Nhân rộng mô hình "Công dân học tập"

08:09, 28/09/2022

Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, sau hơn một năm triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập”, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song mô hình đã bước đầu tạo sự lan toả sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải học tập suốt đời.

Gia đình cô Trần Việt Quỳnh, giáo viên Trường THCS Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) luôn giữ vững thành tích hiếu học.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Gia đình cô Trần Việt Quỳnh, giáo viên Trường THCS Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) luôn giữ vững thành tích hiếu học.

Toàn tỉnh hiện có 282 Hội Khuyến học, 5.485 chi Hội Khuyến học, 6.080 ban khuyến học và 649.038 hội viên khuyến học, đạt 36,4% dân số. Cùng với phát triển tổ chức Hội, hội viên, các phong trào dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập đã tác động mạnh mẽ tới việc học của các gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 499.692 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 4.773 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, 3.625 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu cộng đồng học tập, 1.022 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị học tập; 100% xã, phường, thị trấn đăng ký đạt danh hiệu cộng đồng học tập cấp xã. Đây là cơ sở quan trọng để toàn tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” từ tháng 3-2021 với mục tiêu đưa phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực. Để triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập”, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai, tổ chức tập huấn và chọn 4 đơn vị gồm các huyện: Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và thành phố Nam Định; trong đó có 12 xã, phường, thị trấn; 36 đơn vị gồm 7 trường học; 3 cơ quan xã, phường; 26 thôn, làng, tổ dân phố, dòng họ và 441 công dân là nông dân, lao động tự do, công nhân, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… Sau khi được Hội Khuyến học tỉnh chọn thực hiện thí điểm, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng thí điểm mô hình “Công dân học tập”. Đồng thời chủ động tuyên truyền các tiêu chí về mô hình “Công dân học tập” đến Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, từ đó phổ biến đến từng gia đình. Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh cũng tổ chức hội nghị triển khai phổ biến kế hoạch, hướng dẫn kỹ năng xác định, chấm điểm tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” cho các đơn vị và gia đình được chọn làm thí điểm theo Bộ tiêu chí đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam. Trong quá trình thực hiện thí điểm, các cấp ủy và lãnh đạo UBND các cấp, các đơn vị, địa phương đều rất quan tâm ủng hộ, vào cuộc cùng với Hội Khuyến học. Thường trực Hội Khuyến học tỉnh luôn bám sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt để tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh kịp thời vướng mắc trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội. Đồng chí Trần Đình Tiếu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trực Cường (Trực Ninh) cho biết: Trong những năm qua, xã đã triển khai thực hiện tốt các mô hình học tập, nhất là khi được chọn xây dựng thí điểm mô hình “Công dân học tập”, 100% đảng viên của xã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc vận động con cháu đi học đúng độ tuổi và học lên cao. Những đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên, liên tục học tập những tri thức liên quan đến lĩnh vực mà bản thân phụ trách; đảng viên trong độ tuổi lao động tích cực học tập để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Thực tế cho thấy, trong thời gian thí điểm thực hiện mô hình công dân học tập, số lượng người dân tham gia các buổi tập huấn tại Trung tâm học tập cộng đồng xã tăng lên so với trước. Qua đó thể hiện sự gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong học tập góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “Công dân học tập” tại địa phương. Qua đánh giá theo bộ tiêu chí, đã có 7 công dân của xã thực hiện thí điểm “Công dân học tập” đạt loại tốt, 3 công dân đạt loại khá.

Sau một năm triển khai, Hội Khuyến học các cấp đã tổ chức đánh giá, chấm điểm, xếp loại, công nhận “Công dân học tập” để rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Các tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” gồm ba nhóm năng lực cốt lõi: Năng lực tự học và học tập suốt đời; Năng lực sử dụng những công cụ tương tác; Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Các đơn vị, công dân được chọn thí điểm đều tích cực tham gia và có ý thức phối hợp thực hiện. Kết quả, 100% đơn vị tham gia đều đạt tiêu chuẩn; 156 công dân đạt từ 70 điểm đến 85 điểm, đạt 35,4%; 285 công dân đạt 85 điểm (xuất sắc), đạt 64,6%. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số tiêu chí của mô hình cần điều chỉnh cho phù hợp để nhân rộng như: nhiều nông dân đều gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ và xây dựng kế hoạch học tập; việc tiếp cận về công nghệ thông tin đối với nhóm công nhân, lao động tiểu thủ công; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt mức thành thạo về kỹ năng ngoại ngữ và tin học. 

Hiện nay, mô hình “Công dân học tập” đã được triển khai đại trà trong toàn tỉnh. Để xây dựng thành công xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương cần phát huy tốt vai trò nòng cốt, trách nhiệm từ đó tạo sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai mô hình “Công dân học tập” đạt kết quả khả thi. Qua việc triển khai mô hình “Công dân học tập” tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, của Hội Khuyến học để xây dựng các cơ quan, đơn vị trở thành “Đơn vị học tập”./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com