Chung tay chăm lo cho trẻ tự kỷ

08:04, 01/04/2022

Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Phổ tự kỷ có biểu hiện từ rất sớm, chủ yếu xuất hiện trước 3 tuổi; có sự khác biệt giữa các triệu chứng và mức độ ở mỗi người. Về cảm xúc, trẻ không giao tiếp bằng mắt, không nhìn thẳng người đối diện; khi đi học không giao tiếp với bạn, không tập trung học tập... Về ngôn ngữ, trẻ nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhại lời người khác, nói lẩm bẩm một mình... Về hành vi, trẻ chỉ thích chơi với một đồ chơi nhất định, có hành động lạ với đồ vật... Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, những năm gần đây, số trẻ mắc chứng tự kỷ trên cả nước đang có xu hướng gia tăng. Không ít phụ huynh khi bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ vẫn không tin đó là sự thật. Để nhấn mạnh sự phức tạp và ảnh hưởng của chứng tự kỷ tới cộng đồng, năm 2007, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 2-4 hàng năm là “Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ”.

Giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định) trong giờ dạy trẻ tự kỷ.
Giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định) trong giờ dạy trẻ tự kỷ.

Nhằm hỗ trợ vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, ngày 25-2-2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ gồm: Trợ giúp về y tế, giáo dục, pháp lý, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí. Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội, giáo dục và phục hồi chức năng. Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần; chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và đối tượng khác.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, những năm qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chứng tự kỷ. Bệnh viện cũng xây dựng đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên ngành tâm lý lâm sàng để khám phát hiện sớm, có các phương pháp điều trị, can thiệp kịp thời cho trẻ tự kỷ. Sau khi điều trị, can thiệp tại bệnh viện cùng với sự đồng hành chăm lo của gia đình, nhiều trẻ tự kỷ đã sớm hòa nhập cộng đồng. Cùng với Bệnh viện Tâm thần tỉnh, thời gian gần đây nhiều Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp phép, đi vào hoạt động đã từng bước trở thành địa chỉ tin cậy cho các gia đình có trẻ tự kỷ. Có mặt ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định), chúng tôi chứng kiến các cô giáo cùng các bạn nhỏ cùng nhau chơi đồ chơi xếp hình, phân loại đồ vật, tập một bài vận động đơn giản. Với đặc thù dạy trẻ tự kỷ, ngoài kỹ năng chuyên môn tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành giáo dục đặc biệt, trị liệu tâm lý, các cô giáo còn giàu tình thương, lòng yêu nghề, từ đó dần giúp trẻ hòa nhập, tiến bộ. Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Đỗ Thị Thảo, Giám đốc Trung tâm cho biết: Đối với những trẻ khi mới đến trung tâm, các cô sẽ có những biện pháp để đánh giá trẻ, tư vấn cho phụ huynh đang mắc rối loạn nào, trẻ gặp vấn đề gì… Sau khi đánh giá về các mặt, các cô sẽ dạy các bé vệ sinh, ăn uống, nghe hiểu, nhận thức, ngôn ngữ, vận động tinh thô…; kết hợp hài hòa giữa các phương pháp: phục hồi chức năng, âm ngữ trị liệu, phát triển ngôn ngữ, nhận thức… và những can thiệp bình thường như: ăn, ngủ, tự mặc quần áo. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 50 trẻ tự kỷ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình... Đến nay, nhiều trẻ học tại trung tâm đã có sự tiến bộ rõ rệt, trong đó có một học sinh đủ điều kiện chuẩn bị đi học hòa nhập. Cháu V.T.A (3 tuổi) ở thành phố Nam Định được tiếp nhận vào trung tâm từ khi còn 17 tháng tuổi. Thời điểm đó, cháu A có nhiều biểu hiện điển hình của chứng tự kỷ như: chậm nói, đi nhón gót, không chú ý khi được gọi tên... Đến nay, sau thời gian được can thiệp tại trung tâm và sự quan tâm của gia đình, cháu đã nói được câu dài, các mặt phát triển khá ổn định, các chỉ số về rối loạn phổ tự kỷ giảm dần. Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi ở thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) là địa chỉ tin cậy được nhiều phụ huynh ở các huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực và Trực Ninh có con mắc chứng tự kỷ gửi gắm. Không phụ sự tin tưởng của các phụ huynh, cơ sở đã mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình khi chứng kiến các con có sự chuyển biến rõ rệt. Chị V.T.M, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) có con trai được phát hiện mắc chứng tự kỷ từ khi cháu được 2,5 tuổi. Theo học tại cơ sở, đến nay cháu V.T.M không còn nhiều khác biệt so với các bạn cùng trang lứa. Chung tay với Cơ sở giáo dục Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi chăm lo các cháu mắc bệnh tự kỷ, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong huyện như: Doanh nghiệp vật liệu xây dựng Tươi Hoan, nhà xe An Khánh, nhà xe Ngọc Hải, nhà xe Tuấn Bình tặng quà, miễn vé đi lại cho các cháu học tại cơ sở…

Cùng với các Trung tâm, cơ sở chăm sóc, giáo dục chuyên biệt, nhiều cá nhân đã dành tâm huyết thành lập các câu lạc bộ (CLB) để hỗ trợ, nâng cao nhận thức của các gia đình có trẻ tự kỷ. Chị Trần Thị Ngọc, Chủ nhiệm CLB Gia đình trẻ tự kỷ Nam Định cho biết: CLB được thành lập năm 2017 là thành viên của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam. Ban đầu, CLB là một nhóm nhỏ gồm 10 gia đình có con bị chứng tự kỷ. Đến nay, CLB đã có trên 300 thành viên bao gồm các cha mẹ có con bị chứng tự kỷ và giáo viên dạy trẻ tự kỷ trên toàn tỉnh, trong đó có 40 gia đình thường xuyên, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của CLB. Từ khi thành lập đến nay, CLB gia đình trẻ tự kỷ Nam Định tổ chức 10 lớp tập huấn cho các phụ huynh do các chuyên gia, giáo viên chuyên ngành đứng lớp. Bên cạnh đó, các hội viên trong CLB chủ động mời chuyên gia tư vấn riêng, đăng ký tham gia nhiều khóa học dành cho nhu cầu của con và chia sẻ để các phụ huynh khác cùng học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Thực hiện các kế hoạch theo chương trình của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, CLB tham gia tập huấn A365 Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ thu hút trên 80 phụ huynh, giáo viên tham gia. Tập huấn chương trình “Can thiệp vui và hiệu quả tại gia đình” có trên 40 trẻ được thăm khám, đánh giá bởi các chuyên gia, các bác sĩ... Là Chủ nhiệm CLB và là phụ huynh của con mắc chứng tự kỷ, chị Trần Thị Ngọc thấu hiểu những vất vả theo đuổi hành trình điều trị, can thiệp nhằm đưa con sớm hòa nhập cộng đồng. Chị mong muốn những phụ huynh cần quan tâm những biểu hiện bất thường của con từ khi còn nhỏ để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có liệu pháp can thiệp kịp thời. Mỗi phụ huynh cũng cần là “chuyên gia” luôn cập nhật các kiến thức, kỹ năng chăm sóc để sát cánh cùng các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com