Dưới bóng nhà từ đường

03:12, 15/12/2011

Kinh tế - văn hóa phát triển, cuộc sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, giữa bao điều mới mẻ đang diễn ra, chúng ta vẫn thấy những ngôi từ đường mới được xây dựng hoặc được trùng tu, thể hiện tấm lòng nhớ ơn người đi trước.

Nhà từ đường đã có từ xa xưa, có lẽ từ khi chúng ta có nghĩa gia tộc và có tục thờ cúng tổ tiên. Phần nhiều các nhà từ đường xưa đều được xây dựng bằng gạch, theo lối kiến trúc đình miếu: chạm trổ ở nóc (thường là hình mặt nhật hay hình mặt nguyệt), góc mái hình lưỡi đao; phía trước có sân gạch, hàng rào, cổng ngõ; phía sau có công trình phụ và vườn tược. Nội thất của nhà từ đường rộng rãi với nhiều đồ chạm trổ kỳ khu và sơn son thếp vàng rực rỡ. Không gian đó được đóng lại bằng hàng cửa bàn khoa, hay hàng cửa ván gỗ sơn nâu hoặc đỏ. Ngày xưa, ở Bình Định quê tôi, dạo quanh các làng, rất dễ gặp nhiều nhà từ đường là những nhà lá mái năm gian hai chái. Và, nhà từ đường khác với nhà ở là phía trước nhà có hàng cột vôi vữa đắp liễn đối, quanh sân có trồng nhiều bụi hoa trang, hoa điệp đủ màu sắc và cái nhà ngõ thường đóng kín để tạo vẻ thâm nghiêm cho ngôi nhà thờ.

Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân (TP Nam Định). Ảnh: việt thắng
Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân (TP Nam Định).
Ảnh: Việt Thắng

Từ đường là nơi chốn tâm linh của một tộc họ. Ở đó, dòng họ thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh khác của họ tộc. Mỗi vị có thần chủ hoặc bài vị đặt trên bàn thờ. Đọc thần chủ, bài vị, mới biết vị nào cũng có công trạng; hoặc với nước, hoặc với địa phương, ít nhất cũng với tộc họ. Những vị được thờ, nếu làm quan cho triều đình thì có treo bằng sắc; riêng quan võ còn thờ cả đồ binh khí mà sinh thời các vị vẫn dùng. Ở Bình Định, nhà từ đường tộc Lê ở làng An Định (xã Nhơn An, An Nhơn) thờ Đô đốc Lê Trung Định và Lãnh binh Lê Đình Xuân, làm quan võ thời các chúa Nguyễn mở cõi, cho nên có thờ nhiều gươm, giáo và hai con ngựa chiến bằng gỗ. Tôi đến thăm nhà từ đường họ Đinh làng Thái Liêm (Nhơn An) thờ ông Chảng có thấy các đồ thờ là nông cụ cuốc, trang, cào cỏ,... tương truyền ông Đinh Văn Nhưng (tức ông Chảng) từ chối việc vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc mời ông ra làm quan. Nghe nói, ông là một nông dân trọng nghĩa lớn, có khí phách, đã có công giúp cho gia đình ông Nguyễn Nhạc thời mới về lập nghiệp ở đất Bình Định, Tây Sơn.

Hiện nay ở các làng quê, còn rất ít nhà từ đường cổ; hiện trạng đó một phần do sự tàn phá của thời gian, do chiến tranh giặc dã, rồi sự đổi thay trên quê hương, đất nước. Có khác là, nếu nhà từ đường xưa kia được xây dựng chủ yếu bằng gạch, bằng cây gỗ, tranh tre, thì nay nhà từ đường được làm bê-tông cốt thép giả gỗ, giả ngói vảy, ngói Tây... để ngôi nhà vừa được bền vững, vừa có vẻ cổ kính như xưa. Nếu địa điểm xây dựng ngôi đình thường được chọn ở trung tâm làng, ở nơi đất công; thì địa điểm xây dựng nhà từ đường thường trên đất tư, đất của ông bà để lại, nơi con cháu cùng một tổ tiên, một dòng tộc ở. Trong các làng quê, những người cùng một nguồn gốc tổ tiên, một tộc họ thường quần cư ở một chỗ, đông lắm thì lập nên một làng, như làng Đặng ở ngoài Bắc: Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ - Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay (thơ Nguyễn Bính). Ít hơn thì chỉ được một xóm, như xóm Ngoài của làng An Định (An Nhơn), toàn người họ Trần là hậu duệ của Quan Khám lý Trần Đức Hòa. Việc xây dựng nhà từ đường, từ trước đến nay, đều do tiền và công sức đóng góp của các con cháu trong tộc họ.

