Dạy kỹ năng sống cho trẻ - không chỉ đợi đến hè

04:07, 01/07/2022

Những năm gần đây, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em đã được toàn xã hội, ngành giáo dục và nhiều gia đình quan tâm định hướng nhằm giúp các em trưởng thành, tự tin, thích nghi được với hoàn cảnh và sống có trách nhiệm. Mỗi khi hè về, các khóa học nghệ thuật, năng khiếu, thể thao và các khóa học về kỹ năng sống về thuyết trình, thuyết phục; giao tiếp hiệu quả và ứng xử thông minh; phương pháp học tập hiệu quả và tư duy sáng tạo; làm việc đồng đội và lãnh đạo đội; tổ chức công việc và quản lý thời gian và khóa học, con tự tin vào lớp 1... dành cho trẻ từ độ tuổi mẫu giáo đến 18 tuổi đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và được đông đảo phụ huynh lựa chọn đăng ký cho con em tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chỉ tập trung dạy kỹ năng sống cho trẻ vào dịp hè là chưa đủ.

Các em thiếu nhi học vẽ tại Xưởng mỹ thuật - sáng tạo Hậu Trần Art (thành phố Nam Định).
Các em thiếu nhi học vẽ tại Xưởng mỹ thuật - sáng tạo Hậu Trần Art (thành phố Nam Định).

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên chị Hương ở đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) chưa tổ chức đi du lịch cùng nhau. Vậy nên, khi các con vừa nghỉ hè, gia đình chị cùng gia đình một số người bạn thân tổ chức chuyến du lịch, vừa để thưởng cho các con đã có thành tích trong học tập, vừa để các con được trải nghiệm thêm về cuộc sống. Chuyến đi sẽ rất vui vẻ nếu không gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” từ các con của chị. Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên với những người bạn của bố mẹ, cả hai con đều im lặng không chào hỏi ai cho đến khi chị phải nhắc nhở, thậm chí khi bạn chị trêu đùa con gái lớn quá, chẳng giống cô bé vừa đen vừa còi cách đây mấy năm, cô con gái 14 tuổi của chị không ngại ngần liếc mắt, chẹp miệng tỏ vẻ khó chịu. Ngày đầu tiên di chuyển mệt, lại không hợp khẩu vị từ thức ăn nên tối hôm đó, chị Hương cảm thấy khó chịu trong người nên đi nghỉ sớm. Đêm đó chị chóng mặt, đau bụng, hai đứa con cũng chỉ biết nằm cạnh xoa bụng cho mẹ rồi thiếp đi lúc nào không hay. Rất may, sau buổi tiệc cùng các bạn, chồng chị về lại phòng và kịp thời đưa chị đi cấp cứu. Chị tâm sự: “Cũng vì bận công tác, lại nuông chiều các con nên ngoài việc động viên các con trong học tập chúng tôi không kịp thời uốn nắn và để các cháu phải làm bất cứ việc gì. Khi nhận ra thiếu sót trên, lại là giai đoạn tâm sinh lý của các con rất nhạy cảm nên việc dạy các kỹ năng sống rất gian nan”. Còn chị Thanh Hoa ở phố Hoàng Ngân (thành phố Nam Đinh) lại vô cùng lo lắng khi cô con gái lớn Thanh Hà 15 tuổi ngày càng thiếu tự tin và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Để chuẩn bị hành trang cho con gái vào đời, chị Hoa đã gửi con tham gia hết các trung tâm học tiếng Anh với người nước ngoài rồi các lớp năng khiếu vào các kỳ nghỉ hè nhưng cô bé vẫn không dám tự tin trước đám đông. Trong năm học vừa qua, với kết quả học tiếng Anh tốt, Hà được cô giáo chọn tham dự Kỳ thi Hùng biện Tiếng Anh nhưng dù rất cố gắng em cũng không thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Chị Hoa cho biết: “Trước đây, tôi hay chiều con, làm hết việc nhà, không tạo điều kiện để con sinh hoạt tập thể hay thể hiện bản thân mình với gia đình, kết quả là cô con gái lớn chỉ biết mỗi việc học. Sai lầm này của tôi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho con khi vài năm nữa cháu đi học xa nhà bắt đầu cuộc sống tự lập. Rút kinh nghiệm, khi bé thứ 2 đã bắt đầu cứng cáp là tôi dạy cháu làm các việc trong nhà và các kỹ năng sinh tồn, giao tiếp. Những việc như lau dọn bàn ghế, rửa cốc chén, cất quần áo… đều được con làm thành thạo. Hơn nữa tôi không còn áp đặt suy nghĩ bố mẹ nói con cái phải nghe mà luôn lắng nghe ý kiến của các con từ đó khích lệ động viên cũng như uốn các con từ những việc làm nhỏ nhất. Như thế, con sẽ tự tin, biết rút kinh nghiệm và chắc chắn khi sống tự lập, cháu sẽ có đầy đủ kỹ năng để tổ chức cuộc sống”.

