Thắp sáng giá trị chèo truyền thống

09:07, 09/07/2010

Đoàn chèo Nam Định biểu diễn phục vụ   nhân dân tại xã Mỹ Thắng, Mỹ Lộc.  Ảnh: Sưu Tầm
Đoàn chèo Nam Định biểu diễn phục vụ nhân dân tại xã Mỹ Thắng, Mỹ Lộc.                    
Sinh ra từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ, qua nhiều thế kỷ, sân khấu chèo đã trở thành một nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của nền văn hóa dân tộc. Bàn về chèo, không thể không đặt trong tương quan với hoàn cảnh, không gian lịch sử mà trên đó nó hình thành, phát triển, đồng thời cũng không thể không quan tâm đến sự tồn tại của chèo trong đời sống hôm nay.

Từ lâu, chèo đã được nhìn nhận là vốn di sản quý giá, được xếp vào dòng nghệ thuật truyền thống cần được khai thác, giữ gìn, phát huy nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Trên thực tế về phương diện này, ngành chèo thời gian qua đã ít nhiều thu được những thành tựu nhất định trong khâu sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu, đào tạo nghệ sĩ, phục hồi những vở diễn tiêu biểu, những làn điệu chủ yếu cùng những khuôn múa, tình tiết diễn xuất cổ truyền... hướng tới xây dựng sân khấu chèo của thời đại mới. Đời sống xã hội là không ngừng vận động và biến chuyển, bởi vậy những kết quả mà ngành chèo gặt hái được ngày càng không theo kịp những đòi hỏi mới mẻ của thị hiếu thẩm mỹ thời kỳ CNH, HĐH cũng như xu thế hội nhập hiện nay.

Sự lỗi nhịp của chèo trước tốc độ phát triển toàn diện và sâu sắc của đời sống là điều khó phủ nhận, càng lúc càng trở nên trầm trọng, dẫn chèo lâm vào khủng hoảng giống như các hình thức sân khấu truyền thống khác. Quan sát thực trạng chèo rồi đối chiếu với bốn cuộc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp quy mô quốc gia lần lượt được tổ chức từ cuối năm 2009 vắt sang đầu năm 2010 vừa qua còn cho thấy rõ thêm mức độ khủng hoảng ở chèo là đáng lo ngại! So với các hình thức kịch hát từ tuồng, kịch, dân ca, đến cải lương thì chèo đang lúng túng nhất, nó gần như đang rơi vào bảo thủ trì trệ, thiếu năng động để thích nghi trước thời cuộc nên hội diễn chèo tại Quảng Ninh (cuối tháng 12- 2009) được dư luận chung xem là buồn tẻ nhất. Nếu cải lương đang trăn trở lấy lại vị thế của mình bằng những bứt phá trên phương diện đạo diễn với sự khẳng định phong cách của một lớp đạo diễn trẻ hứa hẹn, trưởng thành lên từ chính nghề nghiệp như Giang Mạnh Hà (đoàn cải lương Đồng Nai), Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên (Nhà hát cải lương TW), lại được sự thúc đẩy mang tính ganh đua của phong trào xã hội hóa sân khấu nên đã tạo dựng được một số tiết mục có chất lượng cao, tuồng và kịch dân ca trong chừng mực nhất định cũng đang có những chuyển động để vươn tới bằng những vở diễn đáng chú ý trong tìm tòi ngôn ngữ diễn tả, thì sân khấu chèo dường như ít xao động.

Vấn đề thanh xuân hóa đội ngũ nghệ sĩ ở chèo đang là báo động đỏ. Khâu tác giả chỉ thấy thu hẹp lại. Số cứng tuổi đã thành danh vẫn xông xáo "bao sân" nhưng gần như chỉ duy trì ở số lượng tác phẩm mà chất lượng thì chững lại, thậm chí sa sút, trong khi lớp kế cận chưa thấy le lói dấu hiệu có thể đảm đương tiếp nối được nghề nghiệp. Về đạo diễn cũng thật đáng lo, vì sự lấn sân của các tên tuổi từ kịch nói sang vẫn tung hoành thoải mái hết từ chèo xứ Đông sang xứ Đoài. Tuy có đem vào chiếu chèo ít nhiều nhân tố mới lạ, nhưng sự tung hoành kia cũng góp phần làm phai nhạt chất chèo gốc. Lác đác hiện diện mấy đạo diễn gọi là trẻ như Hà Quốc Minh (Nhà hát Chèo Việt Nam), Hoàng Mai (Đoàn Chèo Hải Phòng), Thúy Mùi (Nhà hát Chèo Hà Nội) nhưng đều ngoại tứ tuần cả rồi mà vẫn loay hoay trên đường xác lập phong cách dàn dựng sao cho vừa giữ được đặc trưng, cốt cách chèo, lại vừa có tiếng nói riêng.

Nhìn vào thế hệ diễn viên thật sự trẻ cả về tuổi nghề, tuổi đời của chèo càng bi quan hơn. Ngoại trừ sự chất phác, nhí nhảnh đáng yêu của dàn diễn viên chèo Bắc Giang, nhìn chung cái hồn nhiên, tươi mát mà duyên dáng, đằm thắm vốn làm nên sức cuốn hút kỳ lạ của chèo không thấy tỏa ra từ ngày hội chèo năm năm mới tái diễn ở Quảng Ninh vừa qua, khiến bộ phận công chúng vốn ít ỏi và đang ngày càng thu hẹp đành hoài niệm về những gương mặt chèo quá khứ... Vì thế, ngay những vở diễn đạt thứ hạng cao tại hội diễn vừa qua không được dư luận chào đón, kỳ vọng như với tuồng, kịch dân ca và cải lương cũng là điều dễ hiểu.

