Quan tâm, thực hiện chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam

07:08, 10/08/2022

Quan tâm, chăm lo, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một trong những hoạt động được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng thực hiện thời gian qua. Qua đó, góp phần xoa dịu nỗi đau, động viên tinh thần, giúp các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao tặng quà cho ông Phạm Văn Phùng, xóm Thắng Toàn, xã Nam Thắng (Nam Trực) là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên 81%.  Ảnh: Hoàng Tuấn

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao tặng quà cho ông Phạm Văn Phùng, xóm Thắng Toàn, xã Nam Thắng (Nam Trực) là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên 81%.

Ảnh: Hoàng Tuấn

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó quán triệt đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ và đầy đủ hơn về “thảm họa da cam” và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong việc khắc phục hậu quả CĐHH. Đồng thời, có những chỉ đạo sát sao nhằm tập trung thực hiện tốt, kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, công khai, dân chủ và đúng quy định. Việc triển khai thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách đã được cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng quy định. Ngoài thực hiện các chế độ chính sách từ nguồn ngân sách Trung ương, căn cứ vào nguồn ngân sách, hàng năm tỉnh đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đi điều dưỡng định kỳ; hỗ trợ tổ chức cho đối tượng điều dưỡng tập trung đi tham quan tại các khu di tích lịch sử, văn hóa của đất nước. Vào các dịp lễ, tết, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, các địa phương đều bố trí nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa để thăm, tặng quà cho đối tượng người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đang cư trú trên địa bàn tỉnh. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành tổng rà soát người có công với cách mạng, tham gia Hội đồng xét duyệt chế độ chất độc da cam ở cấp xã, phường, thị trấn theo quy định của Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh đã xét duyệt cho 2.515 người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ, trong đó, nạn nhân trực tiếp được hưởng là 2.443 người, nạn nhân hưởng gián tiếp là 82 người. Thực hiện chủ trương thanh tra đối với người được hưởng chế độ theo quy định, Hội đã kịp thời phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát những đối tượng bị cắt, giảm trợ cấp da cam trong các đợt thanh tra. Qua đó, đã kiến nghị đình chỉ và thu hồi 294 trường hợp, điều chỉnh 475 trường hợp do Hội đồng giám định y khoa kết luận không đúng tỷ lệ bệnh, phải điều chỉnh giảm mức hưởng trợ cấp. Công tác chi trả chế độ cho các đối tượng hàng tháng và trao quà của Chủ tịch nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong dịp lễ, tết được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm đều tổ chức điều dưỡng định kỳ cho các nạn nhân nhằm chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực để họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống như: tổ chức các đợt chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Trung ương Hội; phối hợp với Hội CCB tỉnh tổ chức 4 đợt đưa 35 nạn nhân đi điều dưỡng tại Làng Hữu nghị Vân Canh (Hà Nội). Riêng 6 tháng đầu năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác vận động nguồn lực và chăm sóc giúp đỡ hội viên tiếp tục được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin triển khai thực hiện tốt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã huy động được tổng giá trị hiện vật trị giá trên 12,5 tỷ đồng, trong đó từ nguồn quà hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Nhà nước, của tỉnh và các huyện, thành phố là trên 8,1 tỷ đồng; từ các cấp Hội vận động trị giá trên 4,4 tỷ đồng. Các đơn vị tiêu biểu triển khai có hiệu quả việc vận động tạo nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là huyện Hội Ý Yên trên 1 tỷ đồng, huyện Hội Nghĩa Hưng gần 1 tỷ đồng, huyện Hội Giao Thủy gần 900 triệu đồng, thành Hội Nam Định gần 600 triệu đồng. Từ các nguồn hỗ trợ, đã có 20.895 lượt nạn nhân được quan tâm chăm sóc, giúp đỡ. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện và các đơn vị xây, sửa 8 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, trị giá trên 800 triệu đồng; Hội đã trợ cấp khó khăn cho 116 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá trên 100 triệu đồng. Các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 6.501 lượt nạn nhân, trị giá trên 1,8 tỷ đồng, thực hiện các hoạt động chính sách khác cho 1.506 lượt người, trị giá trên 240 triệu đồng. Thông qua các cấp hội đã lựa chọn đối tượng để nhà tài trợ trực tiếp trao đến tận tay nạn nhân các phần quà. Một số huyện đã phối hợp tham mưu cho lãnh đạo các cấp trực tiếp đi thăm, động viên và tặng quà cho nạn nhân nhân dịp Tết Nguyên đán. Để có nguồn lực quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Hội các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở xã, phường, thị trấn vận động hội viên tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ tình nghĩa của Hội bằng nhiều hình thức, đảm bảo mức quỹ bình quân cho 1 hội viên đạt từ 500 nghìn đồng trở lên. Một số xã ở huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu đạt từ 1 triệu đồng/hội viên trở lên. Bên cạnh đó, tỉnh Hội đã phát động phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” đến các cấp hội, đồng thời động viên cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của địa phương như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư “5 không” và gia đình văn hoá mới; Khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa…

Việc quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt chính sách cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã góp phần xoa dịu đi những “nỗi đau da cam”, nâng cao sức khỏe cho nạn nhân, đồng thời củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Hồng Minh

 

 

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com