới, Thường vụ Trung ương Đảng lâm thời, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Nam Định; Trần Văn Lan - người lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân Việt Nam…

Tìm hiểu những sáng tác thể tài lịch sử của các nhà văn Nam Định có thể nhận thấy những bước chuyển tiếp, giao thoa và phát triển đáng ghi nhận. Những tác phẩm này thường lấy danh nhân làm đối tượng phản ánh, lấy tiểu sử và sự kiện làm cốt truyện và theo sát tính chính xác của các biến cố, sự kiện lịch sử, không tô vẽ, hư cấu quá xa sự thật…
Bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp tâm lý sáng tạo nghệ thuật, biên giới của tưởng tượng, tâm lý tiếp nhận lịch sử, khả năng phát triển của thể tài, đặc biệt là hình thức nghệ thuật sinh động hấp dẫn, các nhà văn Nam Định đã giúp người đọc định hướng nhận thức một cách sâu sắc, toàn diện hơn về quá khứ, rút ngắn khoảng cách thời gian lịch sử khiến con người hôm nay cảm thấy gần gũi với cha ông.

Kết quả trên là do đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng mở rộng, khuyến khích việc bảo tồn, phát huy truyền thống dân tộc, khiến cho tâm thế sáng tác “hướng về cội nguồn” ở các nhà văn Nam Định có dịp nảy nở, phát triển. Họ không còn phải quá băn khoăn, ngập ngừng khi lựa chọn nhân vật, vấn đề, giọng điệu và bút pháp nữa, mà chỉ tập trung vào thể hiện cảm hứng dạt dào để kết tinh thành tác phẩm.
Hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, Hội VHNT tỉnh quy tụ đội ngũ nhà văn viết về đề tài này, đầu tư để họ có điều kiện phát huy sở trường, tiềm năng viết về đề tài lịch sử - một đề tài khá hóc búa với những nhà văn trẻ. Độc giả Nam Định hy vọng sẽ được chào đón nhiều tác phẩm mới với nội dung và hình thức nghệ thuật mới của các nhà văn Nam Định viết về đề tài lịch sử./.

Nguyễn Đức Hoè
(Trưởng bộ môn Văn xuôi - Hội VHNT tỉnh)
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com