Hiện nay, không chỉ riêng chị Hương, chị Hoa mà rất nhiều phụ huynh khác cũng có con em rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều em chỉ biết sống khép kín trong phòng riêng, hay sống với thế giới ảo như game, facebook, tiktok… mà không quan tâm tới người thân; nhiều em tự đánh mất những “cơ hội” kết bạn cùng bạn bè, thể hiện những khả năng tiềm ẩn của bản thân; nhiều em khác lại như “những chú gà công nghiệp” khi tiếp xúc với cộng đồng, xã hội. Lý giải cho vấn đề này có thể là do khoảng cách thế hệ cũng khiến cho suy nghĩ của người lớn và chính con em nhiều lúc chưa tìm được tiếng nói chung; bản thân con cái cũng thụ động trong việc học hỏi xung quanh, chỉ biết lao vào học tập mà không biết để tồn tại và phát triển, trong khi các em cần phải tích luỹ cho mình nhiều kỹ năng sống cần thiết: giao tiếp lễ phép, tự học, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, tự tin trước đám đông, an toàn khi ra đường, tránh bị xâm hại, kỹ năng sử dụng quản lý tiền bạc, thích nghi và xử lý các tình huống trong cuộc sống… Đây là những kỹ năng mà các bậc cha mẹ cần phải hướng dẫn, chỉ bảo dạy dỗ con trong suốt quá trình lớn lên của trẻ chứ không chỉ trông chờ vào các khóa học kỹ năng sống vào mỗi dịp hè. Những năm gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, xuất hiện những vụ án giết người, cố ý gây thương tích mà đối tượng gây án là học sinh. Trên các trang mạng xã hội chúng ta cũng chứng kiến các em học sinh vẫn mặc đồng phục trên người mà lao vào đánh nhau và buông ra những lời lẽ thiếu văn hóa. Bên cạnh đó là sự bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc lá, uống rượu, quan hệ tình dục sớm... Thậm chí, nhiều học sinh đã không tự làm chủ được bản thân trước áp lực cuộc sống, tình cảm, học hành... đã có những hành động dại dột (tự tử, tự làm đau bản thân). Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống. Các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như: mâu thuẫn với bạn bè, kết quả học tập kém...

Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không còn là vấn đề mới. Thực tế nhiều năm qua, những nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường ở các cấp học. Và mỗi dịp hè về, các khóa học kỹ năng sống cũng được mở ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều bậc cha mẹ cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống và xem đó như là những cơ hội có thể mang lại “phép màu” cho con họ trở nên hoàn thiện. Nhưng điều này có thể dẫn tới sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, thậm chí phản tác dụng nếu như gia đình không đồng hành cùng trẻ trong quá trình hình thành, duy trì thực hành kỹ năng. Đối với mỗi đứa trẻ, cha mẹ mới chính là những người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến các hành vi sống, kỹ năng sống của con. Bởi vậy, thay vì việc tìm lớp học kỹ năng, cha mẹ cần chú trọng nhiều hơn vào việc rèn luyện các thói quen tốt cho trẻ ngay từ trong gia đình. Cần dành cho con một mùa hè đáng nhớ bằng được xả hơi, tự do với thiên nhiên; những chuyến đi nhiều kỷ niệm và học tập những điều con tự nguyện, thích thú. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động của xã hội và cộng đồng tạo ra nhiều sân chơi kỹ năng sống bổ ích, lành mạnh sẽ phần nào giảm tải sự nghẽn mạch trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com