Hải Hậu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

08:09, 20/09/2022

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”, do vậy, nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Hải Hậu không ngừng nỗ lực, tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Hoạt động ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non Hải Lý.
Hoạt động ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non Hải Lý.

Toàn huyện có 103 trường, gồm 34 trường mầm non, 34 trường tiểu học, 35 trường THCS; trong đó tất cả 103 trường đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia lần đầu; 73/103 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (70,87%); 101/103 trường (98,1%) được công nhận chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đây là tiền đề quan trọng để ngành GD và ĐT huyện có những bước đi vững chắc trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặc biệt, việc sáng tạo, nhạy bén trong triển khai kế hoạch, các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị trường đã đem lại nhiều kết quả trong công tác giáo dục của huyện ở các bậc học. 

Ở bậc học mầm non, các trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, thực hiện tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục kỹ năng phù hợp với lứa tuổi trong thực hiện chương trình, chú trọng đổi mới môi trường hoạt động tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. Do vậy, chất lượng giáo dục trẻ nâng lên rõ rệt, trẻ thực sự được là trung tâm của các hoạt động giáo dục; một số đơn vị đã áp dụng hiệu quả những phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori, Steam như các trường mầm non: Hải Châu, Hải Tân, Hải Vân, Hải Hòa, Hải Lý, Hải Tây. Giáo viên cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đã chủ động áp dụng các hình thức, phương pháp, mô hình giáo dục tiên tiến; lựa chọn, bổ sung những nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với quan điểm, mục tiêu của chương trình GDMN, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương để phát triển chương trình giáo dục nhà trường, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tỷ lệ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo là 17.678/17.754 (đạt 99,6%).

Ở cấp tiểu học, việc bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, chọn sách giáo khoa, tổ chức giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, hỗ trợ giáo viên; tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn trong trường và cụm trường; đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài được tích cực triển khai, được cụ thể hóa trong kế hoạch năm học của mỗi nhà trường. Đặc biệt, các trường chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục các khối lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh địa phương, đồng thời thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh trên nguyên tắc: đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và phù hợp điều kiện thực tế; rà soát, tinh giản những nội dung chồng chéo, trùng lặp giữa các môn học, giữa các khối lớp trong cấp học và các nội dung quá khó, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh tiểu học; sắp xếp, điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập phù hợp với đối tượng học sinh; không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh; tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh. Các trường còn thành lập câu lạc bộ (CLB) em yêu thích môn Toán, Tiếng Việt ở các khối lớp, CLB Toán tuổi thơ lớp 5 hoạt động thường xuyên; tổ chức động viên học sinh dự thi Hùng biện Tiếng Anh, tham gia SEAMO, thách thức tài năng Toán học; tổ chức Hội khỏe Phù Đổng... Nhiều trường đã có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng dạy và học như các trường tiểu học: Hải Minh, Hải Bắc, Hải Trung, Hải An, Hải Hưng, Hải Phúc, Hải Thanh, Hải Quang, Hải Cường, Hải Anh... Năm học 2021-2022, tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, huyện có 8 học sinh đạt giải Hùng biện Tiếng Anh; giải Nhì cuộc thi “Kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”; 2 giải Ba sản phẩm dự thi “Em yêu môi trường”; 1 giải Nhì cuộc thi “Bác Hồ và những bài học về đạo đức và lối sống dành cho học sinh”... 

Ở cấp THCS, các trường tập trung đổi mới hình thức tổ chức dạy - học; đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, từng bước nâng cao chất lượng đại trà cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn; tăng cường các hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh, tạo ra các môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất. Đặc biệt, Phòng GD và ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 8, lớp 9, từ đó lựa chọn học sinh có thành tích tốt nhất bổ sung cho đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh; chỉ đạo Trường THCS Hải Hậu làm nòng cốt kết hợp với các trường THCS trong toàn huyện để xây dựng, bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh; chỉ đạo các trường xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 8, 9 các bộ môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, tổng hợp làm tư liệu chung cho toàn huyện. Năm học 2021-2022, thi học sinh giỏi cấp tỉnh toàn đoàn đạt giải Ba với 113 giải cá nhân gồm 2 giải Nhất, 27 giải Nhì, 37 giải Ba và 47 giải Khuyến khích; thi đấu trường Toán học vòng sơ loại có 1.147 học sinh được tham gia vòng tiếp theo, trong đó 369 học sinh khối 6, 247 học sinh khối 7, 254 học sinh khối 8, 277 học sinh khối 9; Hội thi Hùng biện Tiếng Anh cấp tỉnh có 3 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích, toàn đoàn đạt giải Ba...

Kết quả trên không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong dạy và học, mà còn là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân toàn huyện đối với sự nghiệp GD và ĐT. Với phương châm tăng cường xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, đồng đều, tiến bộ và hiện đại trên tất cả các bậc học, do vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, Phòng GD và ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ thực tiễn địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó, tập trung vào chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, bảo đảm dạy thực chất và đánh giá thực chất. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT huyện  luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới... Ngoài ra, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được ngành GD và ĐT huyện và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, coi đây là tiền đề thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường. 

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, ngành GD và ĐT huyện cũng gặp phải không ít khó khăn như: thiếu trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT 2018; trang thiết bị đồ dùng tối thiểu cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi mới đạt 70-80%. Một số trường thiếu phòng học, phòng chức năng, số trẻ/nhóm, lớp còn cao. Đội ngũ giáo viên các bậc học còn thiếu cả về chủng loại, cơ cấu bộ môn. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, trẻ đi học không đều, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch hợp đồng giáo viên nhân viên...

Để khắc phục khó khăn, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường; xây dựng trường chuẩn quốc gia, xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa để bổ sung trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi trường học, nhất là thực hiện chương trình GDPT 2018. Có kế hoạch đào tạo, bội dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, chủng loại; đề xuất với UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên đủ về số lượng, chủng loại. Chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học, nhất là công tác bồi dưỡng đội ngũ, thực hiện chương trình GDPT 2018./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com