So với các kịch chủng khác, dường như với chèo, các cấp quản lý xuất phát từ chủ trương bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đã dành cho nó phần ưu đãi đáng kể. Nhà hát chèo Việt Nam đã có hẳn một rạp Kim Mã với nhiều lần cải tạo cả bên ngoài lẫn nội thất. Nhà hát chèo Hà Nội được nâng cấp từ đoàn với một rạp diễn đàng hoàng (phố Nguyễn Đình Chiểu). Nhà hát chèo Thái Bình sau khi đi lên từ đơn vị đoàn cũng được phân riêng rạp diễn để có đất dụng võ. Nhà hát chèo Nam Định cũng có cơ ngơi khang trang với sân khấu nhỏ biểu diễn trích đoạn chèo cổ... Bên cạnh đó, là các dự án với kinh phí nhiều tỷ đồng như thành phố cấp cho Nhà hát chèo Hà Nội triển khai phục hồi và chấn hưng nghệ thuật chèo, hoặc dự án sân khấu học đường trong đó có phần dành cho chèo tiến hành mấy năm qua. Hàng loạt liên hoan các trích đoạn chèo hay, liên hoan các vở diễn chèo truyền thống, các cuộc thi tiếng hát chèo, diễn tấu nhạc cụ chèo... đã được tổ chức cùng với hình thức hội diễn định kỳ và quy mô. Vậy mà, tại sao cho đến nay nghệ thuật chèo vẫn đứng trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại?

Công chúng của chèo tuy có thu hẹp lại, nhưng nên xem đó là dấu hiệu bình thường của sự phát triển xã hội, sự biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ. Vẫn còn một bộ phận người dân tha thiết với chèo. Những ngày hội chèo ở Quảng Ninh, khán giả vùng than đông bắc này vẫn ngồi chật kín Nhà văn hóa Việt - Nhật, chứng tỏ niềm khát khao thưởng thức chèo vẫn nồng nhiệt. Từ thực tế đó, nhìn rộng ra các hình thức sân khấu cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn nan giải, lại thấy nổi lên một vấn đề đáng quan tâm, đó là ngọn lửa thôi thúc sáng tạo và lao động nghệ thuật của giới nghệ sĩ chèo hôm nay dường như đang có phần giảm sút. Một không khí trầm lắng dăng phủ hầu khắp các đơn vị nghệ thuật chèo. Lưu giữ và thắp sáng ngọn lửa thôi thúc sự sáng tạo ấy không ai khác, trước hết là chính của các nghệ sĩ chèo, sau đó mới là vai trò của các nhân tố khác như giới quản lý, thái độ công chúng cùng các điều kiện kinh tế xã hội khác đóng vai trò tác nhân khách quan tạo nên sự thay đổi chắc chắn và đồng bộ...

Sự thay đổi trong nghệ thuật chèo là cả một sự nghiệp với các quan hệ nhiều tầng bậc, nhiều chiều cạnh phức tạp. Không phá vỡ chất chèo, không làm biến dạng hồn vía và diện mạo của chèo là trách nhiệm của chính giới nghệ sĩ chèo (bao gồm cả khâu nghiên cứu lý luận và đào tạo để nhận thức được đặc trưng cố hữu của chèo trên các phương diện từ biên kịch, biểu diễn, dàn dựng đến âm nhạc, tạo hình, kiến trúc nhà hát...) và không ai có thể làm thay. Ngày trước, sân khấu chèo từng có những nghệ sĩ lớn hút hồn công chúng chỉ với một vai diễn để đời như NSND Dịu Hương với Sáng Vân, NSND Cả Phan với Châu Long và Đào Huế, nghệ nhân Hoa Tâm với Thị Màu, NSND Trùm Thịnh với các vai kép như Tuần Ty, NSND Năm Ngũ với vai Hề.... luôn làm nổi sóng trên sàn diễn, tạo nên sức hút để người xem chờ đợi với tất cả niềm hứng khởi. Với nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt kịch hát truyền thống như chèo, vấn đề chuyên sâu một loại vai, thậm chí một vai diễn cụ thể là chuyện sinh tử. Tiếc rằng điều này chưa được các đơn vị chèo và bản thân từng diễn viên có ý thức đầy đủ. Số đông nghệ sĩ chèo hôm nay lại trải mình ra quá nhiều loại nhân vật khác xa nhau về thân phận, trong khi khả năng lại có hạn thì làm sao đủ sức hóa thân vào nhiều cuộc đời được. Vì thế, diễn chèo cổ tạm coi là được, diễn nhân vật chèo mới cũng chỉ ở mức đúng bài bản, không có những giây phút lóe sáng nên khó rung động khán giả ngày càng đòi hỏi cao. Vốn nghề của số đông diễn viên trẻ còn đáng phàn nàn hơn, cứ được phân vai diễn gì mới cắm đầu cắm cổ vào học hát, răm rắp làm theo thị phạm của đạo diễn. Khi diễn vai chèo cổ thì cứ ớ ra vì nhiều điệu hát khó diễn tả quá, xa lạ quá, chưa được học ở nhà trường...

Sân khấu chèo hôm nay đang xuất hiện rất nhiều tiết mục, vở diễn không ra cổ, chẳng phải kim, không truyền thống mà cũng thiếu chất hiện đại, cứ làng nhàng, đồng loạt. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm nản lòng ngay cả những khán giả thiết tha, yêu mến và gắn bó sâu nặng với nghệ thuật chèo, đẩy chèo vào thế sa sút. Vấn đề là phải nhận thức đúng đắn về thực tế này. Và trước hết, hãy nhóm lên ngọn lửa giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống!

Nguyễn Văn Thành

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com