Nhà từ đường nào cũng có một số ngày tế tự thường niên, như: Ngày giỗ ông thủy tổ và ngày hiệp tế (giỗ chung cho hết thảy các vong linh của những người quá cố trong tộc họ). Ngoài các ngày tế tự trên, ở nhà từ đường còn có những ngày giỗ khác. Nhà từ đường họ Lê ở An Định có ngày giỗ ông Lê Trung Định vào 12 tháng Chạp, ngày giỗ ông Lê Đình Xuân 20 tháng Tám hằng năm... Vì các vị quá cố đó có công danh hiển đạt, làm vẻ vang cho dòng họ. Đến ngày cúng tế, nhà từ đường có hình thức lễ hội: trong sân có cắm nhiều cờ đuôi nheo, cờ lồng, treo băng, biểu ngữ (mang tên ngày tế tự) và cảnh con cháu nhộn nhịp tụ hội về. Rất nhiều người, nhất là các cụ bà, các cô gái, thường đội trên đầu lễ vật dâng cúng là những hương hoa trà quả... Khi tế tự có kèn trống, văn tế kể công nghiệp tổ tiên, các trình tự lễ lạy... Tất cả đặt dưới quyền điều hành của chủ tế là tộc trưởng hoặc người cao niên nhất trong họ và vài người trung niên làm bồi tế. Kết thúc tế tự là lễ hóa vàng mã và bắt đầu tiệc ẩm thực. Người ngồi mâm cỗ nhà từ đường luôn tuân theo tôn ti trật tự: Ông bà, bác, chú ngồi trên, con cháu ngồi dưới. Con cháu mà có học, có bằng cấp cũng được phép ngồi trên để làm gương hiếu học cho cả họ. Những ngày trong Tết Nguyên đán và các ngày sóc vọng hằng tháng, nhà từ đường chu đáo hương khói và cúng kính. Người giữ việc hương khói cho từ đường thường là một người trong tộc họ, có điều kiện hơn các người khác ở chỗ có nhà ở gần từ đường.

Gần đây tôi về An Định, dự tế hiệp ở từ đường tộc Lê. Nhà từ đường mới xây, cách đây năm năm. Cuộc tế tự lần này vẫn theo nghi thức cổ, nhưng có thêm phần "kim" là cụ Lê Thanh, 79 tuổi, với tư cách tộc trưởng, đọc bài diễn văn. Trong bài có nhiều đoạn hay: "Trước tiên linh và trong cảnh hương khói thiêng liêng ấm cúng này, cho phép tôi được có lời thưa các cụ cao niên và con cháu trong họ: Tổ tiên tộc Lê chúng ta về sinh cơ lập nghiệp tại làng An Định này, đến nay đã nhiều đời. Đời nào, người họ Lê, không phân biệt nội - ngoại, cũng có công trạng với quê hương, đất nước. Làm quan có công trạng được người đương thời lập đền thờ rồi mãi mãi khói hương, có hai ông Lê Trung Định và Lê Đình Xuân. Các thế hệ nối tiếp, có nhiều người học giỏi, có tài ba trên nhiều lĩnh vực và có đóng góp bao việc hữu ích cho xã hội. Từ làng An Định này, các đời con cháu họ Lê đi lập nghiệp khắp nơi. Ai ở lại làng cũng biết sống chan hòa, đoàn kết với các tộc họ khác và với bà con trong làng, có công trạng góp phần xây dựng và phát triển làng của mình. Hiện nay, con cháu nội, ngoại họ Lê ở An Định chiếm số đông trong dân làng và làng có cuộc sống nhà nhà no ấm, yên vui. Tộc họ Lê ta thấy đó mà phải tự hào. Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được nhà từ đường, đã tổ chức được việc hương khói và tế tự hàng năm, thường lệ. Đó là chúng ta đã giữ đạo thờ cúng tổ tiên của ông cha mình. Chúng ta cũng đã làm được một số việc tương thân tương trợ, việc khuyến học khuyến tài với cả nghìn suất quà cứu trợ cho người nghèo, người bị thiên tai bão lụt, hàng trăm học bổng cho con, cháu nghèo đang đi học, từ bậc tiểu học đến đại học... thăm viếng, hiếu hỷ đậm đà tình thân tộc, tình làng nghĩa xóm với nhau... Con cháu tộc Lê dù ở đâu cũng đã có nhiều dịp nhất tề đoàn tụ lại tại đây như "chiếc lá rụng về cội" và phát huy những giá trị tốt đẹp của tộc họ Lê ta... Không có gì làm cho tổ tiên, cho các cụ cao niên trong họ vui hơn là được nhìn thấy đàn con, cháu của mình giữ được gia phong nền nếp của tộc họ, luôn có tình cảm biết ơn tổ tiên, đoàn kết tộc họ, đoàn kết với bà con làng An Định, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội làng xã ta, địa phương ta. Vì làng xã, địa phương có tiến lên thì con cháu nhà họ Lê ta cũng nhờ đó mà tiến lên theo".

Hồi xưa, từ "gia tộc" đã được dùng nhiều, nhưng lâu nay thì hình như có ít dùng hơn. Bản thân tôi cũng có lúc quên từ ấy, nhưng gần đây, nhờ tình cảm thiết tha của rất nhiều người đối với dòng tộc, rồi nhắc nhở nhau cố gắng sống, làm việc sao cho xứng đáng với cha ông, làm vẻ vang dòng tộc, mà tôi từng chứng kiến, hoặc may mắn được tham dự, đã làm dậy lên trong tôi một tình cảm mà nếu thiếu nó, mỗi người Việt Nam chúng ta như thiếu hụt một phương diện quan trọng của cuộc đời. Cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Song cũng chính sự hiện đại và tiết tấu gấp gáp của nó lại có thể làm cho chúng ta rơi vào tình trạng lỏng lẻo các mối quan hệ, thậm chí bị tha hóa về mặt văn hóa mà xa rời các giá trị cộng đồng. Và tôi nghĩ, nếu gia đình là nền tảng của xã hội, như chúng ta thường nói, thì có thể coi gia tộc là yếu tố tham gia vào sự cố kết của gia đình, của xã hội. Thiết nghĩ, từ các giá trị văn hóa gia đình, từ các giá trị văn hóa truyền thống mà nhà từ đường của các dòng họ đã gìn giữ, truyền bá cho con cháu, mỗi người trong chúng ta được trang bị những hành trang tinh thần hết sức quan trọng trước khi trở thành con người hữu ích của xã hội. Và đó cũng là nét độc đáo riêng, làm nên bản sắc của văn hóa Việt trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập thế giới để phát triển./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com