Nỗi lo trước thềm năm học mới

06:08, 12/08/2022

Khi con trẻ chuẩn bị bước vào năm học mới cũng chính là khoảng thời gian nhiều tâm tư của các bậc làm cha, mẹ. Song hành với niềm phấn khởi đến trường của con, bài toán cân đối tài chính cho việc sắm sửa đồ dùng học tập, các khoản học phí,… khiến không ít phụ huynh trăn trở.

Để trang bị đầy đủ cho con em mình những đồ dùng cần thiết bước vào năm học không còn là chuyện khó đối với những gia đình có điều kiện sinh sống tại thành phố. Khoản chi đầu năm 1-2 triệu đồng cho quần áo, sách vở, đồ dùng học tập… là chuyện thường với những gia đình khá giả, nhưng lại là nỗi lo đối với hầu hết các gia đình hiện nay. Đặc biệt là với những gia đình có từ 2 con cùng nhập học, nỗi lo đầu năm học càng căng thẳng. Vừa trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 cùng với giá cả leo thang bởi tác động của giá xăng dầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình công nhân, nông dân, những người có hoàn cảnh khó khăn. Bước vào năm học mới, nhiều gia đình đang phải gồng mình để có đủ tiền lo cho con đến lớp với bao khoản chi tiêu, đóng góp. Chị Thu Vân, ở phố Hoàng Ngân (thành phố Nam Định) chuẩn bị cho năm học mới của con với niềm vui nhưng cũng chất chứa bao nỗi ngổn ngang khi con gái lớn chuẩn bị vào đại học, đứa bé lên lớp 6. Chị có nghề buôn bán nhỏ tại chợ gần nhà, chồng làm bảo vệ cho một cửa hàng trên phố Trần Hưng Đạo nên thu nhập của gia đình khá eo hẹp. Dự kiến chi tiêu đầu năm cho con gái lớn khi nhập trường đại học đã “ngốn” mất gần chục triệu đồng. Đứa bé năm nay bước vào THCS, mới chỉ tính riêng tiền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục đã tốn gần hai triệu đồng. Vì chưa họp phụ huynh đầu năm nên chị cũng chưa biết tiền học phí và các khoản đóng góp khác là bao nhiêu. Do vậy bước vào năm học mới của con là bao nỗi niềm của anh chị.

Phụ huynh và học sinh chọn mua sách chuẩn bị cho năm học mới tại Hiệu sách Nhân dân thành phố Nam Định.
Phụ huynh và học sinh chọn mua sách chuẩn bị cho năm học mới tại Hiệu sách Nhân dân thành phố Nam Định.

Chung nỗi niềm với chị Vân, chị Cúc ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) than thở: “Vợ chồng tôi đều làm nông, năm học này cả hai con tôi đều vào những lớp đầu cấp nên phải sắm sửa, trang bị cho chúng nhiều hơn mọi năm. Chỉ tính riêng sách vở, đồ dùng học tập của hai đứa cũng mất mấy tạ thóc. Cũng may là các con học ở vùng nông thôn, các khoản đóng góp quỹ, xây dựng cơ sở vật chất lớp học không nhiều nhưng lo được cho các con ngần ấy khoản cũng khiến vợ chồng tôi khá vất vả”.

Để tiết kiệm chi phí cho đầu năm học, không ít gia đình đã tính đến việc cho con sử dụng lại đồ dùng học tập, đồng phục... của năm học trước nhằm tiết giảm các khoản chi phí. Đây còn là giải pháp tiết kiệm chi phí đầu năm học mới của không ít phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, bởi các khoản chi phí cho năm học mới của con cái với họ luôn là những nỗi lo và gánh nặng. Ngoài tiền sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập… ngay đầu năm học, phụ huynh phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh, ăn bán trú, nước uống, bảo hiểm, học thêm… Chưa kể khi họp Hội cha mẹ học sinh còn được đề xuất thêm tiền lắp điều hòa phòng học, tivi, tiền điện (sử dụng máy lạnh), tiền quỹ lớp và cả một số khoản đóng góp khác. Đây là “mối lo” lớn, sự quan tâm của các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Trên thực tế, mùa khai giảng cũng đồng nghĩa với…“mùa đóng góp”! Mặc dù thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ ngành Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn xảy ra các trường hợp lạm thu “núp bóng” dưới danh nghĩa là các khoản đóng góp tự nguyện. Thực tế cho thấy, hầu hết người dân đều đồng tình với việc ủng hộ các nhà trường trong việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách Nhà nước cấp cho các nhà trường hạn hẹp. Tuy nhiên, khi huy động sự đóng góp của phụ huynh số tiền thu được phải được công khai, minh bạch và nên phân bổ thời gian đóng góp hợp lý và cần tránh huy động sự đóng góp để mua sắm những thiết bị chưa cần thiết, nhất là ở những nơi đời sống nhân dân còn gặp khó khăn.

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã phát huy hiệu quả tích cực, bởi đã khai thác và phát huy được tiềm năng của toàn xã hội cho sự phát triển giáo dục. Tuy nhiên, ngoài các khoản thu bắt buộc, những khoản thu khác cần có sự đồng thuận của tất cả phụ huynh chứ không phải chỉ do nhà trường quyết rồi “ấn định” xuống các lớp và yêu cầu giáo viên phụ trách lớp phải chịu trách nhiệm thu đầy đủ. Vì vậy, trước những vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương này, ngành chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân cần thẳng thắn nhìn lại những tồn tại, hạn chế, đồng thời, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện. Và quan trọng hơn, đây là việc làm tự nguyện, ai có điều kiện kinh tế, có tấm lòng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và việc học tập của con cái thì ủng hộ, tránh coi đây là phong trào chung, buộc ai cũng phải tham gia, đóng góp.

Đầu năm học nào cũng vậy, nhiều nhà trường, địa phương, Hội Khuyến học trên địa bàn tỉnh ta đã tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập… cho học sinh nghèo; lập danh sách miễn giảm học phí kịp thời cho các học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... góp phần chia sẻ nỗi lo toan của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, cùng với những hoạt động nhân văn sâu sắc đó để giảm bớt nỗi lo đầu năm học phải cần đến hành động quyết liệt hơn của ngành giáo dục, các cấp chính quyền và đặc biệt là các cơ sở giáo dục. Thay bằng những âu lo từ các khoản đóng góp vô lý, tiêu cực, hãy để năm học mới bắt đầu với những nụ cười hồn nhiên tươi vui của học sinh, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của phụ huynh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com