Chủ động phòng, chống bệnh dại gây hại trên người

08:09, 27/09/2022

Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh mặc dù bệnh dại không phát sinh thành dịch nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dại ở cộng đồng. Nhiều hộ dân vẫn nuôi chó, mèo thả rông; tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo thấp. Công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển chó, mèo, nhất là vận chuyển từ các địa bàn khác vào tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Xu hướng nuôi chó, mèo làm thú cưng ngày càng phát triển, số lượng đàn chó mèo không ngừng tăng lên. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh dại cần được ngành chức năng, các địa phương và nhất là người nuôi quan tâm thực hiện để loại bỏ bệnh dại trong đời sống cộng đồng.

Người nuôi cần chủ động dùng xích và rọ mõm cho chó khi ra khu vực công cộng để không gây hại cho người khác. Bài và ảnh: Văn Đại
Người nuôi cần chủ động dùng xích và rọ mõm cho chó khi ra khu vực công cộng để không gây hại cho người khác. 

Gia đình ông L ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) nuôi 1 con chó kiến để coi nhà và thả rông trong khuôn viên của gia đình. Đầu tháng 9-2022, ông phát hiện con chó bỗng bỏ ăn, mắt lờ đờ, đi chậm rồi chui xuống bếp nằm. Một lần vào cho con chó ăn, thấy nó có vẻ mệt mỏi ông đã vuốt ve và sờ vào bụng để thăm dò tình hình thì bất ngờ bị con chó vùng dậy cắn vào chân. Một ngày sau, con chó lăn ra chết, lại chưa được tiêm phòng bệnh dại. Tháy vậy, ông L đã phải đến ngay bệnh viện để khai báo và điều trị dự phòng bệnh dại… 

Theo số liệu tổng hợp của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 98.286 hộ nuôi chó với 127.537 con và hàng chục nghìn con mèo được người dân nuôi. Các giống chó được nuôi chủ yếu là chó kiến bản địa và một số giống khác như: chó Phú Quốc, Phốc, Becgie, Rottweiler, Pitbull, Poodle, Alaska... 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 900 người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng, tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Đàn chó mèo khá lớn song kết quả tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 30% tổng đàn. Một số địa phương không tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định (không tổ chức tiêm vụ thu và tiêm bổ sung hàng tháng). Theo công văn của UBND tỉnh mới ban hành đánh giá, nguy cơ dịch bệnh dại xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao. 

Để giảm số trường hợp chó, mèo cắn người và không để người bị tử vong vì bệnh dại, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh; nhất là Chỉ thị số 5804/CT-BNN-TY ngày 6-9-2022 của Bộ NN và PTNT về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, Kế hoạch 19/KH-UBND ngày 16-2-2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh xảy ra trên động vật và gây bệnh trên người. Tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách hoặc sổ theo dõi đảm bảo quản lý được số hộ nuôi và số lượng chó, mèo. Yêu cầu các hộ nuôi cam kết thực hiện khai báo kịp thời, chính xác việc nuôi chó, mèo và khi có chó, mèo cắn người với chính quyền cơ sở; chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được rọ mõm và có dây xích, người dắt để đề phòng cắn người. Tổ chức thực hiện tốt đợt tiêm phòng vắc-xin vụ thu năm 2022 cho động vật, trong đó đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo đạt trên 70% tổng đàn; khắc phục tình trạng một số địa phương không tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại vụ thu và không tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho chó, mèo mới phát sinh. 

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để thành lập đội bắt chó thả rông; chó không đeo rọ mõm; chó, mèo nghi mắc bệnh dại; hỗ trợ tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo và xử lý ổ dịch bệnh dại theo quy định. Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y, y tế các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cắn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định rõ nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó, mèo; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, vận chuyển trên địa bàn không nhập chó, mèo từ các vùng có lưu hành bệnh dại; chó, mèo nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị… về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, các quy định về quản lý chó, mèo nuôi và các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Hướng dẫn người bị chó, mèo cắn không tự điều trị bằng thuốc nam mà phải đến ngay cơ sở y tế xử lý vết thương, điều trị dự phòng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại. Thành lập đoàn công tác của tỉnh, huyện kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại cơ sở. 

Để loại bỏ bệnh dại ra khỏi đời sống cộng đồng, thời gian tới Sở NN và PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; quy định về quản lý đàn chó, mèo nuôi, trách nhiệm của người nuôi trong việc quản lý và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo; hướng dẫn người bị chó, mèo cắn các biện pháp xử lý ban đầu và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vắc-xin, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y. Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng. Chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời với ngành Y tế theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27-5-2013 của Bộ NN và PTNT, Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống bệnh dại theo quy định./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com